Theo đó, 10 tháng đầu năm 2016, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức 3 Tuần hàng Việt, 280 chuyến hàng lưu động về vùng nông thôn và khu công nghiệp, khu chế xuất. Từ nay đến cuối năm, Sở xác định sẽ có hơn 500 chuyến hàng lưu động về vùng nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất... Sở cũng phối hợp Liên đoàn Lao động TP Hà Nội tổ chức khai mạc Hội chợ hàng Việt tại khu công nghiệp cho công nhân vào tối 4-11...
Tại cuộc tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp và nhà phân phối đều khẳng định sau hơn 7 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, người tiêu dùng đã nhận thức sâu sắc và thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong ước thay cho việc mua sắm hàng ngoại nhập.
Các doanh nghiệp sản xuất cũng có ý thức đầu tư vào sản xuất, tiếp thị để sản phẩm tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng Việt. Tuy nhiên, trong những năm sắp tới, khi Việt Nam bắt đầu thực thi các hiệp định thương mại tự do với các nước đối tác hàng đầu thế giới sẽ đặt các doanh nghiệp Việt trước những thách thức mới.
Theo bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo cuộc vận độn người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP Hà Nội, một trong những khó khăn của cuộc vận độn là sức cạnh tranh của các DN còn yếu.
“Tâm lý của nhiều người Việt là sính hàng ngoại. Theo tôi, đó cũng là do một phần trách nhiệm của DN. Người tiêu dùng hiện nay không chỉ đòi hỏi “ăn chắc, mặc bền” mà còn quan tâm đến mẫu mã phải đẹp, giá cả phải chăng. Đó là đòi hỏi không sai, và DN cần nghiên cứu để đáp ứng những yêu cầu đó. Làm thế nào để huy động được các DN trong nước, sử dụng các nguyên liệu của nhau để sản xuất ra sản phẩm tốt. Có được sản phẩm tốt rồi thì cần phải quan tâm đến truyền thông”.
Phát biểu kết luận tọa đàm, đồng chí Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Phó trưởng Ban thường trực Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP Hà Nội tham dự và chỉ đạo đánh giá, khi triển khai cuộc vận động, nhận thức của người tiêu dùng, đặc biệt ở vùng nông thôn đã được nâng lên rất nhiều.
Chỉ ra những tồn tại, đồng chí Nguyễn Doãn Toàn đồng thời nêu một số giải pháp để cuộc vận động thành công hơn nữa, đó là: Tăng cường công tác tuyên truyền; Triển khai kế hoạch phát triển thị trường trong nước; Tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi đúng với chức năng quản lý nhà nước; Phối hợp với các cơ quan ngân hàng, đẩy mạnh cho DN tiếp cận nguồn vốn; Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư; Đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính để các cấp, các ngành tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí.