Đường dây nhận hàng tỷ đồng, lừa “chạy án” cho Phương “Ninh hột” (1)

Ẩn án “ngã ba Lục Chắn”

ANTĐ - Vụ án Nguyễn Tiến Phương, tức Phương “Ninh hột” cùng đồng bọn có hành vi giết người được TAND tỉnh Quảng Ninh đưa ra xét xử hồi tháng 6-2010, đã gây chấn động dư luận bởi tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Ngay sau khi mức án cao nhất được tuyên với “ông trùm” Phương “Ninh hột”, đã có một đường dây tìm cách “chạy án” do người nhà và đàn em của y ráo riết hoạt động.

Phương “Ninh hột” và đám đàn em tại phiên xét xử sơ thẩm

Côn đồ đội lốt doanh nghiệp

Lục Chắn thuộc xã Hải Sơn, TP Móng Cái, Quảng Ninh, là cửa khẩu quốc gia, nơi mà nhiều doanh nghiệp trong nước xuất khẩu hàng đông lạnh sang Trung Quốc. Quãng những năm 2005, khu vực này nổi lên một nhân vật nửa kinh doanh, nửa “anh chị”. Đó là Nguyễn Tiến Phương, Giám đốc Công ty Quang Phát. Trước khi làm giám đốc doanh nghiệp, Phương được biết đến với “tư cách” một tay anh chị khét tiếng, thường được gọi kèm theo tên cha mẹ là Phương “Ninh hột”. Công ty Quang Phát chuyên xuất hàng qua Lục Chắn, và chỉ trong một thời gian ngắn, không hiểu mánh lới kinh doanh thế nào, Phương “Ninh hột” đã được xem là người giàu nhất TP Móng Cái (?!).

Có một thứ “luật” mà Phương ngầm đặt ra với những đơn vị, cá nhân xuất nhập hàng qua Lục Chắn; đó là ai xuất hàng thì phải… có sự đồng ý của Phương, trước khi làm việc với cơ quan chức năng. Nếu trái với “luật” này, thế nào cũng xảy ra chuyện không hay. Cuối tháng 5-2009, anh Nguyễn Hữu Vinh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Hồng Kông, gọi điện thoại cho Phương để “xin” đi nhờ qua xã Hải Sơn với mục đích xuất hàng đông lạnh. Mặc dù Phương “Ninh hột” không đồng ý, nhưng vì hợp đồng đã ký với đối tác bên kia nên anh Vinh cùng các cộng sự vẫn đến cơ quan chức năng làm thủ tục xuất hàng. Cùng thời điểm ấy, Phương “Ninh hột” cũng đưa 3 ô tô chở hàng đông lạnh đến Lục Chắn.

Biết thời điểm anh Vinh chuẩn bị xuất hàng, Phương cử hơn 10 đàn em, mang theo “hàng nóng” đi Lục Chắn để hành sự. Nhóm anh Vinh biết tin cũng chuẩn bị tinh thần đối phó. Cuộc chạm trán ở Lục Chắn hôm ấy, phía anh Vinh có 2 người bị thương, là anh Điệp và anh Trí. Để tránh bị cơ quan pháp luật phát hiện, xử lý, Phương “Ninh hột” chỉ đạo đàn em đưa 2 người bị thương sang Trung Quốc rồi vào thật sâu trong nội địa. Bên xứ người, anh Điệp bị hôn mê, không những không được cứu chữa mà còn bị Nguyễn Tiến Chung, em ruột Phương cùng đồng bọn hành hung dẫn đến tử vong. Sau đó, cả bọn dùng bao tải, băng dính quấn xác anh Điệp vứt xuống khu vực Thập Vạn Đại Sơn, Quảng Tây. Nạn nhân Trí cũng bị đám côn đồ đánh đến chết rồi vứt xác phi tang.

Phiên tòa gây tranh cãi

Ngày 28-6-2010, TAND tỉnh Quảng Ninh đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, và đã tuyên phạt Nguyễn Tiến Phương, Nguyễn Tiến Chung mức “tử hình” về tội giết người. Số đàn em của Phương “Ninh hột”, kẻ bị tuyên phạt tù chung thân, đứa nhẹ nhất lĩnh 18 tháng tù về tội không tố giác tội phạm. Sau phiên xử sơ thẩm, hai anh em Phương “Ninh hột” kháng cáo, cho rằng không phạm tội giết người nên mức hình phạt là nặng.

Ngày 18-1-2011, vụ án được đưa ra xét xử phúc thẩm. Tại phiên tòa, Phương và Chung chấp nhận bồi thường thêm cho mỗi gia đình bị hại 100 triệu đồng. Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội chấp nhận kháng cáo, giảm hình phạt cho Chung xuống tù chung thân, giảm cho Phương xuống 20 năm tù… đều với tội giết người. Mức án này bị dư luận đánh giá là quá nhẹ so với tính chất nghiêm trọng của vụ án cũng như hành vi, trách nhiệm của các bị cáo.

Ngày 3-8-2011, Phó Chánh án thường trực TAND Tối cao Đặng Quang Phương ký thay Chánh án đã ký bản Quyết định kháng nghị đối với bản án hình sự phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội về phần trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Tiến Phương, Nguyễn Tiến Chung và Bùi Hải Bài (đàn em thân tín của Phương). Bản Quyết định kháng nghị cũng đồng thời đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án hình sự kể trên để xét xử phúc thẩm lại theo quy định của pháp luật.

Bản Quyết định kháng nghị nhận xét: “Tòa phúc thẩm chưa đánh giá đúng vai trò, tính chất, mức độ đặc biệt nghiêm trọng về hành vi phạm tội của từng bị cáo, chưa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội phạm này trong tình hình hiện nay”.

(Còn nữa)