An ninh Thủ đô mong muốn đóng góp để xây dựng và phát triển văn hóa Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Năm 2022, giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã bước sang mùa thứ 5. Nếu theo dõi từ lần thứ nhất được tổ chức đến nay, sẽ thấy được ý nghĩa, mục đích, sự lan tỏa và “tầm vóc” của một giải báo chí “vượt tầm Thủ đô”. An ninh Thủ đô - cơ quan của Công an thành phố Hà Nội đã có bề dày hơn 46 năm lịch sử không thể nằm ngoài sứ mệnh của mình với Thủ đô hơn một nghìn năm văn hiến.

Đến nay, An ninh Thủ đô đã lần thứ ba liên tiếp đoạt giải A giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đó vừa là niềm tự hào của An ninh Thủ đô, của nhóm tác giả chúng tôi khi góp sức trên mặt trận báo chí vào công cuộc phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao giải A giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ V - năm 2022 cho nhóm tác giả An ninh Thủ đô

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao giải A giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ V - năm 2022 cho nhóm tác giả An ninh Thủ đô

Mong muốn được đóng góp cho Hà Nội

Mỗi mùa giải kết thúc, nhóm tác giả chúng tôi lại đúc kết lại loạt tác phẩm đã triển khai, đoạt giải, những gì đạt được, còn thiếu sót, chưa hoàn hảo để rút kinh nghiệm cho tác phẩm dự thi năm sau. Đó cũng là thời điểm chúng tôi cùng nhau suy nghĩ về đề tài với rất nhiều câu hỏi được đặt ra: Làm gì bây giờ? Đề tài nào triển khai tiếp theo không trùng với tác giả, nhóm tác giả khác? Phương cách thể hiện thế nào để không đi vào lối mòn?...

Từ đó, đề tài, đề cương chi tiết được xây dựng, lên tổng thể nội dung tổ chức sản xuất, phân công nhiệm vụ cho từng tác giả trong nhóm… Có thể nói, một năm qua đi rất nhanh, chúng tôi ấp ủ đề tài từ sớm và dồn sức cho tác phẩm vào những giai đoạn nước rút. Tất cả chỉ có một mong muốn - đó là được đóng góp cho Hà Nội, có tiếng nói trách nhiệm với lãnh đạo thành phố, với cơ quan chức năng liên quan và với người dân Hà Nội để cùng xây dựng và phát triển Thủ đô lịch sử, văn hóa một cách bền vững, ngày càng đẹp hơn.

Năm 2020, nhà báo Vân Quế trong nhóm tác giả chúng tôi đã suy tư rằng, trong tâm thức của nhiều thế hệ, Hà Nội đã, đang và vẫn sẽ là một thành phố cổ kính với “mái ngói thâm nâu” cùng những góc phố thật đẹp. Nhưng một sự thật là, những mái ngói thâm nâu kia giờ chẳng còn là bao do sự biến động của lịch sử và cả quá trình đô thị hóa diễn ra quá nhanh.

Bây giờ, nhiều người vẫn hỏi nhau rằng: “Ngoài 36 phố phường ra, Hà Nội còn gì?”. Vì thế, loạt bài viết của chúng tôi nhằm đưa đến cho bạn đọc câu trả lời, ngoài “mái ngói thâm nâu” ra, Hà Nội còn nhiều ngôi biệt thự ở “phố Tây”, dẫu chúng còn nguyên hay cũ kỹ, thậm chí là xuống cấp thì đó vẫn như những “chứng nhân lịch sử” của một thời thăng trầm và đau thương. Những ngôi biệt thự Pháp cổ, như một gạch nối trong dòng chảy thời gian để bồi đắp, tiếp nối và kể câu chuyện về lịch sử Thủ đô 1010 năm tuổi.

