Ăn nhiều trứng vịt lộn có nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hại cho sức khỏe

ANTD.VN - Là món ăn giàu dinh dưỡng, thế nhưng, nếu ngày nào cũng “tẩm bổ” bằng trứng vịt lộn, bạn sẽ có nguy cơ phải đối mặt với nhiều bệnh nguy hại cho sức khỏe.

Trứng vịt lộn là món ăn bổ dưỡng được bán ở khắp mọi nơi. Từ những nhà hàng sang trọng đến những khu chợ bình dân, quán xá vỉa hè, bạn đều có thể dễ dàng tìm thấy món ăn ưa thích này. Giá một quả trứng không hề đắt nên bất cứ ai cũng có thể thưởng thức. Với những người mang thai, nó còn được coi là nguồn dinh dưỡng lý tưởng cho cả mẹ và thai nhi.

Chị Nguyễn Thu Hà (ở quận Ba Đình, TP Hà Nội) chia sẻ: “Hồi mang thai đứa thứ nhất, tôi bị nghén trứng vịt lộn. Ngày nào đi làm về cũng phải tạt qua quán gần nhà ăn 1, 2 quả cho đỡ thèm. Đến đứa thứ hai này, cơn nghén càng nhiều hơn nên lúc nào trong nhà cũng có trứng. Nhiều hôm đi làm về muộn, không kịp mua bán gì, vợ chồng tôi còn luộc trứng lên, ăn thay thức ăn mặn”.

Ăn nhiều trứng vịt lộn có nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hại cho sức khỏe ảnh 1Trứng vịt lộn được coi là nguồn dinh dưỡng lý tưởng nhưng nếu ăn quá nhiều sẽ gây hại cho sức khỏe 

Người lớn khỏe mạnh: Chỉ ăn 2 quả/tuần

Không chỉ có phụ nữ mang thai mà với những người gầy yếu, nhẹ cân, trứng vịt lộn cũng được dùng thường xuyên để tẩm bổ, nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, khác với quan điểm trên, Tiến sĩ, bác sĩ Hồ Thu Mai, Trưởng khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết: “Một quả trứng vịt lộn cung cấp 182 kcal năng lượng; 13,6 gam protein; 12,4 gam lipid; 82 mg canxi; 212 gam photpho và 600 mg cholesterol. Ngoài ra còn có rất nhiều beta carotene, các vitamin nhóm A, nhóm B và vitamin C, sắt… Đây thực sự là một thực phẩm bổ dưỡng, tuy nhiên, ăn nhiều lại không có lợi. Bởi vì, trong trứng có tới 600 mg cholesterol, nếu ngày nào cũng ăn thì sẽ dẫn tới hàm lượng cholesterol cao, dễ gây ra các bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, gan nhiễm mỡ, tim mạch…”. 

Đặc biệt, với những người đang sẵn có bệnh này trong người thì sẽ càng nguy hiểm. Không những vậy, hàm lượng vitamin A trong trứng vịt lộn cũng rất nhiều nên nếu ăn hàng ngày sẽ khiến vitamin A tích lũy dưới da, gan, dẫn đến vàng da, bong tróc biểu bì, ảnh hưởng đến việc hình thành xương.

Cũng vì những lý do trên mà theo Tiến sĩ, bác sĩ Hồ Thu Mai, mỗi người lớn khỏe mạnh cũng chỉ nên ăn 2 quả/tuần. Còn với trẻ từ 5 tuổi trở lên cũng chỉ nên ăn nửa quả mỗi lần, mỗi tuần từ 1-2 lần là đủ.

Nhiều người cho rằng trứng vịt lộn nhiều dinh dưỡng nên có thể dùng để tẩm bổ, tuy nhiên, như những phân tích ở trên, Tiến sĩ, bác sĩ Hồ Thu Mai khẳng định: “Không nên dùng thực phẩm này để tăng cân, bởi vì ăn quá nhiều sẽ gây hại mà ăn ít thì kết quả sẽ không như ý muốn”. 

Trứng vịt lộn: Không nên ăn vào buổi tối

Là món ăn được bày bán ở mọi nơi, mọi thời điểm nên người ta có thể ăn trứng vịt lộn vào bất cứ lúc nào, từ sáng sớm đến tối muộn. Tuy nhiên, Tiến sĩ, bác sĩ Hồ Thu Mai cho rằng, chúng ta chỉ nên ăn trứng vào buổi sáng, tránh ăn vào buổi tối vì với hàm lượng dinh dưỡng cao, nó dễ gây đầy bụng, khó tiêu, khó ngủ.

Bên cạnh đó, khi ăn, để phát huy hết giá trị dinh dưỡng của trứng, bạn nên ăn kèm với rau răm và gừng. Rau răm có tác dụng làm ấm bụng, còn gừng thì kích thích tiêu hóa. Tuy nhiên, với phụ nữ mang thai cần hạn chế 2 loại gia vị này vì có thể gây bong thai, sảy thai, nhất là với những người đang ở 3 tháng đầu.

Không chỉ trứng vịt lộn mà nhiều thực phẩm khác, dù bản chất của nó là có lợi cho sức khỏe, thế nhưng, sử dụng nhiều cũng sẽ gây tác dụng ngược. Bản thân các loại thịt, cá, hải sản… cũng vậy. 

“Trứng vịt lộn là một thực phẩm bổ dưỡng, tuy nhiên, ăn nhiều lại không có lợi. Bởi vì, trong trứng có tới 600 mg cholesterol, nếu ngày nào cũng ăn thì sẽ dẫn tới hàm lượng cholesterol cao, dễ gây ra các bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, gan nhiễm mỡ, tim mạch…”. 

Tiến sĩ, bác sĩ Hồ Thu Mai (Trưởng khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec)