Ấn Độ: Bùng nổ “dịch vụ” buôn bán cô dâu

ANTĐ - Buôn bán cô dâu đang bùng nổ ở các bang phía Tây bắc Ấn Độ như kết quả của việc phá bỏ thai nhi mang giới tính nữ. Một thực tế đáng buồn là, những phụ nữ bị mua, bán thường “mắc kẹt” trong cuộc sống của một nô lệ thời hiện đại 
Ấn Độ: Bùng nổ “dịch vụ” buôn bán cô dâu ảnh 1

“Nghề” kinh doanh hấp dẫn

Không có thống kê chính thức về số lượng cô dâu bị buôn bán và nhập cư ở Ấn Độ nhưng kết quả cuộc khảo sát do Đại học Queens (Ontario, Canada) tiến hành cho thấy, phụ nữ bị dụ dỗ hoặc ép buộc hôn nhân ở 1.300 ngôi làng thuộc bang Haryana và Rajasthan đã tăng 30% trong 3 năm qua. Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) đã xác định, cô dâu bị bán ngày càng tăng ở bang Haryana, Punjab và Uttar Pradesh - nơi tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao nhất trong cả nước. Một báo cáo của UNODC năm 2013 trích dẫn kết quả cuộc khảo sát ở 92 làng thuộc Haryana cho thấy, 9.000 phụ nữ trong 10.000 hộ dân được mua từ các làng nghèo ở tiểu bang khác. Kinh doanh cô dâu được chứng minh là “nghề” mang lại thu nhập hấp dẫn. Nhiều người dân địa phương đã trở thành người môi giới, tìm nguồn “cung cấp” phụ nữ cho gia đình có nhu cầu.

Bashir, người đàn ông trung niên từ chối cung cấp danh tính thật sống ở Tijara, bang Rajasthan. Nếu trước đây, công việc chính của ông là làm nông nghiệp hoặc khai thác đá thì giờ đây, ông có thể kiếm thêm thu nhập bằng cách đến Assam hai lần một năm để tìm cô dâu cho các gia đình khác trong làng. “Chúng tôi nói rằng, họ sẽ có được người chồng tốt. Chúng tôi sẽ trả mỗi gia đình có con gái từ 70 - 100 USD”, ông Bashir nói. “Đó là dịch vụ vì cộng đồng. Chúng tôi nghèo, họ cũng là người nghèo, vì vậy, tất cả đều có lợi”.

Hệ quả của sự mất cân bằng giới tính nghiêm trọng

Hari Singh Yadav, một người nông dân và 7 người anh em ngồi bên ngoài cửa nhà mình ở Gurgaon – một địa danh cách thủ đô Delhi chưa đầy 90 phút lái xe nói câu chuyện của gia đình mình. “Không có đủ các cô gái trong làng chúng tôi. Tôi đã 34 tuổi và không ai muốn kết hôn với tôi. Chỉ có 3 trong số 7 anh em tôi lấy được vợ. Ở đất nước này, nếu không kết hôn sẽ bị mọi người xa lánh. Tôi muốn đến Hyderabad và để lấy được vợ, phải có ít nhất 1.500 USD. Ai có thể cho tôi vay khoản tiền đó?. 

Ở các bang phía Tây bắc của Ấn Độ, dịch vụ buôn bán cô dâu đang bùng nổ do mất cân bằng giới tính nghiêm trọng. Ở bang Haryana, chỉ số giới tính là 830 nữ/1.000 nam. Phụ nữ trẻ bị lôi kéo đến việc làm ở các thành phố lớn của Ấn Độ. Điều này đồng nghĩa là, những người đàn ông như Yadav càng gặp khó khăn trong việc tìm vợ. “Trong các khu vực nông thôn, nạn phá thai khi phát hiện thai nhi mang giới tính nữ tràn lan vì quan niệm nữ giới cũng được hưởng quyền thừa kế bình đẳng với nam giới. Vì vậy, chắc chắn rằng, con gái không bao giờ được sinh ra”, Reena Kukreja, giáo viên giảng dạy tại Đại học Queens cho biết. 

Nô lệ thời hiện đại

Thực tế cho thấy, hôn nhân của những phụ nữ bị mua bán là cuộc sống của nô lệ thời hiện đại. Báo cáo của UNODC cho biết, hàng nghìn phụ nữ Ấn Độ đã bị hãm hiếp, lạm dụng, sử dụng như nô lệ và cuối cùng thường bị bỏ rơi. Câu chuyện của Sahiba là một ví dụ. Cô bị bán khi mới 16 tuổi. Khi đó, một người họ hàng xa đến nhà và nói với gia đình cô ở Assam rằng, ông có thể đem đến cho cô một cuộc sống tốt. Ông đưa cô đi, hãm hiếp cô hai lần và cuối cùng bán cho một gia đình ở Palwal, Haryana cách Thủ đô Delhi 60 km. “Khi biết chồng là người bị bệnh tâm thần, máu của tôi bắt đầu sôi lên và tôi quyết định chạy trốn”, Sahiba nói.

“Khi tôi từ chối ngủ với chồng mới, tôi đã bị đánh đập và tấn công bằng dao. Gia đình chồng nói rằng, họ đã mua tôi và họ có quyền quyết định cuộc đời tôi”. Cuộc đời Farida cũng “bi đát” không kém. 20 năm trước, khi mới 11 tuổi, Farida bị bán cho người đàn ông 70 tuổi. Trải nghiệm hôn nhân đầu tiên của cô là bị hãm hiếp và bạo lực. Cô đã sinh 7 người con liền sau đó. “Cuộc sống giống như địa ngục. Ngay sau ngày bị chồng bạo lực tình dục, tôi phải thức dậy sớm để nấu ăn cho hàng chục người vào sáng hôm sau. Nhưng có lẽ, đau đớn nhất là những đứa con được gia đình nhà chồng “dạy” cách căm ghét tôi”, Farida nói. 

Shafiq ur-Rehman, một nhà hoạt động nhân quyền và là người sáng lập tổ chức từ thiện Empower nói rằng, phụ nữ bị mua bán vào các cuộc hôn nhân thường bị “sử dụng” như lao động không được trả lương. “Đó đơn giản là vấn đề kinh tế“, ông Shafiq ur-Rehman nói. “Một vụ mùa, người lao động ở địa phương có thể kiếm được 140 USD nhưng những cô dâu được mua với giá 100 USD và mất cả cuộc đời. Nếu không làm việc, cô có thể bị bán lại và điều này không có gì khác biệt với cuộc sống của một nô lệ”.