Ngày 5-5, chị Vũ Lệ trú tại phường Đông Hải 2, quận Hải An (Hải Phòng) cho biết, khoảng 22 giờ, ngày 3-5, cháu Linh (con gái của chị) phát hiện dưới nền nhà có một con côn trùng lạ, màu nâu, rìa thân và trên cánh có sọc màu vàng. Vợ chồng chị Lệ lại gần, bắt lên xem, phát hiện đó là con bọ xít hút máu mà trước đó ngày 1-5, gia đình chị này cũng bắt được một con đang bò gần tủ giầy, dép.
Sau khi phát hiện ra bọ xít hút máu xuất hiện trong nhà, gia đình chị Lệ tổng kiểm tra tất cả các đồ đạc trong nhà, thậm chí dùng bình xịt côn trùng xịt vào các góc tối nhưng không phát hiện ra con bọ xít nào khác.
Cũng theo chị Lệ, giữa năm 2010, gia đình chị bắt được 3 con bọ xít hút máu, bay vào trong nhà. Hiện tại, 1 trong số 2 con bọ xít vẫn đang được gia đình chị Lệ nhốt trong lọ nhựa.
Bọ xít hút máu xuất hiện trong gia đình chi Lệ
Được biết, khu vực đằng sau nhà chị Lệ là cả khu đất trống rộng hàng chục ha, cây dại và cỏ mọc um tùm.
Theo GS.TS Vũ Quang Côn, Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam, so với những loại côn trùng khác như ruồi, muỗi, bọ xít hút máu người là loại côn trùng nguy hại, đang phát triển nhanh tại nhiều tỉnh thành phố trong cả nước. Đây là loài bọ xít truyền ký sinh trùng cho người, gây bệnh Chagas - một loại bệnh tim mạch, thần kinh. Người nhiễm ký sinh trùng này có biểu hiện mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu và ngủ vặt nhiều. Hầu hết, không ai tử vong ngay mà chết từ từ do sức khỏe suy yếu dần…
Các chuyên gia y tế Việt Nam nhận định và đưa ra khuyến cáo, bọ xít hút máu người xuất hiện tràn lan và không được kiểm soát như hiện nay, khó đoán định được chúng sẽ gây hiểm họa như thế nào. Người dân khi bị bọ xít hút máu đốt không nên gãi để tránh nhiễm khuẩn, sưng tấy. Nếu vết bọ xít cắn sưng to, kèm theo sốt, người dân cần đi đến các trung tâm y tế, bệnh viện để được điều trị.
Con bọ xít hút máu người, chị Lệ bắt được ngay tại nhà