35 “sưa tặc” bị đòi bồi thường giá trị lớn

(ANTĐ) - Hôm qua 29-3, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử 35 bị cáo bị truy tố về tội trộm cắp tài sản. Ngoài tội danh trên một số bị cáo còn bị truy tố về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Ngày đầu xét xử vụ án trộm cắp gỗ sưa ở Hà Nội:

35 “sưa tặc” bị đòi bồi thường giá trị lớn

Đối chất lời khai, bị cáo Đào Văn Đằng phải thừa nhận hành vi phạm tội

(ANTĐ) - Hôm qua 29-3, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử 35 bị cáo bị truy tố về tội trộm cắp tài sản. Ngoài tội danh trên một số bị cáo còn bị truy tố về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

35 bị cáo “sưa tặc” đứng trước vành móng ngựa
35 bị cáo “sưa tặc” đứng trước vành móng ngựa

Trong ngày xét xử đầu tiên (29-3), 24 bị cáo bị tạm giam và 11 bị cáo tại ngoại đã có mặt đầy đủ. Phần thủ tục khai mạc phiên tòa và công bố cáo trạng đã chiếm hết buổi làm việc sáng qua. Chiều cùng ngày, HĐXX bước sang phần xét hỏi và thẩm vấn công khai. Theo nội dung cáo trạng, từ giữa tháng  7-2009 đến giữa tháng 9-2009, tại địa bàn Hà Nội liên tục xảy ra các vụ trộm cắp cây gỗ sưa đỏ thuộc “Danh mục quý hiếm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại”.

Quá trình điều tra đã phát hiện, làm rõ ổ nhóm chuyên chặt trộm và tiêu thụ gỗ sưa gồm 37 đối tượng do Nguyễn Xuân Tuấn, Đào Văn Đằng (xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội) cầm đầu. Tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận mặc dù biết gỗ sưa là loại cây quý hiếm nhưng do cần tiền tiêu nên cả nhóm đã bàn nhau đi mua sắm cưa tay, cưa máy, dây thừng rồi đi tìm cây gỗ sưa trên các tuyến phố để chặt hoặc trộm cắp đồ gia dụng làm bằng gỗ sưa đem bán. Tổng cộng, các bị cáo đã thực hiện 17 vụ trộm cây gỗ sưa (trong đó có một số vụ không thành) và một số cây cảnh có giá trị.

Chiều qua, HĐXX đã tập trung xét hỏi các bị cáo trong 6 vụ đầu tiên. Điển hình là vụ ngày 15-10-2007, Đào Văn Đằng, Đào Văn Dũng, Đào Hữu Khiêm, Đỗ Vũ, Đào Văn Quyết bàn nhau đi cưa trộm cây sưa 100 năm tuổi trong khuôn viên chùa Trầm (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), bán được 17 triệu đồng. Ngày 19-2-2008, cả bọn đến đền thờ Hai Bà Trưng (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) cưa trộm một cây sưa trong khuôn viên đền nhưng bị phát hiện nên bỏ chạy.

Đi dò la, biết được cây gỗ sưa từng bị đốn hạ đang được cất trong nhà kho của đền nên 4 tháng sau, cả bọn đã đột nhập dùng kìm cộng lực cắt khóa cửa kho, lấy trộm thân gỗ sưa đem bán được 25 triệu đồng. Cả hai vụ, nhóm này đều bán cho Nguyễn Viết Thìn (SN 1964, cùng trú tại xã Cao Viên), sau đó Thìn đem bán cho một đôi vợ chồng người Trung Quốc…

Đào Văn Đằng là bị cáo đầu tiên trong vụ án được HĐXX gọi lên thẩm vấn. Tuy nhiên, trước vành móng ngựa, Đằng không thừa nhận đã thực hiện hành vi phạm tội với vai trò là người chủ động “nghĩ” ra trò trộm cắp cây sưa, chủ động cùng đồng phạm đi mua cưa... rồi cùng nhau đi chặt trộm cây sưa về bán. Để làm rõ hành vi này, chủ tọa phiên tòa - Thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân đã cho đối chất lời khai với các bị cáo khác là Dũng, Tiếp… ngay tại phiên tòa, buộc Đằng phải thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Các bị cáo tham gia 6 vụ trộm cây sưa trong tổng số 17 vụ được đưa ra xét hỏi trong chiều qua hầu hết đều thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội theo như cáo buộc của cơ quan công tố.

Liên quan đến việc đòi bồi thường những cây sưa bị chặt trộm ở chùa Trầm (thuộc xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ) và di tích đền Hai Bà Trưng (thuộc quận Hà Đông), HĐXX cho hay: Sau khi xảy ra các vụ chặt trộm cây sưa, UBND xã Phụng Châu (huyện Chương Mỹ) đã đòi bồi thường cây sưa bị mất trộm ở chùa Trầm với giá là 200 triệu đồng; ngoài ra, Ban quản lý di tích đền Hai Bà Trưng cũng đòi bồi thường cây sưa bị mất trộm với giá 150 triệu đồng. Tuy nhiên, theo Hội đồng định giá tài sản quận Hà Đông, thì cây sưa này chỉ có giá 39 triệu đồng. Việc xem xét bồi thường tài sản bị thiệt hại, HĐXX sẽ xem xét và quyết định trong những ngày sắp tới.

Phiên tòa tiếp tục vào sáng nay. ANTĐ sẽ đăng tải những diễn biến xung quanh phiên xử đến bạn đọc.

Thanh Quang