40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc: Ký ức của những người lính trận

ANTD.VN - Mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, Quang Trung - Nguyễn Huệ đã có một cuộc hành quân thần tốc ra Thăng Long, tiêu diệt 29 vạn quân Thanh xâm lược. Tròn 190 năm sau, mùa Xuân năm Kỷ Mùi 1979, cũng có một cuộc hành quân thần tốc như thế khi Trung Quốc nổ súng ở biên giới phía Bắc Tổ quốc tấn công Việt Nam - Quân đoàn 5 (tức Quân đoàn 14) - Mặt trận Lạng Sơn khi ấy chính thức được thành lập.

40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc: Ký ức của những người lính trận ảnh 1Chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Đoàn M123 bộ đội Lạng Sơn chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt hàng trăm tên địch tại đồi Không Tên trong 2 ngày 17 và 18-2-1979 (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Cuộc hành quân thần tốc của thế trận nhân dân

Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, năm 1977, Sư đoàn 3 - Sao Vàng được điều động hành quân ra Bắc và lên biên giới Lạng Sơn từ năm 1978 để làm nhiệm vụ trấn ải hướng phòng thủ chủ yếu của Tổ quốc. Đội hình còn lại là các Sư đoàn 327, 337, 338, 347 và các đơn vị trực thuộc của Quân đoàn từ khắp mọi miền đất nước như Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Nghệ Tĩnh, các địa phương vùng đồng bằng thuộc Quân khu 3, Hà Nội, Hà Bắc, Bắc Thái… vừa hành quân thần tốc bằng cả 3 phương tiện (máy bay, ô tô và tàu hỏa), vừa tuyển chọn tân binh, vừa huấn luyện cấp tốc để kịp thời đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Trong thời điểm ấy, Thiếu tướng Hoàng Đan, Tư lệnh Quân đoàn 14, đồng thời cũng là Tư lệnh Mặt trận Lạng Sơn đã có câu nói đầy chất văn nghệ, nhưng cũng rất thực tế, ông ví Quân đoàn 14 lúc bấy giờ chẳng khác nào “Quân vay, tướng mượn, pháo bắn nhờ…”.

Mặt trận Lạng Sơn bao gồm nhiều lực lượng hợp thành như Quân đoàn 14, Công an vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng), bộ đội địa phương, dân quân tự vệ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn, tạo thành một thế trận nhân dân vững chắc chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược.

Trong cuộc chiến đầy cam go ác liệt ấy đã sản sinh ra những anh hùng như Nguyễn Nho Bông; Hoàng Quý Nam; Phạm Ngọc Yểng; Phạm Văn Thắng; Nguyễn Ngọc Sơn (Sư đoàn 3 Sao Vàng); Lý Trung Phẩm (Sư đoàn 338)…

40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc: Ký ức của những người lính trận ảnh 2Chiến sĩ Đại đội 7, Đoàn M16 pháo binh Lạng Sơn dội bão lửa trừng trị quân địch (Ảnh tư liệu: TTXVN)

17 ngày chiến đấu ác liệt giữ vững trận địa

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thu sinh năm 1953, là người huyện Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Ông nhập ngũ năm 1970 vào Sư đoàn 3. Sau khi góp phần vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đơn vị ông tiếp tục hành quân lên Lạng Sơn, đảm nhiệm phòng ngự tại khu vực Cửa khẩu Hữu Nghị Quan, pháo đài Thân Mò - chính diện phòng ngự từ đài cao điểm 386 (Tây Đồng Đăng) kéo về dãy cao điểm pháo đài Thị trấn Đồng Đăng, dãy cao điểm Thân Mò đến dãy cao điểm 400 và cao điểm 811 thuộc dãy Mẫu Sơn, chiều sâu phòng ngự từ Hữu Nghị Quan, qua Đồng Đăng đến cao điểm 300 phía Nam đường sắt Đồng Đăng - Lạng Sơn.

Tháng 9-1978, ông được Thượng tá - Tư lệnh Sư đoàn Nguyễn Duy Thương giao trọng trách D Trưởng D4. Đồng chí Tư lệnh Sư đoàn nhấn mạnh: “Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, cậu có hoàn thành được không, cố gắng nhé!”. Khi đó Nguyễn Xuân Thu được 8 tuổi quân và 25 năm tuổi đời.

“Sau khi nhận nhiệm vụ, tôi chưa hình dung được những gì đang chờ mình phía trước, đến khi về đơn vị tôi mới nhận ra được hết những khó khăn mà mình phải vượt qua, thực ra lúc ấy trong lòng cũng có chút lo âu. Nhưng rồi mọi lo lắng đó qua đi rất nhanh, vì tôi đã từng được rèn luyện trong cuộc kháng chiến chống Mỹ rồi” - Trung tá Nguyễn Xuân Thu kể lại.

