Ẩn họa khó lường từ việc chia sẻ thông tin tìm trẻ mất tích lên mạng xã hội

ANTD.VN -Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện khá nhiều thông tin, hình ảnh thông báo với nội dung tìm người nhà, trẻ em mất tích. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng mạo nhận biết tin về người mất tích đã gọi điện, liên lạc với người nhà nạn nhân nhằm mục đích tống tiền, thậm chí…tống tình.

Lừa giữ bé gái mất tích đòi 30 triệu đồng

Mới đây, CAH Nghi Xuân, Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối với đối với Nguyễn Văn Bảo (SN 1986), ở xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, Cà Mau về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo thông tin ban đầu, ngày 30-3-2019, khi vào mạng xã hội, Nguyễn Văn Bảo biết chị T.L.A, ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh đăng tin nhờ cộng đồng mạng tìm giúp con gái là cháu T.T.M (3 tuổi) bị mất tích vào tháng 7-2018. 

Dù không biết cháu M ở đâu song Nguyễn Văn Bảo đã liên lạc với chị A và cho biết đang giữ cháu M ở nơi bí mật, yêu cầu chị A chuyển 30 triệu đồng thì sẽ thả cháu bé. Trong khi chưa xác minh độ chính xác của thông tin này, gia đình chị A đã vay mượn chuyển 30 triệu đồng vào tài khoản cho Bảo. Sau khi lừa lấy được tiền của nạn nhân, Bảo cắt đứt liên lạc. Ngay sau đó, đối tượng Nguyễn Văn Bảo  đã bị CAH Nghi Xuân bắt giữ khi đang lẩn trốn.

Đối tượng Nguyễn Văn Bảo tại cơ quan công an

Cách đây không lâu, CAP Thạch Bàn, quận Long Biên nhận được thông tin trình báo của người phụ nữ trên địa bàn tên D.T.L. Chị L cho biết, do cô con gái 4 tuổi của chị bỗng dưng mất tích nên chị đã đăng thông tin kèm theo hình ảnh của cháu lên mạng với lời nhắn nhờ mọi người tìm kiếm giúp. Tại mẩu tin này, chị L cũng để lại số điện thoại cá nhân để tiện liên lạc.

Sau đó ít ngày, chị L thấy điện thoại của mình có cuộc gọi nhỡ từ số máy lạ. Với hi vọng chủ số máy này biết thông tin về con gái mình nên chị L đã liên lạc lại. Sau hàng chục cuộc gọi của chị L, một người đàn ông - chủ thuê bao số máy đó mới  nghe máy đồng thời cho biết đang giữ con gái của chị.

Ngay lập tức, chị L khẩn khoản xin người đàn ông cho nói chuyện với con. Trái ngược với sự lo âu, nóng lòng của người mẹ, gã đàn ông ỡm ờ gạ gẫm chị L phải cho hắn ta quan hệ tình dục mới được gặp con. Sau đó, đối tượng tiếp tục nhắn tin nhắn với những lời lẽ thô bỉ.

Sau khi nhận được thông tin trình báo của chị L, CAQ Long Biên đã xác định được chủ nhân của những tin nhắn trên là Nguyễn Quang Điệp, ở TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Tại cơ quan công an, Điệp khai, sau khi đọc được thông tin về sự mất tích của con chị L, dù không giữ cháu bé và cũng không biết thông tin gì của cháu nhưng Điệp vẫn nhắn tin cho bố, mẹ và những người thân trong gia đình với mục đích trêu đùa.

Cần thận trọng khi chia sẻ thông tin lên mạng xã hội

Liên quan đến các vụ việc nêu trên, Luật sư Lê Hồng Vân, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người khác để tống tiền, tống tình là vi phạm pháp luật. Căn cứ tính chất, mức độ, hậu quả xảy ra, đối tượng thực hiện hành vi có thề bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Với hành vi “tống tình”, Nguyễn Quang Điệp đã bị xử phạt theo Nghị định 167/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội do có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Còn với hành vi “tống tiền”, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS 2015.

 Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2- dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp luật định thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Cũng theo Luật sư Lê Hồng Vân, thời gian qua, mạng xã hội đã trở thành công cụ tìm kiếm người, đồ đạc bị mất tích, thất lạc khá hiệu quả. Song bên cạnh những tác dụng tích cực, việc chia sẻ các thông tin cá nhân, đặc biệt là các trường hợp tìm kiếm trẻ mất tích bừa bãi trên mạng xã hội đã tạo cơ hội cho các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí khiến tình trạng của nạn nhân trở nên nguy hiểm hơn.

“Để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, mỗi cá nhân sử dụng mạng xã hội trước khi chia sẻ bất cứ thông tin nào liên quan đến chính mình và người thân cần thận trọng. Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, thay vì vội vàng hành động theo yêu cầu của người lạ hãy nhanh chóng  trình báo với cơ quan công an để được  hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, những người khác trước khi chia sẻ thông tin trên mạng cần kiểm tra nguồn của chúng kẻo vô tình tiếp tay cho đối tượng xấu” – Luật sư Lê Hồng Vân khuyến cáo.