Công an Thủ đô thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy

40 ngày bám sát mặt sông bắt 'cát tặc' và chuyện chọn đêm trăng sáng 'đánh úp' bất ngờ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - 40 ngày đêm “ăn trực, nằm chờ” bám mặt sông để nắm tình hình hoạt động của "cát tặc”, cán bộ chiến sĩ Công an Hà Nội đã vượt qua những khó khăn, vất vả và cả những hy sinh, xây dựng phương án “đánh úp” vào đêm trăng sáng đầu tháng 11-2022.

Những "người đánh cá” kỳ lạ trên sông

Đầu tháng 10-2022, nguồn tin trinh sát báo về cho biết, dọc tuyến sông Đà đoạn qua địa bàn xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội có một nhóm đối tượng khai thác cát trái phép. Ngay lập tức, Đại tá Trần Anh Tuấn - Trưởng Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, CATP Hà Nội đã trực tiếp báo cáo Ban Giám đốc, nhận chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra - CATP và các đơn vị có liên quan xây dựng phương án, kế hoạch đấu tranh, bắt giữ.

Lại nói về đoạn sông chảy qua xã Minh Quang, ban ngày vốn đã vắng tàu thuyền qua lại, về đêm thì hầu như không có phương tiện nào. Nhưng trong những ngày đó, xuất hiện một chiếc tàu cá nhỏ lênh đênh mặt sông. Chiếc tàu này đêm nào cũng đi lại đánh cá, câu ếch… dù khu vực này việc đánh bắt không thuận lợi lắm. Không ai biết, chiếc tàu cá ấy mang theo 4 trinh sát tinh nhuệ nhất được tuyển chọn cho “cuộc chiến” bắt “cát tặc” quy mô này.

Nơi các đối tượng tập kết tàu hút cát trái phép

Nơi các đối tượng tập kết tàu hút cát trái phép

“Khó khăn với chúng tôi chính là chưa quen với môi trường trên sông nước, lại vào ban đêm, làm sao để vừa không bị lộ, vừa thu thập được thông tin. Do vậy, khoảng thời gian này với các trinh sát cực kỳ căng thẳng. Thậm chí, chúng tôi phải xem thời tiết, hướng mặt trăng lên chiếu xuống để chọn đường di chuyển sát mép bờ bóng cây đổ xuống để tránh bị phát hiện…” - Đại úy Phương Văn Thành, một trong bốn trinh sát tham gia vụ án kể lại.

Mặt sông rộng, hầu như không có phương tiện tàu thuyền qua lại, các đối tượng tranh thủ chiều muộn ra hút cát

Mặt sông rộng, hầu như không có phương tiện tàu thuyền qua lại, các đối tượng tranh thủ chiều muộn ra hút cát

Thời tiết vào cuối thu, ban ngày nhiệt độ đã giảm, ban đêm còn thấp hơn, chưa kể mặt sông rộng, xung quanh là cánh đồng cộng thêm sương xuống khiến cán bộ chiến sĩ cũng bị ảnh hưởng sức khỏe khá nhiều. Những ngày đêm lênh đênh trên thuyền, thực phẩm duy nhất họ sử dụng là bánh mỳ và nước "suối".

“Vất vả nhất là khi phải nhảy xuống sông, vờ giăng lưới đánh cá để tiếp cận gần hơn với các tàu hút cát. Nước sông lạnh, chúng tôi phải bơi một quãng dài nên đến khi lên tàu thì mệt nhoài, da thịt tím tái, môi thâm cả lại. Nhưng nguồn tin trinh sát lại rất quý giá nên cảm giác mệt nhọc ấy nhanh chóng qua đi” - Đại úy Phương Văn Thành chia sẻ thêm.

Đại tá Trần Anh Tuấn - Trưởng Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cho biết, từ nguồn tin trinh sát báo về xác định, các đối tượng trong ổ nhóm khai thác cát trái phép trên sông Đà hoạt động rất tinh vi. Với 5 tàu, nhưng chúng chia nhỏ ra các bãi tập kết. Mỗi lần, chỉ 1-2 tàu ra hút cát và luân phiên nhau”.

Tàu hút cát về đến bờ được máy xúc sang hàng lên xe tải chờ sẵn

Tàu hút cát về đến bờ được máy xúc sang hàng lên xe tải chờ sẵn

Không chỉ thế, để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, "cát tặc" còn ngụy trang với 2 tàu áp sát hai bên, vờ như đang sửa chữa để tàu ở giữa hút cát. Toàn bộ số khoáng sản khai thác được, các đối tượng đưa về bãi nhưng không tập kết mà dùng xe cẩu sang hàng cho các xe tải chở đi luôn. Mỗi đêm, có hàng chục thậm chí cả trăm xe tải, xe “hổ vồ” các loại vận chuyển hàng đi.

Hàng trăm chiếc vé được xuất ra như thế này mỗi đêm

Hàng trăm chiếc vé được xuất ra như thế này mỗi đêm

“Chúng hoạt động rất tinh vi, thường hút cát vào ban đêm đến khoảng 4h30 sáng hôm sau thì tạm dừng hoạt động. Không chỉ trong quá trình khai thác mà cả việc phân chia vai trò, nhiệm vụ cho từng đối tượng rất rõ ràng như: đối tượng điều khiển tàu hút cát; đối tượng phát phiếu, chấm chuyến và soát vé với các phương tiện đến lấy hàng; đối tượng cảnh giới…” - Đại tá Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng, Phó thủ trưởng Thường trực Cơ quan Cảnh sát điều tra, CATP Hà Nội thông tin.

