5 cha con cùng hầu tòa

ANTĐ - Vụ án dưới đây có thể nói rất hy hữu bởi trong số 6 bị cáo sẽ bị xét xử thì có một người cha và 4 người con. Nguyên nhân dẫn đến vụ án mạng đau lòng bắt nguồn từ việc đàn vịt nhà này nghi bị lạc một số con sang đàn khác.

Tất cả đã không giữ được bình tĩnh để rồi dẫn tới xô xát giữa hai nhóm người của hai dòng họ. Kết quả là một người thiệt mạng, 2 người bị thương.

 
Hiện trường vụ án

Anh Vương Văn Sáu (SN 1969), nhà ở thôn Yên Nội, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội có trang trại chăn nuôi vịt ở cánh đồng thôn Yên Nội, giáp với khu trang trại chăn nuôi vịt của gia đình Ngô Văn Sơn ở thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Ngày hôm đó, sau khi thả vịt ra đồng, anh Sáu thấy ngạc nhiên vì hình như đàn vịt không đủ như hôm trước, ước tính mất khoảng 100 con nên có nghi ngờ đàn vịt nhà mình lẫn với đàn vịt gia đình Sơn. Khoảng 15h ngày 2-6-2010, thấy Sơn đang thả vịt ở cánh đồng thôn Phú Vinh, anh Sáu cùng anh Nguyễn Đạt Còn đi bộ đến nói chuyện với Sơn về việc đàn vịt nhà mình lẫn vào đàn vịt nhà Sơn và muốn xin lại. Sơn không thừa nhận việc này dẫn đến hai bên to tiếng rồi xô xát. Ngô Văn Lên (bố của Sơn) cùng Ngô Văn Sâm, Ngô Văn Đức và Ngô Văn Sinh (là 3 em trai của Sơn) ở gần đó thấy Sơn xô xát với anh Sáu nên chạy đến. Biết không thể chống lại số đông, anh Sáu bỏ chạy về phía trang trại nhà mình. Còn anh Nguyễn Đạt Còn bị bố con Ngô Văn Lên cầm gậy đuổi đánh khiến anh Còn cũng phải bỏ chạy về trang trại nhà anh Sáu. Ngay sau đó, Lên cùng các con trở về trang trại của gia đình và tiếp tục làm việc bình thường.
Đến 16h30 cùng ngày, anh Sáu cùng các anh Vương Văn Sơn, Vương Văn Tâm, Vương Văn Xuân, Vương Văn Đợi, Vương Văn Tình, Vương Văn Thắng (con trai của Vương Văn Tâm), Nguyễn Quốc Cảnh và Nguyễn Đạt Còn đều ở thôn Yên Nội, xã Đồng Quang đi bộ từ trang trại nhà anh Sáu đến trang trại của nhà Ngô Văn Lên để đòi vịt. Thấy đông người nhà anh Sáu kéo nhau đến, Ngô Văn Lên hô hoán các con đuổi đánh nhóm người nhà anh Sáu bằng những từ rất kích động: Giết chết mẹ chúng nó đi! Không chỉ hô hoán, Lên còn cầm đòn gánh, Sâm cũng cầm đòn gánh, Sinh nhặt được chiếc gậy bằng bạch đàn dài khoảng 2 mét rồi chạy ào ra cổng đuổi đánh nhóm người nhà anh Sáu.

