6 lần đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ trong 50 năm qua

ANTĐ -Cuộc đảo chính nổ ra vào đêm 15-7 tại Thổ Nhĩ Kỳ không phải là lần đầu tiên quân đội nước này lật đổ chính quyền. Trong vòng 50 năm qua, đã rất nhiều lần tướng lĩnh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chống lại chính phủ và 4 lần trong đó đã thành công.

1960

Năm 1960, đảng cầm quyền của Thủ tướng Adnan Menderes bị cáo buộc đi ngược lại các nguyên tắc đặt ra bởi lãnh tụ khai sinh đất nước Mustafa Kemal Ataturk khi cho phép dân chúng hoạt động tôn giáo, mở hàng trăm nhà thờ và cầu nguyện bằng tiếng Ả-Rập.

Tướng Cemal Gursel 

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự lãnh đạo của tướng Cemal Gursel đã lật đổ chính quyền với mục tiêu "đưa đất nước trở lại với nền dân chủ công bằng, trong sạch và vững chắc".

Tổng thống Celal Bayar, Thủ tướng Adnan Menderes và nhiều quan chức khác bị bắt vì tội phản quốc. Ông Menderes sau đó còn bị treo cổ. Tướng Gursel lên giữ chức thủ tướng kiêm tổng thống tới năm 1966, khi một chính phủ dân bầu mới được thành lập.

1971

Đây là cuộc đảo chính không đổ máu do tướng quân đội Memduh Tagmac đã ra tối hậu thư cho Thủ tướng Suleyman Demirel để ép ông từ chức sau nhiều tháng bạo lực và bất ổn trong nước.

Mặc dù chính phủ đương thời đã giải thể nhưng quân đội không nắm quyền lực trực tiếp mà giám sát các hoạt động cải tổ và chuyển giao quyền lực. Thổ Nhĩ Kỳ đã được đặt trong tình trạng thiết quân luật cho tới tháng 9-1973.

1980

Sau nhiều bất ổn và giao tranh giữa các lực lượng đối lập, tướng quân đội Kenan Evren đã quyết định can thiệp để giải quyết tình hình.

Tháng 9-1980, quân đội tuyên bố tiến hành đảo chính trên truyền hình, cùng với thông báo thiết quân luật trên toàn quốc. Quân đội bãi bỏ hiến pháp và thành lập hội đồng xây dựng một hiến pháp mới, quy định tổ chức trưng cầu dân ý vào năm 1982. Hàng nghìn người trong đó có cả các chính trị gia cấp cao đã bị bắt giữ cùng với đó là việc hành quyết hàng chục người khác. Tướng Kenan Evren trở thành tổng thống trong suốt 7 năm tiếp theo.

1997

Vào ngày 18-6-1997, Thủ tướng Necmettin Erbakan đã bị chỉ trích bởi các lãnh đạo chính trị đối lập do sự hiện diện ngày càng tăng của các đảng phái Hồi giáo trong nước. Sau đó ít lâu, quân đội, dẫn đầu bởi tướng Ismail Hakki Karadayi, bắt tay với giới doanh nhân, cơ quan tư pháp và nhiều chính trị gia đã ép buộc ông Erbakan phải từ chức.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã rất nhiều lần can thiệp vào tình hình chính trị

Các tướng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lúc này đã tự nhận mình là những người bảo vệ giá trị quốc gia như người sáng lập đất nước Mustafa Kemal Ataturk mong muốn.

2007

Nhóm Ergenekon dần lộ diện sau khi một chiến dịch truy quét của cảnh sát ở Istanbul đã phát hiện nơi ẩn náu của các thành viên nhóm này cùng nhiều vũ khí, thuốc nổ. Hàng trăm người bị cáo buộc âm mưu đảo chính chống chính phủ của thủ tướng lúc bấy giờ là Tayyip Erdogan, đã bị bắt giữ và sau đó là kết tội. Rất nhiều người trong số này là luật sư, giáo viên và nhà báo.

Hồi đầu năm nay, phiên tòa xét xử những người này đã được phúc thẩm với tuyên bố rằng Ergenekon không thể được chứng minh là có tồn tại. Ông Erdogan cho rằng, cảnh sát và các công tố viên đã chịu ảnh hưởng của “mạng lưới Imam Fethullah Gulen”. Đây là những từ ngữ để chỉ cộng đồng người đi theo tư tưởng của tu sĩ Fethullah Gulen, người hiện sống ở Mỹ và có tư tưởng chỉ trích chính phủ của ông Erdogan.

2010

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã phát hiện một âm mưu đảo chính có tên Sledgehammer với mục tiêu xúi giục dân chúng gây bất ổn xã hội nhằm lật đổ Đảng Công lý và Phát triển (AK) gốc Hồi giáo của ông Erdogan.

Năm 2012, một tòa án đã kết án giam giữ 300 người nhưng 2 năm sau đó, hầu hết những người này được thả do tòa án hiến pháp cho rằng, quyền của những người này đã bị xâm hại. Ông Erdogan tiếp tục cáo buộc phong trào Gulen nhúng tay vào việc này.