63% hộ kinh doanh có thỏa thuận ngầm với cán bộ thuế

ANTĐ - Dù số lượng có đến hàng triệu đơn vị, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm nhưng hộ kinh doanh ít khi được nhắc đến. Đáng chú ý, trong lĩnh vực này, tham nhũng diễn ra khá phổ biến. 

Thỏa thuận trốn thuế

Chia sẻ câu chuyện thực tế, bà Đặng Thị Bình An - chuyên gia về thuế và hải quan kể lại: “Tôi đi chợ, thấy người bên cạnh mua được đậu đen rất ngon với giá 20.000 đồng/kg. Thấy vậy tôi cũng mua, nhưng người bán tính giá 50.000 đồng/kg. Tôi thắc mắc thì người bán trả lời: Thế chị có làm cán bộ ngành thuế không? Người vừa mua là cán bộ quản lý thuế chợ của chúng tôi đấy! Cán bộ thuế được mua hàng giá rẻ có phải là một hình thức tham nhũng không?”.

“Cuối tuần trước, tôi vào ăn cơm ở một nhà hàng, ăn xong ra thanh toán và lấy hóa đơn, chủ quán nói không có hóa đơn. Tôi nói như vậy sẽ báo cơ quan thuế, chủ nhà hàng lập tức chỉ vào dãy bàn ăn đông khách nói luôn: Cán bộ thuế đang ngồi ăn ở đây rồi. Thuế đã được khoán, nên cán bộ thuế thỏa thuận với hộ kinh doanh để có lợi cho đôi bên”- bà Đặng Thị Bình An nêu ra thêm một ví dụ.

63% hộ kinh doanh có thỏa thuận ngầm với cán bộ thuế ảnh 1

Dù đóng góp nhiều cho ngân sách nhưng hộ kinh doanh chưa được quan tâm đúng mức 
với các thủ tục về thuế, mức thuế

Dẫn nguồn từ Tổng cục Thống kê, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết, tính đến cuối năm 2014, cả nước có hơn 4,6 triệu hộ kinh doanh. Lực lượng này đóng góp hơn 1.262 tỷ đồng vào GDP năm 2014. Khu vực kinh tế này cũng tạo ra hàng triệu việc làm, thúc đẩy an sinh xã hội. Tuy nhiên, những cải cách liên quan đến khu vực kinh tế này gần như không có, đặc biệt trong lĩnh vực thuế nên  nảy sinh nhiều tiêu cực.

Một nghiên cứu gần đây do VCCI và Bộ Phát triển kinh tế Anh tiến hành cho thấy, không kể nhũng nhiễu liên quan đến thủ tục hành chính và vay vốn, riêng trong lĩnh vực thuế, tiêu cực vẫn phổ biến. Cụ thể, với thuế môn bài, dựa trên doanh thu, hộ kinh doanh chỉ phải nộp từ 500.000 - 1 triệu đồng/năm nhưng vẫn có tới 30% hộ kinh doanh khai thấp doanh thu để đóng thuế ít đi; 6% cho biết đã hối lộ để đóng thuế thấp hơn. Cũng có đến 14% đưa hối lộ để có mức thuế thấp hơn. Đáng chú ý, có đến 63% số hộ được hỏi khẳng định luôn thỏa thuận ngầm với cán bộ thuế. Ngoài ra, hộ kinh doanh cũng phải chi phí không chính thức cho mỗi lần bị thanh tra, kiểm tra… Và đương nhiên, phần lớn số hộ kinh doanh không tố cáo nếu bị yêu cầu hối lộ. 

Bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả

Bà Đặng Thị Bình An cho hay, một cán bộ thuế ở địa phương được hưởng lương 5 triệu đồng/tháng. Nhưng tổng số tiền thuế các hộ trong phạm vi cán bộ này phụ trách thu chỉ có 2 triệu đồng/tháng. Điều này cho thấy bộ máy cán bộ thuế còn cồng kềnh, kém hiệu quả.

Đưa ra con số “vênh” so với số liệu từ Tổng cục Thống kê, bà Nguyễn Thị Hạnh - Vụ trưởng Vụ Thuế thu nhập cá nhân cho biết, các hộ kinh doanh chỉ đóng góp 2% GDP. Mặc dù vậy, ngành thuế phải huy động đến 21% lực lượng cán bộ để thu thuế của các đối tượng này! Bà Nguyễn Thị Hạnh thừa nhận công tác thu thuế đối với các hộ kinh doanh vẫn còn hạn chế. Sang năm 2016, ngành thuế sẽ cải cách, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giảm bớt nhũng nhiễu, phiền hà. 

Bà Đặng Thị Bình An cho rằng, có 3 nguyên nhân dẫn đến tham nhũng thuế trong lĩnh vực hộ kinh doanh. Một là thuế được xác định trên doanh thu hàng năm và do một hội đồng tư vấn thuế lập ra. Ngoài đại diện các ban ngành địa phương, hội đồng này còn có đại diện 1-2 hộ kinh doanh trong khu vực (địa phương, chợ…). Theo vị chuyên gia này, 1-2 hộ kinh doanh không đủ để mang tính đại diện nên mức thuế xác định nhiều khi không chuẩn. Để xác định thuế sát hơn, cần chia hộ kinh doanh đại diện theo ngành hàng, theo khu vực nhỏ hơn. 

Hai là do việc đóng thuế chủ yếu theo phương thức khoán trên doanh thu nên xảy ra tình trạng gian dối hóa đơn. Tháng thừa hóa đơn thì viết cao, tháng thiếu hóa đơn thì “khất nợ” khách. Cuối cùng, do các hộ kinh doanh có quy mô khác nhau, doanh thu khác nhau nhưng áp dụng cùng một mức thuế nên xảy ra tiêu cực. Ví dụ, hộ kinh doanh nhà hàng, khách sạn doanh thu hàng trăm triệu đồng/tháng áp thuế bằng hộ buôn bán nhỏ là bất hợp lý, không công bằng. Đồng tình với giải pháp của đại diện Tổng cục Thuế, bà Đặng Thị Bình An đề xuất, nên tinh giản đội ngũ cán bộ.

“Một tỷ lệ không nhỏ cán bộ làm ăn hời hợt nhưng Nhà nước vẫn phải trả lương, đầu tư trang thiết bị tại nơi làm việc cho họ. Nếu số lượng này bị sa thải, những người làm việc tốt được tăng lương thì nhũng nhiễu cũng giảm bớt. Ngoài ra, cần tăng cường niềm tin cho người nộp thuế, rằng tiền thuế sẽ được sử dụng đúng mục đích”- vị chuyên gia thuế nói.