Ăn côn trùng, làm sao để không ngộ độc?

ANTD.VN - Một số loại côn trùng như châu chấu, dế, bọ xít, ong, mối, nhộng ve sầu… vốn là những món ăn quen thuộc ở các vùng quê, gần đây còn trở thành đặc sản ở các thành phố. Theo các nghiên cứu, côn trùng là thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhiều loại còn hơn cả thịt bò, thịt lợn. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp ngộ độc côn trùng, thậm chí dẫn đến tử vong đã xảy ra do người dân thiếu kiến thức, thiếu cẩn trọng.

Vì sao bị ngộ độc khi ăn côn trùng?

Cách đây 1 tháng, 1 người ở Lào Cai đã tử vong sau khi ăn loại côn trùng có tên sâu Ban miêu nhưng bị nhầm là bọ xít, 1 người khác bị ngộ độc. Trước đó, 12 người ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình cũng đã bị ngộ độc do ăn bọ xít lửa; 5 người ở Sơn La cũng đã bị ngộ độc sau khi ăn bọ xít rang; huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, 29 người nhập viện sau khi ăn bọ xít đen; tỉnh Bình Phước, 9 ca ngộ độc do ăn phải ấu trùng ve sầu nhiễm nấm; tại Quảng Nam, 1 người thiệt mạng do ăn bọ rầy rang... Thống kê, trong 2 năm trở lại đây, cả nước đã có 3 người tử vong, gần 60 trường hợp cấp cứu vì ngộ độc do ăn côn trùng. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đa phần nguyên nhân gây ngộ độc không phải do bản thân côn trùng mà do các yếu tố khác. Theo Cục An toàn thực phẩm, nguyên nhân các vụ ngộ độc trên là do ăn côn trùng đã chết sinh ra độc tố; côn trùng bị nhiễm nấm độc; côn trùng chứa nhựa cây độc như cây cọc rào, cây cỏ lào, thầu dầu tía… hoặc các chất tiết có độc tố không bị phá hủy ở nhiệt độ chế biến.

“Có trường hợp bản thân giai đoạn trước người đó vẫn ăn bọ xít, nhưng trước đó bọ xít đậu trên cây lúa, còn lần ngộ độc này, người dân bắt bọ xít trên cây thầu dầu tía, thì bản thân bọ xít đó hút những chất nhựa của cây, quá trình xử lý, sơ chế không kỹ dẫn đến ngộ độc chất độc ở cây thầu dầu tía. Còn trường hợp ngộ độc ve sầu là do côn trùng đã chết, đã bị mọc nấm nhưng vẫn tiếp tục sử dụng” - ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế cho biết. Ngoài ra, do côn trùng có nhiều protein lạ cũng có thể gây ra dị ứng với người có cơ địa mẫn cảm. 

Ngoài ra, côn trùng có chứa một số protein lạ, vì vậy những người cơ địa không hợp với một chất nào trong côn trùng cũng dễ bị dị ứng. Không những thế, người sử dụng có thể bị ngộ độc hóa chất ngâm các loại côn trùng. Chẳng hạn để nhộng căng, đẹp mắt, người bán hàng thường ngâm chúng trong natri sunfit. Nếu hàm lượng chất này trên 30 mg/kg rất dễ gây ngộ độc.

Ăn côn trùng đúng cách

Người bị ngộ độc do ăn côn trùng thường có các biểu hiện buồn nôn, nôn, run tay chân, một số trường hợp nặng nôn nhiều, co giật tay chân, chóng mặt, kích thích vật vã, khó thở, hôn mê, sẩn ngứa, ban dạng mảng toàn thân... Ngộ độc nặng có thể dẫn đến tử vong. Các triệu chứng nhiều hay ít, nhẹ hay nặng tùy theo độc tố trong côn trùng, tổng lượng đã ăn và cơ địa người ăn. 

Khi bị ngộ độc côn trùng, nếu còn tỉnh táo, cần tự gây nôn (có thể sử dụng cách uống nhiều nước). Đối với những người khó thở và thở yếu cần hô hấp nhân tạo tùy theo các biểu hiện của bệnh nhân. Sau khi sơ cứu, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới các trung tâm y tế để được điều trị kịp thời. 

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên. Nếu muốn ăn thì nên lựa chọn những loại nhộng, ấu trùng, côn trùng thông thường, phổ biến, còn tươi sống. Người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn. Người tiêu dùng cũng cần phải biết cách sơ chế để loại bỏ chất độc hại trong côn trùng.

“Ví dụ ngâm nước vôi trong để kích thích côn trùng tiết tất cả các chất trong đường tiêu hóa ra ngoài. Hoặc ngâm côn trùng trong nước muối loãng (làm sao để côn trùng không chết ngay) khoảng 15-30 phút trước khi sơ chế. Khi sơ chế chú ý bỏ hết những phụ phẩm của nó. Không nên ăn sống, ăn tái. Với trẻ em và những người có tiền sử dị ứng thì không nên ăn côn trùng” - ông Lâm Quốc Hùng khuyến cáo.