Ai chịu trách nhiệm?

ANTĐ - Sắp tới thời điểm Hà Nội “được” tiếp nhận cầu Thăng Long từ ngành cầu đường. Chuyện không có gì để nói, thậm chí là tin vui nếu mặt cầu có chất lượng bình thường. Tuy nhiên, điều đáng buồn là bàn giao trong trạng thái bề mặt cầu đang tiềm ẩn những hư hỏng và nguy cơ tiếp tục xuống cấp nếu không trị tận gốc. 

Nhớ lại thời điểm cách đây chưa lâu, khi mới đưa vào sử dụng mặt cầu đã xuất hiện một số vết nứt. Nhiều chuyên gia ngành cầu đường cho rằng, mặt cầu nứt là do một số đoạn phải thi công trong thời tiết giá rét, nhựa đông kết nhanh. Thế nhưng, việc khắc phục, ngăn chặn sự hư hỏng đó không tỏ ra hiệu quả thì một số chuyên gia lại tìm ra lý do khác - đường xấu là do công nghệ mới ta chưa làm chủ được. 

Đến nay, bề mặt cầu hư hỏng như một chiếc áo rách vá chằng đụp, lộ cả sàn thép. Một số đoạn bê tông nhựa bị trôi tạo ra vết xé như những rãnh nước cắt ngang mặt đường. Trước dư luận, ngành này mới quay sang tính quy trách nhiệm nhưng lại cho là bắt lỗi khó, thiếu chế tài. Điều nguy hiểm, hiện mặt cầu xấu đang gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến chất lượng phương tiện đi qua, đe doạ đến tuổi thọ kết cấu cầu. Lạ nữa, bề mặt hư hỏng từ lâu nhưng đơn vị quản lý không hề có một tấm biển hạn chế tốc độ, cảnh báo nguy hiểm để các phương tiện qua cầu nhận biết…  

Gần đây lại thấy ngành cầu đường thông tin chuẩn bị tu sửa để bàn giao cho Hà Nội, yêu cầu đơn vị thi công khắc phục hậu quả bằng cách… vá, còn chuyện khắc phục gốc vấn đề tính sau, chờ chuyên gia nước ngoài. Như vậy, chiếc áo rách ấy chỉ thêm lần vá cho lành lặn rồi bàn giao cho địa phương.

Điều khiến nhiều người băn khoăn đó là, việc bàn giao cho Hà Nội khi mặt cầu nhiều khả năng tiếp tục hư hỏng phải chăng ngành GTVT muốn thoái thác cho Hà Nội gánh hậu quả. Việc bàn giao đồng nghĩa với trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình quản lý, sửa chữa, thay thế, bảo hành đã xong?