 
- Các loại hung khí thu được tại hiện trường

Lúc này, Ngô Văn Sơn đang chăn vịt gần trang trại và Ngô Văn Phú (cháu họ Lên) đang gặt lúa gần đó chạy đến, Sơn cầm đòn gánh, Phú mang theo gậy tre cả hai hòa vào đám đông đuổi đánh nhóm người nhà anh Sáu. Lăm lăm gậy tre trong tay, Phú nhào lên vụt tới tấp vào nhóm của anh Sáu (không xác định được vụt trúng ai) thì bị nhóm người nhà anh Sáu lấy gậy phang vào đầu khiến Phú bị ngã. Phú vùng dậy đuổi đánh tiếp nhóm người kia nhưng không được. Cùng lúc, Ngô Văn Đức đang chăn bò cách trang trại của gia đình khoảng 50 mét chạy đến cầm nĩa gảy rơm (cán tre dài khoảng 2 mét, một đầu có 2 mũi nhọn bằng sắt) cũng chạy đến vụt vào lưng anh Vương Văn Sơn. Anh Sơn quay người lại đối diện với Đức, bất ngờ bị Đức cầm nĩa gảy rơm đâm mạnh một nhát vào vùng ngực trái. Bị đau, anh Sơn ôm ngực bỏ chạy. Phía sau, Đức vẫn đuổi theo anh và đâm tiếp một nhát nữa vào lưng. Như một kẻ điên, Đức cầm nĩa tiếp tục đuổi đánh nhóm của anh Sáu và đâm trúng sườn trái của anh Nguyễn Quốc Cảnh.
Cùng thời điểm, các đối tượng Lên, Sâm, Sinh và Ngô Văn Sơn cũng đuổi đánh người nhà anh Sáu. Thấy anh Vương Văn Xuân chạy xuống mương nước cạnh đường, Lên nhặt một hòn đất ném nhưng không trúng. Lên khai khi thấy anh Vương Văn Tâm (tức Ba) chạy dưới ruộng, Lên đuổi theo cầm đòn gánh vụt trúng lưng anh Tâm. Còn Đức dùng nĩa chạy đến đâm trúng bụng anh Tâm. Khi anh Tâm quỳ xuống xin tha thì Lên bảo Đức không đánh anh Tâm nữa và kéo mọi người ra về.
Hậu quả của cuộc hỗn chiến này là anh Vương Văn Sơn bị tử vong. Anh Vương Văn Tâm bị tổn hại 38,8 % sức khỏe, anh Nguyễn Quốc Cảnh bị tổn hại 4% sức khỏe.
Trong quá trình điều tra, Vương Văn Xuân khai: Xuân bị Lên dùng gạch ném vào mồm gây thương tích (tổn hại 8,2% sức khỏe), nhưng Lên không thừa nhận việc trên. Mặt khác, cơ quan điều tra không thu giữ được vật chứng Lên sử dụng gây án. Ngoài ra, cũng không có chứng cứ nào khác để chứng minh. Do đó, chưa đủ cơ sở quy kết Lên sử dụng gạch là hung khí nguy hiểm gây thương tích cho Xuân.
Đối với Vương Văn Thắng đã cùng Vương Văn Sơn, Vương Văn Tâm, Vương Văn Xuân, Vương Văn Tình, Vương Văn Đợi, Nguyễn Đạt Còn, Vương Văn Sáu sang trang trại của Ngô Văn Lên để xin vịt, khi đi, Thắng có cầm theo một chiếc gậy bạch đàn để phòng thân, nhưng Thắng không sử dụng chiếc gậy này để đánh ai. Xét thấy hành vi của Thắng chưa đến mức xử lý hình sự nên cơ quan điều tra kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính. Còn Nguyễn Đạt Còn, Vương Văn Đợi, Vương Văn Sáu có hành vi cùng Vương Văn Tâm, Vương Văn Sơn, Vương Văn Xuân, Vương Văn Thắng sang trang trại của Ngô Văn Lên để xin lại vịt cho Sáu nhưng không tham gia đánh nhau nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý.
Tại cơ quan điều tra, Ngô Văn Đức, Ngô Văn Lên, Ngô Văn Sâm, Ngô Văn Sinh, Ngô Văn Phú đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và đồng phạm. Lời khai nhận tội của các bị can phù hợp với các chứng cứ, tài liệu đã thu thập được trong quá trình điều tra vụ án.
Từ những lẽ đó, mới đây, VKSND TP Hà Nội đã hoàn thành bản cáo trạng truy tố các bị can Ngô Văn Lên, Ngô Văn Đức về tội giết người và cố ý gây thương tích theo điều 93, khoản 1 điểm n và điều 104, khoản 3 BLHS. 4 bị can Ngô Văn Sơn, Ngô Văn Sinh, Ngô Văn Sâm và Ngô Văn Phú bị truy tố về tội gây rối trật tự công cộng theo điều 245, khoản 1 BLHS.
Có thể nói, điểm khởi đầu của vụ án rất đơn giản. Đó là việc anh Sáu nghĩ rằng đàn vịt nhà mình bị lạc một số con sang đàn vịt của nhà Sơn. Mọi việc sẽ kết thúc tốt đẹp nếu hai bên cùng đếm lại số vịt với tinh thần thiện chí. Song, tất cả đã không diễn ra như vậy. Người mất của thì bực tức, còn người bị nghi là tham lam cũng nổi khùng dẫn đến hai bên không thể bình tĩnh và kiểm soát được hành vi của mình. Vụ gây rối với sự tham gia của khá nhiều người, chủ yếu là nhóm người của hai họ Ngô và Vương. Trong số đó, có cả những người không hề liên quan cũng bị kích động và vào cuộc. Hậu quả đau lòng đã xảy ra, đó là một người bị thiệt mạng, 2 người khác bị thương.
Thực tiễn vụ án cho thấy vấn đề an ninh dòng họ ở nông thôn hiện nay có những diễn biến khá phức tạp. Trách nhiệm đặt ra không chỉ với người đứng đầu dòng họ mà cả chính quyền địa phương cũng như lực lượng giữ gìn an ninh. Không có việc gì là không thể giải quyết được, miễn là nắm chắc tình hình, kiên trì vận động, hòa giải, động viên khen thưởng cũng như xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Chỉ có vậy mới hạn chế đến mức thấp nhất những mâu thuẫn giữa các dòng họ, từ đó hoàn toàn có cơ sở để phòng ngừa những hậu quả xấu có thể xảy ra.