Năm 2021, nhóm tác giả chúng tôi tiếp tục suy ngẫm về một điều rất phi lý là, chúng ta “xót xa” với các di sản tín ngưỡng tôn giáo, kiến trúc mỗi ngày một xuống cấp. Chúng ta “phẫn nộ” khi các đình, chùa, đền, miếu bị tu bổ sai nguyên tắc, giật cấp từ vài trăm năm lịch sử xuống còn… vài tháng tuổi. Chúng ta “hỗn loạn” triển khai các đề án trao truyền di sản phi vật thể, tôn vinh nghệ nhân dân gian. Cũng là chúng ta, nên có một điểm nhìn trực diện rằng đã tự “hủy hoại” các dòng sông: xả thải, ô nhiễm trầm trọng, lấp san, cống hóa, bê tông mặt nước…

Và rồi, chúng ta “thờ ơ” khi nhìn những dòng sông đang lần lượt chết dần chết mòn. Có bao giờ chúng ta đã nghĩ, nếu không còn những dòng sông trong nội đô, Hà Nội chẳng phải chỉ là khối bê tông khổng lồ chồng lấp lên nhau (?!). Một mai mất đi rồi, biết lấy gì bồi đắp, lắng đọng cho dòng chảy Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội lịch sử và văn hóa (?!). Đó là khởi nguồn cho ra đời loạt bài “Giữ lại dòng chảy lịch sử văn hóa các con sông định danh cho Hà Nội”.

Năm 2022, nhóm tác giả chúng tôi lại “loay hoay” nghĩ và tìm kiếm đề tài. Thật sự khó, băn khoăn, làm gì cho đích đáng, thể hiện gì cho ý nghĩa, viết gì cho đúng, cho trúng vấn đề dư luận xã hội quan tâm, thiết thực cho Hà Nội (?!). Bắt đầu từ câu chuyện, trong nhiều năm qua, chúng ta đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Và chúng tôi đã tìm thấy Sắc lệnh số 65/SL được Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành ngày 23-11-1945. Cũng có thể khẳng định rằng, đây là Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta đặt nền móng cho công cuộc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc; và sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Kế thừa và phát triển, 76 năm sau, ngày 12-11-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1909/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Ngày 2-12-2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký Quyết định số 2026/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Trong vòng 21 ngày, hai quyết định nêu bật tầm quan trọng của văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa phải được đặt ngang hàng và phát triển hài hòa với kinh tế, chính trị, xã hội; bảo đảm yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế; thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các công nghệ mới, hiện đại và biến đổi kinh tế - xã hội, con người do tác động của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng…

Đặc biệt, hai quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu bật mục tiêu “Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc”, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ “Thực hiện số hóa và lập bản đồ số di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu. Nâng cấp và khai thác có hiệu quả ngân hàng dữ liệu về di sản văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam phù hợp với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; bảo đảm tích hợp được vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử và Hệ tri thức Việt số hóa”; “Đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, bảo đảm đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi”... Vậy là đề tài cho loạt bài “Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử” ra đời từ đó!

Tác phẩm “Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử” của nhóm tác giả An ninh Thủ đô đoạt giải A giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ V - năm 2022

Tác phẩm “Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử” của nhóm tác giả An ninh Thủ đô đoạt giải A giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ V - năm 2022

Để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển

Tháng 4-2022, chúng tôi đã có đề cương chi tiết để triển khai, báo cáo Ban Biên tập, trực tiếp là đồng chí Trưởng ban Biên tập để xin ý kiến chỉ đạo. Vô cùng thuận lợi giống như các giải báo chí năm trước, chúng tôi nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của Ban Biên tập từ chủ trương, tạo mọi điều kiện để chúng tôi thực hiện chất lượng tác phẩm từ về nội dung lẫn hình thức một cách tốt nhất. Về nội dung tác phẩm, tôi có thể khẳng định đây là một đề tài rộng, khó, chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030 mang tầm quốc gia, sự vào cuộc của rất nhiều các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Chúng tôi phải tìm đọc, lần giở tài liệu, gặp gỡ lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa - Thể thao; Bảo tàng Lịch sử quốc gia; Hoàng thành Thăng Long; các cá nhân vì tình yêu Hà Nội, niềm đam mê văn hóa đã dày công số hóa di sản từ nhiều năm nay để có góc nhìn tương đối bao quát về công cuộc số hóa di sản. Mỗi một nhân vật được tiếp cận, thú thật chúng tôi càng thêm “hoang mang” vì biên độ mở của đề tài quá rộng, làm cách nào để “gói ghém” qua từng câu chữ, từng kỳ báo để truyền tải hết được mục đích và tính cấp thiết cần phải số hóa di sản. Từ câu chuyện ở Hà Nội, mở rộng ra tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước để tạo nên sự đồng bộ, thống nhất phục vụ mục tiêu chung nhằm bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

