80% tai nạn đường sắt do đường ngang trái phép

ANTĐ - Số vụ TNGT đường sắt liên quan đến đường ngang dân sinh bất hợp pháp chiếm đến 80%. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đến năm 2017, các tỉnh có đường sắt đi qua phải giải tỏa dứt điểm các đường ngang trái phép, giao địa phương quản lý, chịu trách nhiệm.

Đa số vụ TNGT đường sắt bắt nguồn từ đường ngang

Hơn 4.000 đường ngang tự tạo

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, trên mạng lưới đường sắt có hơn 5.000 đường ngang các loại, trong đó 544 đường ngang có biển báo, 304 đường ngang có cảnh báo tự động, 654 đường ngang có người gác, 4.268 đường dân sinh vượt qua đường sắt. Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng hơn 600 đường ngang dân sinh là có người gác. 

Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, 5 tháng đầu năm, khi TNGT đường bộ giảm cả số vụ và số người chết so với cùng kỳ năm 2013 thì TNGT đường sắt lại xảy ra 73 vụ, tăng 7 vụ (10,61%), tăng 7 người chết (11,11%) so với cùng kỳ năm 2013. Ủy ban ATGT Quốc gia phân tích, 97,5% số vụ TNGT đường sắt là do các nguyên nhân khách quan, tập trung chủ yếu tại các đường ngang (72,9%). Nếu coi số vụ TNGT đường sắt xảy ra tại các đường ngang là 100% thì tai nạn xảy ra tại các đường ngang có người gác là 1,9%, đường ngang có thiết bị tín hiệu cảnh báo tự động là 8,7%, đường ngang phòng vệ bằng biển báo là 3,2%, đường ngang dân sinh bất hợp pháp là 80,9%. 

Giao đường ngang về địa phương quản lý

Trước tình trạng này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cần quyết liệt trong thực hiện quản lý đường ngang, ngoài ra cần tăng vai trò, trách nhiệm, địa phương trong công tác ATGT đường sắt. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam rà soát và phân loại tất cả đường ngang để giao dần cho địa phương quản lý, đồng thời nghiên cứu cơ chế đặt hàng hoặc khoán cho địa phương vận hành quản lý các đường ngang với điều kiện có đủ trang thiết bị. Còn việc duy tu bảo trì hệ thống phải do đường sắt Việt Nam thực hiện. Xây dựng cơ chế giám sát quản lý đảm bảo ATGT, rà soát các quy định liên quan đến điều kiện an toàn trong phòng vệ đường ngang, chứng chỉ nghề của người thực hiện tổ chức phòng vệ đường ngang để xem xét, sửa đổi cho phù hợp.

Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự an toàn hành lang đường bộ, đường sắt 2014-2020. Trong đó, đối với đường sắt, đến năm 2017, UBND các tỉnh, thành có đường sắt đi qua cưỡng chế giải tỏa các công trình vi phạm hành lang an toàn đường sắt đã được đền bù, công trình tái lấn chiếm; cương quyết không để phát sinh thêm các vi phạm hành lang an toàn đường sắt và các đường ngang trái phép; tổ chức cảnh giới bảo đảm an toàn giao thông tại các lối đi dân sinh có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông; cắm mốc giới hạn hành lang an toàn đường sắt trên tất cả các tuyến và bàn giao cho các địa phương quản lý...