Amip ăn não người: “Đáng sợ mà không đáng ngại”

ANTĐ - Chỉ hơn 1 tháng kể từ khi ghi nhận ca tử vong đầu tiên do nhiễm loại “amip ăn não người” có tên gọi Naegleria Fowler, ngày 19-9 Bộ Y tế tiếp tục xác nhận ca tử vong thứ 2. 

Trao đổi với ANTĐ, bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Virus-Ký sinh trùng - BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho rằng, người dân không nên hoảng loạn bởi loại ký sinh trùng này.

“Amip ăn não người” không gây bệnh qua đường ăn, uống nguồn nước 

có nhiễm amip. (Ảnh minh họa)

- PV: Sự xuất hiện của một loại amip mới vừa gây ra 2 ca tử vong liên tiếp đang khiến nhiều người dân lo ngại. Theo ông, loại amip này có thực sự nguy hiểm đến vậy?

- Bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm: Đây là một bệnh lạ, bản thân cái tên gọi “amip ăn não người” được dịch khá sát nghĩa theo chữ gốc tiếng Anh (the brain-eating amoeba) cũng đã khiến người nghe hãi hùng. Nói về tính chất thì bệnh này vô cùng nguy hiểm, cả 2 ca được ghi nhận đầu tiên ở nước ta đều tử vong, ở những nước đã ghi nhận bệnh trước đó thì tỷ lệ tử vong gần như 100%. Tuy nhiên tôi cho rằng bệnh chỉ đáng sợ mà không quá đáng ngại, bởi tỷ lệ gặp rất hiếm. Chẳng hạn ở Mỹ, amip Naegleria Fowler đã xuất hiện từ năm 1962 nhưng suốt 50 năm qua mới chỉ ghi nhận tổng cộng 133 ca mắc, tương tự ở Australia mấy chục năm qua cũng chỉ ghi nhận 20 ca...

Nếu đem so sánh với số mắc và tử vong vì các bệnh lý liên quan đến não khác như viêm màng não mủ, viêm não Nhật Bản, viêm não do sởi, rubella… mỗi năm có đến hàng nghìn người mắc, hàng trăm trường hợp tử vong thì quả thực, bệnh do “amip ăn não người” chẳng thấm tháp vào đâu.

- PV: Theo Bộ Y tế, đơn bào Naegleria Fowleri tồn tại ở các ao, hồ, sông, đặc biệt ở khu vực khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, trong đó có nước ta. Vậy người dân tiếp xúc với môi trường này đều có thể nhiễm bệnh?

- Đúng là “amip ăn não người” tồn tại ở vùng sông ngòi, ao hồ nước ấm, lây sang người qua tiếp xúc với nguồn nước có chứa mầm bệnh. Cụ thể là chúng xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi, di chuyển theo các sợi thần kinh khứu giác thông qua sàn sọ để lên não, gây viêm màng não, làm tăng bạch cầu trong dịch não tủy. Tuy nhiên bản chất của amip là các ký sinh trùng, thông thường rất hiếm khi xâm nhập vào cơ thể người. Ngay cả khi tiếp xúc trong môi trường nước có chứa nguồn bệnh thì không phải ai cũng mắc bệnh này. Hiện chưa có thông tin cụ thể nào về những đối tượng có nguy cơ cao bị loại “amip ăn não người” xâm nhập, song có thể những người có tiền sử bệnh hô hấp, đang có sẵn bệnh mũi họng thì khi tiếp xúc với môi trường nước nhiễm amip sẽ dễ mắc hơn. 

Có thông tin cho rằng loại amip này có thể nhiễm vào hệ thống nước sinh hoạt của các gia đình, tuy nhiên qua một số nghiên cứu trên thế giới thì amip này không gây bệnh thông qua uống nước hay qua đường ăn uống nguồn nước có nhiễm amip.

- PV: Tuy hiếm gặp nhưng không có nghĩa là người tiếp xúc với môi trường nước nhiễm amip có thể yên tâm không bị mắc bệnh?

- Như tôi đã nói, bệnh do “amip ăn não người” là một bệnh lạ, đáng quan tâm nhưng không nên quá hoang mang. Những cảnh báo đối với người dân thường xuyên tiếp xúc với môi trường nước ngọt ở các ao hồ, sông suối là cần thiết nhưng không thể áp đặt, ngay cả khi cảnh báo quá mức, cảnh báo lệch lạc cũng không tốt, thậm chí gây tác dụng ngược. 

Trước hết, cần tập trung khuyến cáo những người sau khi tiếp xúc với môi trường nước có nguy cơ nhiễm amip xuất hiện các triệu chứng như: đau đầu, sốt, buồn nôn, nôn, rối loạn thần kinh, co giật… cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Lấy mẫu nước ở một số hồ để xét nghiệm

Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế, TTYTDP tỉnh Phú Yên, TP Hồ Chí Minh; các Viện Vệ sinh dịch tễ/Paster Nha Trang, TP Hồ Chí Minh đề nghị tăng cường giám sát, chẩn đoán để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm Naegleria Fowleri. Đồng thời khuyến cáo người dân không tắm, bơi ở các hồ, ao có nguy cơ cao (như mất vệ sinh, nước ngọt ấm, không được khử trùng...), trường hợp có tắm, bơi tại các điểm này thì nên hạn chế tối đa để nước vào mũi. Sau khi tắm, bơi nên rửa mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9% và kháng sinh nhỏ mũi.

Theo Cục Y tế dự phòng, có thể tới đây, Cục sẽ lấy mẫu nước ở một số hồ tự nhiên để xét nghiệm amip. Ngoài ra, Cục cũng khuyến cáo các chủ hồ bơi nên gửi mẫu xét nghiệm nước hồ bơi của mình để bảo đảm an toàn cho cư dân đến bơi lội.