Ấn Độ trong “cuộc đua” phát triển mạng 5G ở châu Á

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn châu Á vừa khởi động mạng 5G. Công nghệ 5G sẽ cung cấp vùng phủ sóng liền mạch, tốc độ truyền dữ liệu cao, đánh dấu một làn sóng cách mạng hóa mọi thứ từ trò chơi điện tử đến sản xuất và chăm sóc sức khỏe.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 1-10 đã thực hiện cuộc gọi video 5G đầu tiên với các học sinh để chứng minh lợi ích của việc sử dụng dịch vụ này trong giáo dục. Ông nói: “5G là sự khởi đầu của một không gian cơ hội vô hạn”, đặc biệt là đối với giới trẻ của đất nước.

Kỳ vọng vào thành công của công nghệ mới

Mặc dù công nghệ di động thế hệ thứ năm - lần đầu tiên được giới thiệu ở Hàn Quốc cách đây 3 năm - cho đến nay vẫn bị người tiêu dùng coi là chưa đạt được hiệu quả vì sự khan hiếm của các ứng dụng phù hợp, các nhà khai thác mạng Ấn Độ do tập đoàn Reliance Jio Infocomm Ltd. của tỷ phú Mukesh Ambani dẫn đầu đang đánh cược rằng mọi thứ sẽ thay đổi. Họ tin tưởng rằng hơn 600 triệu người dùng điện thoại thông minh của Ấn Độ cũng như các lĩnh vực đang chuẩn bị cho một cuộc chuyển đổi kỹ thuật số sẽ chuyển sang mạng mới trong thời gian thích hợp.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tương tác cùng người dân sống ở vùng hẻo lánh trong lễ khởi động mạng 5G

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tương tác cùng người dân sống ở vùng hẻo lánh trong lễ khởi động mạng 5G

Chỉ 2 tháng trước, các nhà cung cấp dịch vụ Ấn Độ đã đồng ý chi ra 19 tỷ cho sóng phát 5G tại một cuộc đấu giá của chính phủ, đứng đầu danh sách là Reliance. Tại sự kiện ra mắt hôm 1-10, tỷ phú Ambani cho biết, mạng 5G của Reliance Jio Infocomm sẽ phủ sóng toàn quốc vào tháng 12 năm sau, trong khi nhà mạng Bharti Airtel có kế hoạch tương tự vào năm 2024.

Trong khi Reliance đã huy động được hơn 25 tỷ USD từ các nhà đầu tư huy động vốn vào năm 2020 để giúp tài trợ cho việc mở rộng kỹ thuật số, nhu cầu chi tiêu lớn cho 5G có thể đè nặng lên tài chính của các đối thủ. Ông Rajat Kathuria, giáo sư thỉnh giảng cấp cao tại Hội đồng Nghiên cứu Ấn Độ về Quan hệ kinh tế quốc tế ở New Delhi cho biết: “Họ có thể sẽ cung cấp dịch vụ 5G cho những phân khúc thị trường sẵn sàng trả cao hơn và cố gắng thu hồi vốn nhiều nhất có thể”.

Công nghệ 5G ở Ấn Độ hiện có thể sử dụng ở 13 thành phố. Trong vòng 1 năm tới, các công việc sẽ được xúc tiến để triển khai các dịch vụ 5G tại 500 thành phố của cả nước. Chính phủ cho biết tác động kinh tế tích lũy của 5G đối với Ấn Độ dự kiến sẽ đạt 450 tỷ USD vào năm 2035.

