30 phút ‘cân não’ tìm kiếm nam sinh viên ở Hà Nội mắc bẫy ‘thao túng tâm lý’, trốn vào nhà nghỉ… cố thủ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đúng 30 phút kể từ khi tiếp nhận trình báo, lực lượng Công an phường Bạch Mai (Hà Nội), đã làm rõ bản chất sự việc, phối hợp tìm được 1 nam sinh viên đang…cố thủ trong nhà nghỉ, vì bị kẻ xấu “thao túng tâm lý”.

Sự việc xảy ra trưa nay, 25-7. Trung tá Vũ Thái Sơn –Trưởng Công an phường Bạch Mai cho biết: khoảng 12h, Công an phường tiếp nhận trình báo của ông N.Đ.T (SN 1969, trú tại phố 8/3 phường Bạch Mai), về việc con trai ông là N.M.Q (SN 2007), bị một nhóm người tự xưng là Cơ quan điều tra, yêu cầu phải chuyển khoản 150 triệu đồng để chứng minh vô tội.

Hình ảnh cháu Q. "bị khống chế bắt lên xe khách để mang bán sang Campuchia", mà các đối tượng lừa đảo tạo dựng, gửi để uy hiếp tinh thần thân nhân nam sinh viên

Hình ảnh cháu Q. "bị khống chế bắt lên xe khách để mang bán sang Campuchia", mà các đối tượng lừa đảo tạo dựng, gửi để uy hiếp tinh thần thân nhân nam sinh viên

“Ngay khi tiếp xúc với ông T., chúng tôi đã xác định người đàn ông này và thân nhân đang rơi vào kịch bản lừa đảo tinh quái, đang có xu hướng lây lan ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, người trong cuộc như ông T. lại không dễ nhận ra mình bị lừa. Bằng chứng là tâm trạng lo lắng, hốt hoảng, bởi ông T. tường trình con trai ông đang bị khống chế, bị đánh và đang ở trên xe khách để di chuyển sang Campuchia”, Trung tá Vũ Thái Sơn nhớ lại.

Cùng với đơn trình báo, ông T. cung cấp đến Công an phường Bạch Mai hình ảnh con trai ông, cháu N.M.Q, và 1 chiếc xe khách chạy tuyến đường dài, trên xe lác đác hành khách. “Họ liên tục đe dọa, chửi và bắt vợ chồng tôi phải chuyển 150 triệu đồng, nếu không sẽ bán con tôi sang bên kia biên giới”, ông T. cố giữ bình tĩnh để kể lại một vài chi tiết, trong đó có cả tin nhắn qua ứng dụng Zalo mà cháu Q. gửi, giục bố mẹ nhanh chóng chuyển tiền.

Tổ công tác CAP Bạch Mai tham gia cuộc kiếm tìm cháu Q.

Tổ công tác CAP Bạch Mai tham gia cuộc kiếm tìm cháu Q.

Một mặt động viên ông T., chỉ huy Công an phường Bạch Mai huy động gần 10 cán bộ, chiến sỹ, chủ công là Tổ phòng, chống tội phạm, khẩn trương rà soát, dựng lại di biến động của cháu Q., từ sau thời điểm cháu đột nhiên vắng nhà, sáng cùng ngày.

Theo lời kể của mẹ cháu Q., thì sáng hôm ấy, Q. khoe đã tìm được việc làm qua một trang mạng xã hội. Công việc khá nhàn hạ, đúng với chuyên ngành nam sinh viên vừa tốt nghiệp; tuy nhiên, “nhà tuyển dụng” yêu cầu phải nộp 150 triệu đồng để giữ chỗ.

Thư cảm ơn CAP Bạch Mai của bố cháu Q

Thư cảm ơn CAP Bạch Mai của bố cháu Q

Mẹ cháu Q. đã chuyển cho con trai 150 triệu đồng qua tài khoản, và sau đó, Q. đã thông báo với “nhà tuyển dụng” về việc này. Lập tức, “nhà tuyển dụng” nói phải giữ số tiền đó trong tài khoản ít nhất 30 phút, và tuyệt đối không được liên lạc với ai. May mắn, không hiểu vì sao, cháu Q. chỉ làm theo một nửa yêu cầu của “nhà tuyển dụng”, là rời khỏi nhà, cắt đứt liên lạc với người thân, nhưng trước đó, cậu đã chuyển khoản lại cho mẹ toàn bộ số tiền 150 triệu đồng!

Trở lại cuộc kiếm tìm, rà soát của Công an phường Bạch Mai; bằng công tác phát động quần chúng nhân dân, kết hợp lần tìm dọc những tuyến đường trên địa bàn, sang cả các phường giáp ranh, đến khoảng hơn 13h, lực lượng Công an phường đã tìm được nơi cháu Q. đang cố thủ, là 1 nhà nghỉ ở đường Kim Ngưu, phường Vĩnh Tuy. Cánh cửa phòng mở ra, trông thấy bố mẹ và các chú Công an, Q. mới dần lấy lại được bình tĩnh. Và cũng ngay sau đó, những đối tượng tự xưng là “Cơ quan điều tra”, đã chặn liên lạc với bố mẹ cháu Q.

Chỉ huy Công an phường Bạch Mai nhấn mạnh, qua sự việc này và rất nhiều thủ đoạn lừa đảo trên mạng, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, đồng thời chủ động tuyên truyền cho người thân, bạn bè về phương thức, thủ đoạn tội phạm.

Để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương; tuyệt đối không gọi điện yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng hoặc cài đặt phần mềm để phục vụ điều tra. Các nhà trường cũng cần thường xuyên đẩy mạnh, tuyên truyền cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo cho học sinh, sinh viên để nâng cao nhận thức phòng chống lừa đảo. Đặc biệt là các học sinh, sinh viên, người trẻ cần tự trang bị cho mình kỹ năng nhận diện chiêu trò lừa đảo. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bất thường, cần báo ngay cho cơ quan Công an…