Ăn măng tươi thế nào để không gây hại?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Măng tươi là thực phẩm quen thuộc và có nhiều lợi ích sức khỏe nhưng không phải ai cũng biết cách lựa chọn và chế biến măng an toàn.
Nếu như sau khi ăn măng có những dấu hiệu bất thường thì có thể bạn đang có những dấu hiệu bị ngộ độc

Nếu như sau khi ăn măng có những dấu hiệu bất thường thì có thể bạn đang có những dấu hiệu bị ngộ độc

Những tác dụng ít biết của măng

Giúp giảm cân, kiểm soát cholesterol. Măng tre là thực phẩm tốt nếu bạn muốn giảm cân. Măng giàu chất xơ vì thế nó giúp thỏa mãn cơn đói. Măng chứa lượng đường, calo không đáng kể. Với tỷ lệ carbohydrate thấp hơn so với các thực phẩm giàu chất xơ khác, măng là thực phẩm giúp giảm cân lý tưởng. Măng làm giảm lượng cholesterol xấu nhờ chứa lượng chất béo, calo không đáng kể, nhiều chất xơ.

Tốt cho tim. Măng nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu và khoáng chất như selen và kali có lợi cho tim. Thêm vào đó, với lượng carbohydrate và đường thấp, măng giúp phòng các bệnh tim mạch. Măng tre giàu chất xơ, đào thải cholesterol xấu ra khỏi cơ thể, giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Chống ung thư. Măng giàu chất chống oxy hóa, loại bỏ các gốc tự do và chất phytosterol tự nhiên, góp phần chống ung thư. Chất chống oxy hóa có thể loại bỏ các gốc tự do gây ung thư, trong khi phytosterol tự nhiên trong măng giúp ức chế sự tăng trưởng và đột biến của các khối u.

Tăng cường miễn dịch. Măng có chứa nhiều vitamin, khoáng chất cần thiết cho các hoạt động trơn tru của cơ thể. Măng tre giúp nâng cao khả năng miễn dịch. Sự hiện diện của các vitamin thiết yếu như vitamin A, C, E, và B giúp tăng cường chức năng miễn dịch. Măng tre hiệu quả trong chữa trị các vấn đề về hô hấp.

Ăn măng sao cho an toàn?

Nếu như sau khi ăn măng có những dấu hiệu bất thường thì có thể bạn đang có những dấu hiệu bị ngộ độc. Khi bị ngộ độc ở cấp độ nhẹ bạn sẽ có những dấu hiệu như: đau đầu, chóng mặt, rối loạn ý thức, hồi hộp, lo âu, buồn nôn, kích thích niêm mạc hô hấp… Trường hợp bị ngộ độc nặng sẽ có những biểu hiệu nguy kịch hơn: suy hô hấp, giãn đồng tử, cứng hàm, co giật, tím tái, hôn mê, nặng hơn có thể dẫn đến ngưng thở, rối loạn nhịp tim… Khi có những dấu hiệu bất thường nào sau khi ăn măng phải nhanh chóng đến bệnh viện.

Vì vậy, để thưởng thức món măng ngon và an toàn, cần biết cách chọn măng, sơ chế, chế biến đúng cách. Măng ngon, măng không hóa chất thường có màu hơi thâm đen hoặc vàng tươi rất nhạt do chỉ ngâm muối, trong khi măng ngâm hóa chất có màu trắng phau, hoặc màu vàng đậm do được ngâm bột vàng, trông bóng rất bắt mắt. Măng không ngâm hoá chất sẽ có mùi chua tự nhiên, không có mùi hắc. Để loại bỏ độc tố trong măng, rửa và ngâm măng trong nước muối hoặc nước vo gạo khoảng 30 phút-45 phút, sau đó luộc ít nhất 2- 3 lần nước trong vòng 15 - 20 phút. Trong quá trình luộc, nên mở vung để chất độc bay hơi. Với món măng ngâm dấm ớt, tốt nhất là bạn tự chế biến để bảo đảm măng đã được sơ chế cẩn thận. Nếu mua ngoài hàng, hãy cẩn thận lựa chọn sản phẩm có nhãn mác.

Cách loại bỏ độc tố trong măng

Luộc kỹ măng trước khi ăn. Trong măng có độc tố cyanide, độc tố này khi đi qua đường tiêu hóa sẽ biến thành axit cyanhydric (HCN), gây hại cho cơ thể. Để tránh bị ngộ độc, trước khi nấu, măng phải được luộc thật kỹ và rửa đi rửa lại rất nhiều lần. Mỗi lần luộc phải thay nước.

Mở vung khi nấu măng. Không nên đậy vung khi nấu măng vì có thể làm chất độc trong măng không bay ra được. Tốt nhất sau khi mua măng về, cần rửa sạch, ngâm muối, sau đó luộc kỹ 3 lần và hãy mở vung để độc tố bay đi.

Không sử dụng măng tươi ngâm dấm, ăn xổi. Do độc tố trong măng gây hại cho sức khỏe nên măng ngâm dấm chưa đủ thời gian, măng chưa ngả sang màu vàng ươm và chưa có mùi chua thì có thể gây ngộ độc cho người ăn. Nhiều người cho rằng khi uống nước măng sẽ giúp thanh lọc, làm mát cơ thể… nhưng chính nước măng tươi có thể dẫn đến ngộ độc nặng và có thể gây tử vong ngay lập tức.

Những ai không nên ăn măng?

Trong thời gian mang thai cực kỳ nhạy cảm cho nên cần phải hết sức cẩn thận để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Tốt nhất phụ nữ mang thai nên hạn chế ăn măng, nếu như muốn ăn thì phải luộc thật kỹ, luộc đi luộc lại nhiều lần để loại bỏ bớt độc tố có trong măng. Hàm lượng axit cyanide trong măng có thể làm cho tình hình bệnh dạ dày càng thêm trầm trọng hơn. Vì vậy, những người đang bị đau dạ dày hoặc đang uống thuốc liên quan đến dạ dày không nên ăn măng.

Trẻ nhỏ, người cao tuổi không nên ăn măng, nếu ăn nhiều măng sẽ rất khó tiêu hóa, thậm chí có thể gây tắc ruột nếu ăn nhiều và ăn kết hợp với các thực phẩm khó tiêu khác. Người khỏe cũng không nên ăn măng thường xuyên và không nên ăn vào lúc đói hoặc ăn quá nhiều.