Ấn Độ: Nhức nhối nạn "gạch máu"

ANTĐ - Ấn Độ hiện được xem là nơi nô lệ hiện đại phổ biến nhất. Hình thức bóc lột lao động đặc biệt phổ biến trong ngành xây dựng, nhất là ở các khu vực sản xuất gạch và khai thác đá không được quản lý chặt chẽ. Như cái vòng luẩn quẩn, khi Siriya Banchor (48 tuổi) được giải cứu khỏi một lò gạch ở miền nam Ấn Độ - nơi bà phải làm việc và cam chịu cuộc sống lao động cưỡng bức. 

Ấn Độ: Nhức nhối nạn "gạch máu" ảnh 1Lao động ở các lò gạch phải làm việc không ngừng nghỉ suốt 6 tháng 
trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt

Chiến dịch giải cứu lao động cưỡng bức

Tổng cộng 564 người, trong đó có cả bà Banchor đã được cảnh sát và chính quyền địa phương giải cứu vào tuần trước. Đây là một chiến dịch giải cứu lao động cưỡng bức lớn nhất Ấn Độ bị bán và bị ép phải phục vụ trong ngành xây dựng. “Có nhiều vi phạm diễn ra hàng ngày ở nhiều lò gạch, nhưng Chính phủ không đủ năng lực để kiểm tra những nơi này cũng như điều kiện sống của người lao động, trong đó có nhiều trường hợp chẳng khác gì nô lệ thời hiện đại” - Chandan Kumar, người sáng lập một tổ chức vận động mang tên “Blood Bricks” (“Gạch máu”) nhấn mạnh.

Ấn Độ hiện có tới 14,3 triệu người đang sống như nô lệ (chiếm gần một nửa trong tổng số 36 triệu người nô lệ trên toàn cầu), theo báo cáo của Quỹ Walk Free (Tự do đi lại) - một tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Australia. Nhiều người Ấn Độ bị lừa vào làm việc trong các nông trại, nhà thổ, cửa hiệu nhỏ hay nhà hàng để kiếm tiền trả khoản nợ của họ hoặc món nợ để lại từ người thân. Hình thức bóc lột lao động kiểu này đặc biệt phổ biến trong ngành xây dựng, nhất là ở các khu vực sản xuất gạch và khai thác đá không được quản lý chặt chẽ. 

Hiện chưa có số liệu chính thức về số người được sử dụng để cắt, nặn hay nung những viên gạch làm từ đất sét chủ yếu bằng tay tại hàng chục nghìn lò gạch ở Ấn Độ. Theo một nghiên cứu vào năm 2015 của Trung tâm Khoa học và Môi trường, có ít nhất 10 triệu người Ấn Độ đang làm việc tại các lò gạch.

Tại Ponneri, cách thành phố duyên hải Chennai 50 km, thủ phủ bang Tamil Nadu, các lao động được giải cứu tại lò gạch Sri Lakshmi Ganapathi Brick Industries đã kể lại quá trình mà những tay “cò” lao động đưa họ đến đây 2 tháng trước.Tất cả những người này đều đến từ bang Odisha (phía đông Ấn Độ) cho biết, những tay “cò” lao động đến làng của họ, cung cấp các khoản vay 20.000 rupee (300 USD) để đổi lấy 6 tháng lao động.

Ấn Độ: Nhức nhối nạn "gạch máu" ảnh 2

Vòng luẩn quẩn

Những lao động cưỡng bức tại lò gạch cho biết, họ phải làm việc 10 tiếng mỗi ngày, ngủ trong những căn phòng chật hẹp và không có nước sạch hay nhà vệ sinh. Mỗi gia đình, trong đó một số gia đình còn có người già hoặc phụ nữ mang thai, được yêu cầu phải sản xuất ít nhất 2.000 viên gạch mỗi ngày. Nếu không hoàn thành, số tiền trừ vào khoản nợ của họ sẽ ít đi. Nhưng họ không nhận bất kỳ giấy tờ vay nợ chính thức nào và không biết đã trả được bao nhiêu. “Mỗi gia đình vay khoảng 20.000 rupee. Họ chỉ đang nhận được 400 rupee tiền công mỗi tuần và không được phép về nhà, trừ khi họ trả được hết nợ”,  M Narayanan - một nhân viên sở thuế địa phương, người tham gia vụ đột kích, nói.

Một bác sĩ do các chủ lò gạch thuê, bị bắt cùng 5 người khác (trong đó có cả quản lý lò gạch) cho hay, ông có nhiệm vụ cung cấp thuốc giảm đau cho các lao động để bảo đảm họ có thể làm việc liên tục, không ngừng nghỉ.

Theo các nhà hoạt động, tình trạng xem thường Luật Lao động, xử phạt không nghiêm “cò” lao động và chủ lò gạch cũng bởi thực tế những người lao động có quá ít lựa chọn mưu sinh khiến việc xóa bỏ tình trạng lao động cưỡng bức trở nên vô cùng khó khăn.

“Trong hầu hết các trường hợp, những lao động được giải cứu đều nói họ không có phương kế mưu sinh nào, vì thế họ không còn lựa chọn ngoài việc đi theo “cò” lao động”, Mathew Joji - người phát ngôn tổ chức nhân quyền Sứ mệnh Công lý Quốc tế, trụ sở ở Mỹ, nhấn mạnh. Đồng quan điểm, R Geeta, cố vấn của tổ chức Liên đoàn các Công nhân ngoài công đoàn ở Chennai, cho biết những cuộc giải cứu thường không chấm dứt được tình trạng lao động “gán nợ”. “Khi không được giám sát, rất nhiều người trong số những lao động được giải cứu sẽ tiếp tục vướng vào tình cảnh cưỡng bức lao động lần thứ hai hay phải làm việc cho một chủ lao động khác với điều kiện tồi tệ chẳng khác gì trước đây”, Geeta nói.

Đối với Banchor, chẳng có gì đảm bảo cuộc sống sẽ tốt hơn khi bà và gia đình trở về quê. “Chúng tôi sắp về nhà nhưng tương lai của chúng tôi vẫn bấp bênh”, bà vừa than thở vừa chen chúc trong dòng người để lên xe buýt ra khỏi lò gạch.