Tỉnh táo trước những ý đồ đen tối núp bóng mạng xã hội

ANTD.VN - Dư luận không khỏi bất bình, thậm chí phẫn nộ trước những thông tin bịa đặt, sai trái được tung lên mạng xã hội với dụng ý xấu với tần suất ngày càng nhiều thời gian gần đây.

Tỉnh táo trước những ý đồ đen tối núp bóng mạng xã hội    ảnh 1Tin giả lan truyền trên các trang mạng xã hội như Facebook đang tạo ra hệ lụy xấu cho cộng đồng

Cơ quan chức năng ở nước ta thời gian gần đây đã phải lập tức vào cuộc điều tra những tin đồn thất thiệt, hay còn gọi bằng thuật ngữ “tin giả” (Fake news), lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. 

Mới đây nhất là thông tin hoàn toàn bịa đặt về vụ gọi là “máy bay rơi ở Nội Bài” trên tài khoản Facebook của một người phụ nữ hành nghề bán hàng mỹ phẩm và thực phẩm chức năng online.

Dù người phụ nữ trình bày  với cơ quan chức năng rằng thấy tài khoản Facebook khác đăng thì đăng lại, song không thể không đặt câu hỏi về động cơ và mục đích của người làm nghề bán hàng trên online này. Cho dù với bất cứ động cơ gì thì thông tin hoàn toàn bịa đặt này đã gây hoang mang, lo lắng cho người dân, quan trọng hơn là ảnh hưởng tới uy tín của cả ngành hàng không với hàng chục nghìn người đi lại mỗi ngày.

Ngay trước đó, dư luận và người dân đã  phẫn nộ trước những thông tin thông tin thất thiệt vô cùng ác độc lan truyền trên mạng xã hội về cái gọi là “hai nữ sinh hiếp dâm nam thanh niên tới chết” hay “lại thêm một vụ án mạng chém cụt đầu tại Việt Trì”. Những đối tượng tung “tin giả” ác độc trên đây đều đã bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đáng lo ngại không kém là bên cạnh việc tung thông tin thất thiệt nhằm mục đích câu view, câu like, còn có những đối tượng tung tin giả với những ý đồ và dụng ý xấu xa như gây mất an ninh trật tự xã hội, gieo rắc hoang mang, xúc phạm, bôi nhọ lãnh đạo, thậm chí nhằm chống phá nhà nước và chế độ. Đơn cử như trường hợp bịa đặt phát ngôn của Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nói về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc mới đây.

Thực trạng này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về  nạn “tin giả” đang có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều và càng nghiêm trọng hơn trên mạng xã hội. Cùng với sự phát triển của internet và các thiết bị di động thông minh, số người dùng mạng xã hội ở Việt Nam đã phát triển với tốc độ có thể xem là “bùng nổ”, Việt Nam hiện nằm trong top 20 quốc gia có số người sử dụng mạng internet cao nhất thế giới.

Theo số liệu do Công ty Appota công bố hồi tháng 4 vừa qua, cả nước đã có tới 38 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm gần 40% dân số với thời lượng trung bình 138 phút mỗi ngày, cao hơn với mức độ trung bình toàn cầu 31%. 

Bên cạnh những mặt tính cực về chia sẻ, tương tác thông tin… thì mạng xã hội đã sớm bộc lộ những mặt trái, có cả mặt trái “chết người”, trong khi sự kiểm chứng, trách nhiệm và đạo đức, thậm chí cả pháp luật cũng bị không ít cư dân mạng xem thường.

Đặc biệt là có những đối tượng xấu đã lợi dụng mặt trái này cùng lợi thế tốc độ lan truyền chóng mặt để tung lên những thông tin bịa đặt, sai trái, chống phá. Không chỉ ở Việt Nam, nạn “tin giả” trên mạng xã hội cũng là thách thức, vấn đề nghiêm trọng với rất nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay.

Đồng thời với việc yêu cầu Facebook, Google kiểm soát chặt chẽ, trách nhiệm hơn, các nước đều mạnh tay xử lý những đối tượng tung tin thất thiệt như tại Đức có thể bị phạt tới 50 triệu euro hay bị xử lý hình sự ở nhiều nước khác.

“Tin giả” có thể sẽ còn phát tán mạnh mẽ và đặc biệt là gây tác hại nghiêm trọng hơn nếu chúng ta không mạnh tay và nghiêm khắc hơn trong xử lý, ngăn ngừa. Cùng với những chế tài pháp luật đủ sức răn đe, mỗi người tham gia mạng xã hội cần có trách nhiệm và ý thức cao hơn, không nên tham gia chia sẻ những thông tin mà bản thân thấy bất ổn về tính chính xác hay có những dụng ý ác độc, xấu xa.