Ấn Độ - Nhà sản xuất vaccine số 1 “trở tay không kịp” trong đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
ANTD.VN - Trên khắp thế giới, chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19 ở các điểm nóng như Bangladesh, Nepal hay Rwanda đã bị đình trệ, một phần do hết vaccine từ nguồn cung Viện Huyết thanh Ấn Độ. Nguyên nhân nào khiến nhà sản xuất vaccine hàng đầu thế giới này đã “vấp ngã” trong cuộc chiến chống đại dịch lần này?
Nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới bị “bước hụt” trong việc hoàn tất các đơn hàng trên khắp thế giới

Nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới bị “bước hụt” trong việc hoàn tất các đơn hàng trên khắp thế giới

Xáo trộn cả chương trình tiêm chủng toàn cầu

Gia đình tỷ phú Poonawalla thành lập công ty có tên Viện Huyết thanh Ấn Độ vào năm 1966 để đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của họ ngoài nghề truyền thống là chăn nuôi ngựa đua. Năm ngoái, họ được chọn là nhà cung cấp hàng đầu vaccine ngừa Covid-19 cho Covax - sáng kiến được Tổ chức Y tế Thế giới hậu thuẫn nhằm đảm bảo việc cấp vaccine công bằng trên toàn cầu.

Quyết định chọn Viện Huyết thanh Ấn Độ làm nhà cung cấp chính cho Covax “chủ yếu dựa trên năng lực sản xuất lớn của công ty, khả năng cung cấp với chi phí thấp và thực tế là vaccine của họ là một trong những loại sớm nhất được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp”, Tiến sĩ Seth Berkle, Giám đốc điều hành Gavi, Liên minh vaccine đã hỗ trợ Covax và quỹ tài trợ cho các đơn đặt hàng của cơ chế này.

Giám đốc điều hành Adar Poonawalla khi đó cam kết rằng, công ty sẽ cung cấp 400 triệu liều vaccine AstraZeneca cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vào cuối năm 2020. Đến tháng 1-2021, ông nói rằng công ty chỉ sản xuất 70 triệu liều vì không chắc chắn khi nào sẽ nhận được giấy phép từ Ấn Độ và không có đủ không gian chứa sản phẩm. Tuy nhiên, Viện Huyết thanh Ấn Độ đã không thể gửi bất kỳ mũi tiêm nào ra nước ngoài kể từ tháng 4-2021, khi Chính phủ Ấn Độ cấm xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 giữa làn sóng dịch thứ hai tàn phá nước này. Những tuần gần đây, công ty còn tuyên bố rằng việc xuất khẩu khó có thể tiếp tục đến cuối năm 2021 do nhu cầu quá lớn của Ấn Độ.

Thách thức không thể lường trước

Quá trình này, công ty Ấn Độ đã liên tiếp gặp thất bại, từ lệnh cấm xuất khẩu đến cháy nhà máy, ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng các đơn hàng của họ. Về vụ cháy vào tháng 1-2021, lúc đầu, nhà sản xuất đã hạ thấp tác động của nó nhưng thiết bị hư hại và các dây chuyền sản xuất bổ sung lắp đặt chậm trễ khiến việc mở rộng sản xuất bị hạn chế. Tuy nhiên, khó khăn hơn cả là Viện Huyết thanh Ấn Độ bị ràng buộc bởi lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ và các quy định khác của chính phủ.

Ban đầu, những thách thức về nguồn cung của công ty không rõ ràng vì chiến dịch tiêm chủng ở Ấn Độ bắt đầu chậm. Chính phủ của Thủ tướng Modi cũng không rõ phải đặt hàng bao nhiêu liều vaccine khiến công ty không có tầm nhìn xa về lượng công suất cần thiết. Đơn đặt hàng ban đầu của Ấn Độ vào tháng 1-2021 chỉ có 11 triệu liều sau khi ông Poonawalla cố gắng thương lượng công khai về giá cả với chính phủ. Nhưng khi làn sóng Covid-19 thứ hai tàn phá nước này, nhu cầu tăng vọt, và nguồn cung cấp vaccine bao nhiêu cũng không đủ. Ông Malini Aisola, thuộc một cơ quan giám sát sức khỏe cộng đồng tại Ấn Độ cho biết: “Tất cả các hãng vaccine đều chỉ hứa và xu hướng đó vẫn tiếp tục. Là bởi vì nhu cầu lớn hơn nhiều so với những gì các công ty có thể sản xuất”.

Ông Cleo Kontoravdi, thành viên của Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccine của Đại học Hoàng gia London, cho biết: “Hiện tại, tôi nghĩ Viện Huyết thanh Ấn Độ đang thực sự rất bế tắc - đó là một đòn giáng mạnh vào Covax”. Covax đã cam kết gửi vaccine đến 92 quốc gia, nhưng đến nay chỉ nhận được 30 triệu trong số 200 triệu liều tối thiểu mà họ đặt hàng từ Viện Huyết thanh Ấn Độ. Hệ quả là, một loạt quốc gia cũng đã ký hợp đồng trực tiếp với Viện Huyết thanh Ấn Độ và hiện đang chạy đua để tìm kiếm các nhà cung cấp mới.

Câu chuyện của Viện Huyết thanh Ấn Độ là minh chứng chính cho thấy các nước đang phát triển gặp khó khăn như thế nào trong nỗ lực tiêm chủng chống lại đại dịch và cảnh báo về hệ quả khó lường nếu phụ thuộc quá mức vào một nhà sản xuất trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu.

Câu chuyện của Viện Huyết thanh Ấn Độ là minh chứng chính cho thấy các nước đang phát triển gặp khó khăn như thế nào trong nỗ lực tiêm chủng chống lại đại dịch và cảnh báo về hệ quả khó lường nếu phụ thuộc quá mức vào một nhà sản xuất trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu.