Ai cũng là nạn nhân dự bị của mạng xã hội

ANTD.VN - Cách đây đã lâu, khi “Văn nghệ chiều chủ nhật” đều đặn xuất hiện vào mỗi tuần, có phát sóng một phim ngắn. Bộ phim kể về một cậu bé đang đi giữa đường thì chảy máu cam nên phải ngửa mặt lên để cầm máu. Vài người đi đường thấy hành động kỳ quặc của cậu bé thì tò mò dừng lại, rồi cũng ngửa mặt lên xem trên trời có gì. Rồi đám đông mau chóng tăng theo cấp số nhân dễ đến cả trăm người. Người nọ xì xào hỏi nhau chuyện gì thì người kia đáp: “Nghe nói là đĩa bay”. Rồi báo chí, truyền thông lập tức đến đưa tin. Đó là một câu chuyện điển hình về hội chứng đám đông và sự tò mò đến phát sợ của một bộ phận người Việt. 

Nghi ngờ bắt cóc trẻ em, hai phụ nữ bị đánh đến ngất xỉu

Bây giờ, hội chứng đám đông và thói tò mò kia cũng chẳng bớt đi, thậm chí còn tăng lên với sự “trợ giúp” đắc lực của… mạng xã hội.

Ban đầu khi mạng xã hội mới manh nha hình thành ở các thành phố lớn, độ “hung hãn” của nút “share” (chia sẻ) chưa kinh khủng như bây giờ. Những “nạn nhân” đầu tiên của hội chứng đám đông trên mạng phần nhiều mang giới tính nữ. Phụ nữ vốn luôn yêu hòa bình nên những cơn sóng a dua phần lớn vô hại. Ban đầu là “cơn” chanh-đào-mật ong-đường phèn.

Vài người “share” hình ảnh, cách làm, những lời quảng cáo như thuốc chữa bách bệnh từ viêm phổi, mát gan lợi mật cho đến chống táo bón. Ngoài chợ, chanh đào đội giá, đường phèn bỗng trở nên khan hiếm. Trang chủ Facebook tràn ngập hình ảnh các chị, các cô mặt rạng ngời hạnh phúc bên hũ chanh đào vừa ngâm. “Comment” (bình luận) đẫm đầy những lời khen có cánh đại khái như: “chi that dam dang” (chị thật đảm đang).

Hết cơn chanh đào thì đến phong trào phụ nữ trên “phây” nấu chè khúc bạch. Trang chủ hàng tháng trời toàn hình ảnh chè khúc bạch, cách nấu, rồi cả chuyện béo bổ ra làm sao. Bát chè nhạt nhẽo, chả đâu vào đâu, xách dép cho những thứ quà vặt kinh điển của vỉa hè Hà Nội bỗng chốc trở thành một thứ sang chảnh. Không ăn chè khúc bạch không phải là người sành điệu - khẩu hiệu của một thời là thế. Thế rồi, chè khúc bạch hết thời, lặn không sủi tăm, các chị em không còn bàn đến chè cháo thay vào đó là một thú chơi hoặc một món ăn khác. 

Chiếc xe tiền tỷ bị đốt cháy vì chủ nhân của nó bị nghi ngờ là bắt cóc và đánh thuốc mê 

Vẫn tiếp câu chuyện ẩm thực vô hại của hội chứng đám đông. Hết chè, là đến mỳ cay nhiều cấp độ. Bát mỳ lèo tèo một vài miếng mực, con tôm, dăm miếng hoa lơ xanh, trang điểm thêm bằng vài sợi bắp cải tím thái mỏng như chỉ, nước đục ngầu lờ đờ ớt… Nam thanh nữ tú nghe tiếng dồn dập kéo nhau đến ăn không quên “đóng đinh điểm đến” (check-in).

Ăn thì được bao nhiêu? Nước mắt nước mũi giàn giụa. “Check-in” khoe sang xong về đau dạ dày cả tháng. Một vài năm trước, những hàng mỳ cay nhiều cấp độ mở tràn lan, phố nào hầu như cũng có, giờ chắc do phong trào ăn mỳ trên “phây” đi xuống, nhiều hàng đóng cửa, chả biết đi đâu về đâu. 

Ngẫm lại lịch sử phong trào chơi “phây” cách đây vài năm bỗng chợt ngộ ra. Thời đó, hội chứng đám đông sao mà trong sáng, mà vô hại, toàn là chuyện ăn-chơi-đi-ngẫm, cùng lắm thì chỉ hao tiền trong ví bản thân. Thì nay, độ “ảo” của đám đông khó lòng đo đếm. Diễn biến trang chủ cực kỳ khó lường.