Đến nay, ông vẫn nhớ như in cái buổi sáng sớm 17-2-1979 khi nhận được điện từ sở chỉ huy Trung đoàn ra lệnh cho D4 sẵn sàng chiến đấu, chỉ nghe được bấy nhiêu thôi thì pháo địch đã trùm kín trận địa phòng ngự và liên lạc với sở chỉ huy trung đoàn cũng mất luôn từ đó. Chiến sĩ thông tin hy sinh, dây hữu tuyến đứt. Liên tục trong 3 ngày từ 17 đến 19-2, D4 của ông chiến đấu hoàn toàn độc lập, không có pháo binh chi viện, không có lực lượng cơ động của trên tiếp viện, lực lượng cơ động duy nhất của D là CBB1 (C bộ binh 1) cũng mất nốt liên lạc. 

40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc: Ký ức của những người lính trận ảnh 3Hàng bia mộ ở Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Lạng Sơn - nơi yên nghỉ của những người đã vì Tổ quốc thiêng liêng không tiếc cả máu xương mình

“3 ngày chiến đấu liên tục, chúng tôi đã đánh trả quyết liệt, bẻ gãy nhiều đợt tấn công của quân Trung Quốc vào toàn tuyến trận địa phòng ngự của tiểu đoàn, chỉ có pháo binh chi viện mà không có lực lượng cơ động chi viện” - D Trưởng D4 Nguyễn Xuân Thu nhớ lại. Liên tiếp trong 3 ngày toàn Tiểu đoàn của ông đã tiêu diệt hơn 1.000 tên xâm lược, bắn cháy 7 xe tăng, giữ vững trận địa tiêu biểu trong 3 ngày đầu chiến đấu là C42, C2 và cao điểm 400 của C43.

Sau khi bắt được liên lạc với Trung đoàn thì mọi người mới biết ông còn sống vì trước đó Sở chỉ huy Trung đoàn và Sư đoàn cho là Sở chỉ huy D4 đã mất và Nguyễn Xuân Thu đã hy sinh.

Cũng trong thời điểm đó, ở dãy cao điểm pháo đài trận địa phòng ngự của CBB42, địch cũng chiếm chỉ còn lại duy nhất mỏm pháo đài. Trước sự tấn công ào ạt của quân xâm lược, sự chênh lệch quá lớn về lực lượng lại không có chi viện, số cán bộ chiến sĩ còn lại của C42 phải rút xuống cố thủ trong pháo đài và cuối cùng quân Trung Quốc đã dùng khối thuốc nổ lớn đánh sập cửa pháo đài, giết chết toàn bộ cán bộ chiến sĩ của C42 cùng hàng trăm người dân vô tội chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em.

Đến ngày 22-2, D4 không còn giữ được trận địa mà phải rời về khu vực cao điểm 300 phía Nam đường sắt Đồng Đăng, Lạng Sơn. Ngày 25-2, tiếp tục rời về bãi đá cách cao điểm 200 về phía Nam 2km. Tại đây, dựa vào địa hình hiểm trở và khe núi, Tiểu đoàn đã triển khai đội hình phòng ngự, tiếp tục chiến đấu chặn đứng mọi cuộc tấn công của địch nhằm đánh vào sau khu vực Trung đoàn bộ ở phía Đông mộ Lê Đình Chinh. Tiểu đoàn đã giữ vững khu vực này cho đến ngày 5-3-1979.

Trong suốt từ ngày 17-2 đến 1-3, Tiểu đoàn đã bắn cháy 9 xe tăng địch, phá hủy 40 khẩu hỏa lực và tiêu diệt gần 2.000 tên địch. Tuy nhiên, sau 17 ngày đêm chiến đấu đã có hàng trăm cán bộ chiến sĩ của Tiểu đoàn anh dũng hy sinh để giữ vững trận địa.

40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc: Ký ức của những người lính trận ảnh 4Cầu Khánh Khê trên sông Kỳ Cùng - nơi 40 năm trước đã diễn ra những cuộc giao tranh ác liệt

Cuộc chiến trên cầu Khánh Khê

Cựu chiến binh Phạm Văn Quang sinh năm 1947 ở Thái Nguyên. Ông nhập ngũ vào Nam chiến đấu năm 1966. 10 năm là lính trận. Tháng 8-1978, ông được điều động từ mặt trận Campuchia về cùng anh em thành lập Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 197, thuộc bộ đội địa phương tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên). 