“Số hóa” - giờ cụm từ “số hóa” được sử dụng rộng rãi, đâu đâu, ai ai, vấn đề gì cũng dễ dàng được đề cập đến câu chuyện số hóa. Nhưng số hóa để làm gì và số hóa như thế nào thì không phải ai cũng tỏ tường. Tôi ví dụ một vấn đề, đến việc “tư liệu hóa” và “số hóa” cũng chưa được phân biệt rạch ròi, nhiều người đang làm công việc “tư liệu hóa” mà cứ nghĩ rằng mình đang làm công việc “số hóa”. Còn hiểu một cách nôm na thì đó là phương thức mới là phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị theo công nghệ hiện đại mà ta quen gọi là “số hóa”. Nhưng từ hiểu đến bắt tay vào công việc số hóa di sản là một khối lượng công việc khổng lồ, thách thức từ thời gian, vật lực đến cả con người đối với từ cơ quan chức năng đến các chuyên gia, nhà nghiên cứu, hay người được giao nhiệm vụ.

Chúng tôi đã tiến hành giải mã khái niệm, khái quát mục tiêu, làm rõ tính tất yếu, đến cả việc muốn số hóa được thì phải học để hiểu nguồn tư liệu “câm”, chú trọng khai thác “nguyên liệu đầu vào”, số hóa để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, những thử nghiệm mang tính mở đường, đặt ra mục tiêu chính để điều chỉnh mức độ ưu tiên, đầu tàu trong câu chuyện số hóa, những rủi ro sẽ phải đối mặt, giữ di sản theo cách khoa học nhất cho thế hệ mai sau, trách nhiệm không chỉ của riêng ai, cơ hội định danh đưa cổ vật trở về, mỗi di sản của Việt Nam đều có hiện diện số và hình thành bản di sản số… Cuối cùng, chúng tôi kể câu chuyện của bảo tàng, của một người, của một ngành, của thế giới và câu chuyện của chúng ta về số hóa di sản. Đó là tất cả “khối lượng công việc” chúng tôi tiệm cận, đặt ra câu hỏi và đi tìm lời giải sao cho chính xác nhất, khoa học nhất cho công cuộc số hóa di sản ở nước ta hiện nay.

* * *

Từ mùa thu năm Canh Tuất (1010) đến thời điểm này, Thăng Long - Hà Nội đã 1013 năm tuổi. Trong suốt chiều dài đó, Thủ đô là mảnh đất “lắng hồn núi sông ngàn năm”, là thành phố vì hòa bình, Thủ đô sáng tạo - Trái tim của cả nước - xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại… Hơn bao giờ hết, Hà Nội mang một khát vọng “RỒNG BAY” từ nền tảng văn hiến nghìn đời, quyết tâm xây dựng tâm thế, dáng vóc mới của một Thủ đô lịch sử, văn hóa, văn minh, giàu đẹp, ngang tầm khu vực.

Hà Nội trong tương lai sẽ phát triển năng động và hiện đại từ các công trình, quy mô dân số, diện tích, đến những sắc thái đô thị, là biểu tượng cho cả nước, đóng vai trò trung tâm hành chính - chính trị quốc gia, trung tâm lớn của quốc gia về văn hóa - kinh tế - khoa học - giáo dục, một trung tâm du lịch và giao thương quốc tế có tầm vóc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thủ đô sẽ là nơi có môi trường sống bền vững nhất, sinh hoạt giải trí với chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi. Tất cả các nội hàm trên không thể thiếu vắng văn hóa, giá trị văn hóa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng chia sẻ quan điểm “văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất” để thấy tầm quan trọng của văn hóa đối với quốc gia, dân tộc và đặc biệt đối với Thủ đô của một đất nước.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, văn hóa hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp đều nói đến những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, tiến bộ. Chính vì vậy, tác phẩm “Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử” của chúng tôi nói riêng và các tác phẩm dự thi nói chung đều đang góp sức vào gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa lịch sử của dân tộc; để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước. Đó cũng chính là thông điệp và là điều tâm đắc nhất của nhóm tác giả chúng tôi khi tham gia giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ V - năm 2022.