Nút “share” thân thiện bỗng trở nên hung hãn và đầy nghi hoặc. Phần “comment” của nhiều người thường được mặc định duy nhất một chế độ: “chửi”. Chả nhẽ người khác chửi được còn mình thì không? Chửi cho sướng miệng, chửi theo phong trào, bất chấp nguồn tin, chửi nhầm còn hơn bỏ sót. 

Có lần, tôi còn nhớ, người ta hùa vào chửi một vị Giáo sư Sử học vì đâu đó trên mạng lan truyền câu nói nghịch tai, được cho là của vị Giáo sư nọ. Bao nhiêu những trí thức, học giả, những người mà trước đây tôi từng kính trọng lên tiếng mỉa mai, miệt thị, có người đòi “công lý phải được thực thi”. Vị Giáo sư ấy vốn là người đi đầu trong việc sưu tầm các tư liệu cổ về biển đảo thuộc chủ quyền ở Việt Nam.

Ông từng lang thang cả tháng trời ở các thư viện ở châu Âu, tìm cho được những tấm bản đồ cổ Việt Nam quý giá. Rồi cũng chính ông tham gia các cuộc hội thảo về biển đảo do quốc tế tổ chức, đăng đàn khẳng định chủ quyền Việt Nam tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Vài ngày sau khi rõ trắng - đen, đám đông từng ùa theo xúc phạm ông vô căn cứ rất ít người sau khi biết sự thật thì thẳng thắn xin lỗi, họ hầu như đã quên rằng mình đã từng xúc phạm một người đáng kính bởi lẽ, họ còn bận hùa theo xỉ vả một ai đó, nạn nhân mới của mạng xã hội.

Mới rồi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng bị hàm oan, câu chuyện bịa đặt giống hệt với vị Giáo sư Sử học dạo nọ. Người ta chia sẻ hình ảnh và thông tin bịa đặt với tốc độ chóng mặt. Chỉ đến khi lực lượng chức năng vào cuộc khẳng định sẽ tìm ra bằng được nguồn phát tán thông tin thì những hình ảnh kia mới ngừng lưu hành trên mạng.

Bây giờ thì ngày nào trên mạng xã hội chẳng có chuyện. Nào là tung tin đánh ghen kinh hoàng lột đồ, xát ớt vào tình địch; nào là tung tin hai phụ nữ bán tăm bắt cóc trẻ em, rồi toàn là thanh niên trai tráng xông vào đánh hai phụ nữ nghèo khổ đến thừa sống thiếu chết; nào là tự nhiên thấy váng đầu thì chạy ra đường hét lên “bắt cóc”, “đánh thuốc mê”, đám đông hùng hổ chẳng biết thật giả gì lao vào đốt xe của ông giám đốc tội nghiệp khiến chiếc xe tiền tỷ cháy thành tro. Tang chứng duy nhất cho vụ “bắt cóc” là lọ xi đánh giầy được một nhà báo kết luận trong bài viết của mình là: “Lọ dung dịch có mùi lạ”.

Đã có một thời, cụm từ “văn hóa làng xã” được dùng với lời lẽ nửa như là miệt thị để chỉ hủ tục sau lũy tre làng. Nơi mà những tin đồn dai dẳng đeo bám từ đời này sang đời khác. Những người phụ nữ dù nghèo đói, cơ cực và bạo hành cũng không dám hé răng nói nửa lời vì sợ “mang tai mắc tiếng”. Nơi mà có những người cha, người mẹ, dù biết cuộc sống của con mình là địa ngục nhưng vẫn dặn con, gạt nước mắt đi mà chịu đựng, bởi “chị mà bị chồng đuổi ra khỏi nhà là bố mẹ đeo mo vào mặt”…

Bây giờ, chuyện tụ tập, nói xấu nhau vẫn là thứ di sản đeo bám dai dẳng với siêu cấp độ. Không biết đã có bao nhiêu cuộc đời bị hủy hoại bởi đám đông hiếu kỳ cố chứng tỏ mình là người thạo tin. Đối diện với “những điều trông thấy” ngộ ra, con người ta đối với nhau ngày càng hung hãn và đáng sợ.

Một người bạn tôi đã từng cay đắng thốt lên rằng: “Cứ đà này, rồi ai cũng là một nạn nhân dự bị của Facebook”.