Trưa 17-2-1979, đơn vị ông được lệnh cấp tốc lên Lạng Sơn, chặn quân Trung Quốc xâm lược ở phía Bắc cầu Khánh Khê với tinh thần bằng mọi giá phải bẻ gãy mũi vu hồi chiến dịch bao vây chia cắt Lạng Sơn của địch.

Tiểu đoàn ông được giao nhiệm vụ đi tiên phong, gặp địch ở đâu thì triển khai chiến đấu ở đó. Lúc này, ông là Trợ lý tham mưu tác chiến của Tiểu đoàn. Hành quân đến cách Hữu Nghị Quan chừng 5km thì ông và trinh sát Tiểu đoàn phát hiện địch, cùng lúc đó bắt được liên lạc với Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 - Sao Vàng đến để giúp đỡ đơn vị tìm hiểu địa hình triển khai phương án chiến đấu.

Sáng 21-2, địch bắt đầu nã pháo, bộ binh tấn công cùng xe tăng yểm trợ, tiến đánh vào trận địa C2. Trực tiếp cùng anh em chiến đấu, ông Phạm Văn Quang kể, tinh thần anh em lúc đó rất vui khi bẻ gãy nhiều đợt tiến công của địch. Suốt từ sáng sớm tới 17h, quân địch tổn thất nặng nề. Quân ta hy sinh ít chủ yếu do đạn pháo và đạn cối của địch.

Sáng hôm sau, qua radio, ông và các đồng đội mình nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin thắng trận của đơn vị M1, Bắc Thái, anh em rất vui, tinh thần chiến đấu càng lên cao. Tiếp tục bẻ gãy nhiều mũi tiến công của địch. Trận địa được giữ vững.

Sáng 25-2, địch mở rộng hướng tấn công vào trận địa của Đại đội 1, Tiểu đội Vi Văn Thắng thuộc C1 cảnh giới tiền tiêu đã dũng cảm chiến đấu, tiêu diệt nhiều tên địch, bẻ gãy mũi tiến công của chúng, trận địa được giữ vững nhưng cả Tiểu đội đã hy sinh. Khi hết đạn, chiến sĩ ta đánh giáp lá cà với địch. Anh em lúc đó mới ào xuống tiếp viện thì thấy Tiểu đội trưởng Vi Văn Thắng đang ghì chặt lấy một tên địch ngay trên bờ công sự, gỡ tay ra thì thấy anh vẫn thở. Anh em đưa về tuyến sau được một đoạn thì anh nói khẽ: “Kê đầu tôi lên cao chút nữa để tôi nhìn rõ trận địa chốt của ta lần cuối”. Sau đó, Vi Văn Thắng trút hơi thở cuối cùng. Tấm gương hy sinh của Vi Văn Thắng được lan truyền khắp đơn vị, tiếp thêm sức mạnh chiến đấu cho toàn Trung đoàn.

Những ngày sau địch vẫn tiếp tục tấn công vào trận địa Tiểu đoàn. Tiểu đoàn 2 bị đánh bất ngờ phải lùi về phía Nam cầu Khánh Khê. Địch lập phòng tuyến phía Bắc cầu Khánh Khê, Tiểu đoàn của Phạm Văn Quang bị cô lập hoàn toàn. Cuộc chiến đấu liên tục, lấy ít địch nhiều nhưng đúng lúc đó đã xuất hiện nhiều tấm gương anh dũng, với nhiều cách đánh địch mưu trí, sáng tạo. Đến ngày 1-3-1979, Tiểu đoàn của Phạm Văn Quang mất chốt. Cán bộ chiến sĩ còn lại đưa anh em thương binh vào khu vực núi đá tử thủ.

“Đến ngày 4-3, từ trên cao chúng tôi chứng kiến, Sư đoàn bộ binh 337 ở Nghệ Tĩnh hành quân thần tốc lên biên giới Lạng Sơn, tràn qua cầu Khánh Khê và sông Kỳ Cùng lên đánh địch ở cao điểm Pa Bách, Bình Chung. Quân địch vỡ trận, tháo chạy” - ông Phạm Văn Quang nhớ lại.

Kết thúc chiến dịch, ông Phạm Văn Quang và nhiều đồng đội được tặng Huân chương, Cũng từ đó Trung đoàn của ông được biên chế về Sư đoàn 337, Quân đoàn 14. Ông được thăng chức lên Tiểu đoàn phó, rồi Tiểu đoàn trưởng, tiếp tục cùng đơn vị phòng ngự trên tuyến biên giới Lạng Sơn, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

(Còn nữa)