ASEAN và EU hợp tác phát triển chuỗi cung ứng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những diễn biến phức tạp trên thế giới và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới cả nền kinh tế cũng như hợp tác kinh tế giữa ASEAN và Liên minh châu Âu (EU) là hai đối tác kinh tế lớn của nhau.

Nâng vai trò ASEAN trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo thông báo mới đây của Liên minh châu Âu (EU) và Ban Thư ký ASEAN, hai bên sẽ lần đầu tiên tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-EU để thảo luận về việc mở rộng hỗ trợ thương mại và cơ sở hạ tầng khi liên minh này đang tăng cường quan hệ với châu Á, trong đó có các quốc gia thành viên hiệp hội tại Đông Nam Á. Theo đó, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - EU dự kiến khai mạc vào ngày 14-12 tới tại trụ sở liên minh ở Thủ đô Brussels của Bỉ với sự tham dự của nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước ASEAN và EU.

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - EU diễn ra vào dịp hai bên kỷ niệm 45 năm Cộng đồng Kinh tế châu Âu - tiền thân của EU - thiết lập quan hệ chính thức với ASEAN. Sau 45 năm phát triển và hợp tác, ASEAN ngày càng có ý nghĩa quan trọng hơn đối với EU trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế cho tới chính trị, ngoại giao và an ninh. Ông Josep Borrell, đại diện cấp cao của EU về các vấn đề đối ngoại và chính sách an ninh, cho biết trong cuộc họp cấp Bộ trưởng ngày 4-8 vừa qua với các đối tác ASEAN, EU cam kết nâng hợp tác với ASEAN lên “đối tác chiến lược”.

ASEAN sẽ giữ vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu

ASEAN sẽ giữ vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-EU còn diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường, tác động sâu sắc tới các thành viên ASEAN cũng như EU và hợp tác giữa hai bên. Tại châu Âu, cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine không chỉ là một điểm nóng căng thẳng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế các nước EU. Trong khi đó, chính sách “Không Covid” (Zero Covid) của Trung Quốc - “công xưởng của thế giới” - đã làm gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng lớn tới kinh tế của cả các thành viên ASEAN và EU.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC - cơ quan hành pháp của EU) Valdis Dombrovskis phụ trách thương mại cho biết, trong bối cảnh đó, EU đang tăng cường nỗ lực để đạt được các thỏa thuận với các đối tác chia sẻ các lợi ích chung. Số liệu của Liên hợp quốc cho thấy, khu vực châu Âu và Đông Nam Á đã giao dịch lượng hàng hóa tổng trị giá 250 tỷ USD vào năm 2021, năm mà thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. ASEAN với 10 nước thành viên là một trong những đối tác thương mại lớn của EU.

EU hiện đã có các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực với hai thành viên ASEAN là Singapore và Việt Nam, đồng thời đang nỗ lực đẩy nhanh các cuộc đàm phán về thỏa thuận tương tự với các nước ASEAN khác là Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan. EU được cho sẽ tập trung vào các thỏa thuận thương mại song phương riêng biệt để thúc đẩy trao đổi thương mại với khu vực ASEAN.

Ngoài ra, ASEAN với các quốc gia giàu tài nguyên như Indonesia, Malaysia… đang được EU hướng tới trong việc tìm kiếm những nguồn thay thế thuận lợi cho dầu mỏ và khí đốt tự nhiên - hai mặt hàng mà liên minh này đang rất “khát”. Xây dựng một mạng lưới thương mại tự do được mở rộng với ASEAN giúp EU đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm bớt sự phụ thuộc vào các cường quốc giàu tài nguyên như Nga.

Đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đã làm đình trệ nhập khẩu nhiều linh kiện, vật tư thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng cho cả ASEAN và EU. Do vậy, tại Hội nghị thượng đỉnh vào trung tuần tháng 12 tới, hai bên sẽ tập trung bàn thảo, đưa ra các thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển chuỗi cung ứng. EU dự kiến sẽ hỗ trợ để phát triển hạ tầng sản xuất, thúc đẩy các nước ASEAN gia tăng vai trò chính trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có các thành viên của liên minh.

Điểm nhấn trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - EU vào cuối năm nay được xem là một bước phát triển trong hợp tác nhiều mặt giữa hai bên. Thúc đẩy hơn nữa hợp tác với hiệp hội ASEAN giữ vai trò chủ đạo, trung tâm trong nhiều vấn đề khu vực từ kinh tế tới chính trị - an ninh là một trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà EU thông qua vào tháng 9-2021. Theo Đại diện cấp cao của EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell, chỉ cần nhìn vào một vài con số là biết được tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối với EU như: khu vực này tạo ra 60% GDP toàn cầu và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của EU; 4 trong số 10 đối tác thương mại hàng đầu của EU là ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương…

EU có lợi ích chiến lược quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực này liên quan mật thiết tới lợi ích của liên minh. EU do đó mong muốn là nhân tố đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.

Cùng với đó, trước những căng thẳng đe dọa tới hòa bình, ổn định và an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khu vực này cũng có nhu cầu hợp tác với các đối tác quan trọng cùng chia sẻ lợi ích. “Chúng tôi được các đối tác thừa nhận, được họ tin cậy. Tôi cho rằng có đủ lý do để tăng cường sự can dự của chúng tôi tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là lý do tại sao chúng tôi xây dựng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” - ông Josep Borrell nêu rõ khi công bố chiến lược.

EU nhấn mạnh, sự tăng cường sự can dự của liên minh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là nhằm duy trì một khu vực tự do và rộng mở cho tất cả quốc gia - điều phù hợp với lợi ích chung toàn cầu, đồng thời xây dựng các quan hệ đối tác mạnh mẽ và lâu dài. EU theo chiến lược mới sẽ thắt chặt quan hệ với các đối tác để ứng phó với các thách thức đang nổi lên có ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực nhằm thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, một sân chơi bình đẳng, một môi trường mở và công bằng cho thương mại và đầu tư, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường kết nối với EU.

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU xác định 7 lĩnh vực hành động ưu tiên, gồm: Thịnh vượng bền vững và bao trùm, chuyển đổi xanh, quản trị đại dương, quan hệ đối tác và quản trị số, kết nối, an ninh và quốc phòng, an ninh con người. Riêng về an ninh và quốc phòng, EU sẽ thúc đẩy một cấu trúc an ninh khu vực mở, dựa trên luật lệ, trong đó có việc xây dựng năng lực và tăng cường triển khai lực lượng hải quân của các nước EU đến khu vực. Trong đó, EU tăng cường hợp tác với ASEAN về tự do hàng hải ở Biển Đông và kiểm soát xuất khẩu bao gồm công nghệ nhạy cảm có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.

Với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, EU đẩy mạnh tăng cường các quan hệ đối tác với các quốc gia khu vực nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư, kết nối, đồng thời ứng phó với các thách thức chung toàn cầu. Chiến lược này được cho sẽ hiện thực hóa một phần quan trọng bằng những cam kết, thỏa thuận đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-EU vào tháng 12 tới và hợp tác phát triển chuỗi cung ứng là một “đột phá khẩu”.