Con đường Ấn Độ đi đến mạng 5G đã bị cản trở bởi một số tranh cãi. Vấn đề chính là về mức độ an toàn từ thiết bị của Trung Quốc - một vấn đề quan trọng đối với một quốc gia có xung đột biên giới với nước láng giềng phía Bắc. Năm ngoái, các nhà mạng đã quyết định tránh các nhà cung cấp Trung Quốc như Huawei Technologies Co. và ZTE Corp., thay vào đó chọn liên kết với các nhà sản xuất như Ericsson AB, Nokia Oyj và Samsung Electronics Co., có khả năng làm tăng chi phí của họ. Tuy nhiên, tỷ phú Ambani cho biết tại sự kiện ra mắt mạng 5G: “Ấn Độ có thể đã bắt đầu hơi muộn, nhưng chúng tôi sẽ về đích trước bằng cách tung ra các dịch vụ 5G có chất lượng cao hơn và giá cả phải chăng hơn”.

Thuận lợi và thách thức

Với tốc độ dữ liệu nhanh hơn khoảng 100 lần so với 4G, công nghệ 5G có tiềm năng cho phép nhiều ứng dụng nâng cao như ảnh ba chiều, ảnh đại diện 3D và y học từ xa, đặc biệt là cho phép truyền video và dữ liệu gần như tức thời trong các ca phẫu thuật từ xa hay cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao cho các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa. Đối với người dùng nói chung, 5G chủ yếu có tác dụng truyền phát nội dung và trò chơi video nhanh hơn, với giới trẻ nó có thể mang lại một nền giáo dục ưu việt.

Để tận dụng mạng Internet 5G, Trung Quốc đã triển khai các ứng dụng điện thoại thông minh và các dự án công nghiệp như phát trực tiếp độ nét siêu cao, sản xuất từ xa, thực tế ảo và các cánh tay phẫu thuật robot. Ba nhà mạng quốc doanh Trung Quốc đã giới thiệu hơn 25.000 ứng dụng như vậy, truyền thông nước này đưa tin vào tháng 8-2022. Tuy vậy, ở Hàn Quốc, bất chấp nỗ lực của các nhà khai thác di động để tạo ra các ứng dụng có thể “làm mưa làm gió”, doanh thu trung bình trên mỗi người chỉ tăng nhẹ so với kỷ nguyên 4G.

Trong cuộc chạy đua triển khai 5G của Ấn Độ, người chiến thắng duy nhất cho đến nay là chính phủ: Cuộc đấu giá sóng không dây 5G đã thu được số tiền kỷ lục, Bộ trưởng Viễn thông Ashwini Vaishnaw cho biết vào tháng 7-2022. Số tiền thu được từ cuộc đấu giá có thể tạo ra một động lực tài chính lớn cho chính quyền của Thủ tướng Modi, vốn đang tìm cách kiềm chế lạm phát và thâm hụt tài chính khi các nhà kinh tế cảnh báo về một cuộc suy thoái toàn cầu đang rình rập.

Tiến sĩ SP Kochhar, Tổng giám đốc Hiệp hội các nhà khai thác mạng di động của Ấn Độ (COAI) cho biết, trong vòng 1 năm tới, các công việc sẽ được xúc tiến để triển khai các dịch vụ 5G tại 500 thành phố của cả nước. Một thách thức là dịch vụ 5G không thể chạy trên điện thoại thông minh hiện có, trong khi điện thoại có khả năng 5G rất đắt tiền. Nó đòi hỏi cần có sự phổ biến của điện thoại thông minh bản địa có hỗ trợ 5G giá rẻ. Ông SP Kochhar cũng nhấn mạnh thách thức của việc lắp đặt các tháp viễn thông 5G. 5G hoạt động ở băng tần cao hơn (3,3-3,6 GHz), do đó, nó sẽ có bước sóng thấp hơn. Các bước sóng thấp hơn so với 4G cũng làm giảm khoảng cách truyền 5G. Đối với dịch vụ 4G, tháp di động có thể đặt cách nhau khoảng cách 3 km. Nhưng để bắt đầu các dịch vụ 5G, cứ sau 300 m lại cần 1 tháp phát sóng nhỏ. Vấn đề này liên quan đáng kể đến chi phí cơ sở hạ tầng và mỹ quan đường phố.