Trên cơ sở nắm bắt được quy luật hoạt động của các đối tượng, Công an Hà Nội đã quyết định lập kế hoạch bắt giữ.

“Đánh úp” bất ngờ vào đêm trăng sáng

Đêm 5, rạng sáng 6-11, đó là một đêm căng thẳng với hơn 40 cán bộ chiến sĩ của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra - CATP Hà Nội mà trực tiếp chỉ đạo là Đại tá Trần Anh Tuấn, Đại tá Nguyễn Xuân Trường và Thượng tá Lê Phước Lâm, Phó Chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra.

Mỗi tàu hút 2-3 chuyến/ ngày

Mỗi tàu hút 2-3 chuyến/ ngày

“Do thông tin trinh sát nắm được rất cụ thể, chi tiết nên phương án bắt giữ của chúng tôi cũng có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải quán triệt cán bộ chiến sĩ trước tiên cần đảm bảo an toàn cho bản thân, sau đó đảm bảo công tác bắt giữ, không để lọt bất cứ đối tượng nào” - Thượng tá Lê Phước Lâm nói.

Thật vậy, “cuộc chiến” trên sông chưa bao giờ là dễ dàng. Đêm tối, các đối tượng có thể nhảy xuống sông để bỏ trốn. Hoặc quá trình vây bắt, chúng sử dụng hung khí để chống trả thì cũng rất nguy hiểm. Ngoài ra, quá trình bắt giữ phải đảm bảo nhanh chóng, rải quân “đánh úp” cả trên sông lẫn các bến bãi, tránh để các đối tượng tẩu tán tài liệu, chứng cứ.

Đêm 5-11, trăng sáng, nước dâng lên cao nên các đối tượng tranh thủ đưa tàu ra hút nhiều cát hơn so với ngày thường. Xác định thời cơ đã chín muồi, 23h30 phút, mũi trinh sát do Trung tá Nguyễn Trọng Bằng, Đội trưởng Đội Thanh tra pháp luật, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, CATP Hà Nội chỉ huy bất ngờ bao vây tàu cát do Nguyễn Văn Tác, SN 1970, trú tại thị trấn Kinh Môn, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương điều khiển và Kiều Văn Hoàng, SN 1995, trú tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội là người hỗ trợ Tác hút cát từ dưới lòng sông Đà lên thuyền.

Ước tính có khoảng 2.500 tấn cát mỗi ngày bị khai thác trái phép bởi nhóm do Nguyễn Bá Quốc cầm đầu

Ước tính có khoảng 2.500 tấn cát mỗi ngày bị khai thác trái phép bởi nhóm do Nguyễn Bá Quốc cầm đầu

Sau khi khống chế thành công các đối tượng, lực lượng công an đã nhanh chóng xác định Nguyễn Bá Quốc, SN 1973, trú tại xã Minh Quang, huyện Ba Vì là kẻ cầm đầu. Quốc thuê các đối tượng với tiền công 800.000 đồng/ chuyến. Mỗi tàu sẽ hút từ 2-3 chuyến/ ngày. Thời điểm kiểm tra, tàu của Tác đã hút được khoảng 100m3 cát.

Những chiếc xe tải, xe "hổ vồ" luôn chờ sẵn tại các bến bãi để nhận hàng khi tàu cát về bờ

Những chiếc xe tải, xe "hổ vồ" luôn chờ sẵn tại các bến bãi để nhận hàng khi tàu cát về bờ

Ngay sau đó, lực lượng vây bắt đã phối hợp với Phòng CSGT - CATP Hà Nội và Công an huyện Ba Vì bắt giữ Nguyễn Bá Quốc cùng các đối tượng có liên quan gồm Nguyễn Thị Sỹ (con gái Quốc); Trần Văn Hưng, Ngọc Văn Thỉnh, Đỗ Đăng Biển, Đinh Đức Soạn có nhiệm vụ lái tàu cát; Hà Xuân Trường, Nguyễn Hồng Lưu và Đinh Thanh Hảo chuyên lái máy xúc;

Nhóm đối tượng chuyên phát phiếu, chấm chuyến và soát vé gồm Nguyễn Thị Yến, Đinh Thị Oanh, Nguyễn Anh Quân, Nguyễn Hồng Sơn cùng nhiều đối tượng khác có liên quan.

Lòng sông Đà bị "tổn thương" bởi "cát tặc"

Lòng sông Đà bị "tổn thương" bởi "cát tặc"

Căn cứ tài liệu chứng cứ xác định, Nguyễn Bá Quốc cầm đầu ổ nhóm khai thác cát trái phép trên sông Đà. Đối tượng này điều 5 tàu chuyên hút cát với trọng lượng hút khoảng 2.500 tấn/ ngày. Số cát hút được, các đối tượng phân phối đi quanh khu vực Hà Nội và hai tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ.

Cho đến khi bị bắt, ổ nhóm của Quốc đã trục lợi số tiền trên 5 tỷ đồng. Trong các ngày 7, 8, 9-11-2022, CATP Hà Nội phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội ra lệnh bắt khẩn cấp, áp dụng biện pháp ngăn chặn giữ người trong trường hợp khẩn cấp với Nguyễn Bá Quốc, Nguyễn Văn Tác, Đỗ Đăng Biển, Trần Văn Hưng và tạm giữ hình sự Nguyễn Thị Sỹ, đồng thời tiếp tục điều tra, làm rõ vụ án.