- Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan thực sự mất quyền kiểm soát?
- Lộ danh tính người chỉ đạo cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ
- Vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ: Mỹ, NATO liệu có hành động?
Một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hầu hết các vụ tấn công nhằm vào trụ sở Quốc hội và Phủ Tổng thống đều đã tạm ngừng.
Một thường dân bị lực lượng đảo chính sát hại trên cây cầu Bosphorus ở Istanbul ngày 16/7
Theo quan chức trên, lực lượng thân chính phủ đã kiểm soát hầu hết các sở chỉ huy quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên một vài nhóm binh sỹ đảo chính vẫn đang kháng cự. Vị quan chức này cũng cho biết phe đảo chính vẫn đang kiểm soát một số trực thăng quân sự nhưng không có chiến đấu cơ nào. Số trực thăng này sẽ bị vô hiệu hóa trong thời gian ngắn.
Hiện có 29 đại tá và 5 tướng quân đội đã bị cách chức vì có liên quan đến âm mưu đảo chính.
Trong khi đó, nhiều người ủng hộ Tổng thống Erdogan đã tấn công một nhóm binh sỹ tham gia đảo chính đầu hàng tại một cây cầu ở thành phố Istanbul, trước khi cảnh sát can thiệp để giải cứu.
Tổng thống Erdogan liên tục kêu gọi người ủng hộ xuống đường để giúp chính phủ dập tắt âm mưu đảo chính.
Trong một diễn biến liên quan, Giáo sĩ Fethullah Gulen, người từng là đồng minh của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và hiện đang sống tại Mỹ, đã kịch liệt lên án "bằng ngôn từ mạnh nhất" đối với âm mưu đảo chính diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuyên bố của ông Gulen nêu rõ: "Là một người phải trải qua nhiều cuộc đảo chính quân sự trong suốt năm thập kỷ, việc bị cáo buộc liên quan đến âm mưu như trên là một sự xúc phạm vô cùng lớn. Tôi dứt khoát bác bỏ những lời cáo buộc trên".
Trong khi đó, một bức thư điện tử được gửi tới Bộ Tổng tham mưu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết phe đảo chính vẫn quyết tâm chiến đấu với những người chống lại họ. Phe đảo chính, tự xưng là "Phong trào Hòa bình tại quê hương", cũng kêu gọi người dân nên ở trong nhà để được an toàn.