136 cánh thư huyền thoại

ANTĐ - Ở Bảo tàng Quân khu 4 (TP Vinh, Nghệ An) hiện nay vẫn đang lưu giữ 136 bức thư gói trọn yêu thương là minh chứng hùng hồn cho tình yêu của liệt sỹ Nguyễn Anh Mậu với vợ là chị Hoàng Thị Síu. Những bức thư này được anh Mậu gửi cho chị Síu trong khoảng thời gian từ 1963 -1968.
136 cánh thư huyền thoại ảnh 1
136 lá thư của liệt sỹ Nguyễn Anh Mậu gửi về cho vợ hiện đang được trưng bày
tại bảo tàng Quân khu 4 (ảnh tư liệu ở Bảo tàng Quân khu 4)

Tình yêu trong bom đạn

Sinh ra tại Yên Mỹ (Hưng Yên), năm 1965 chàng trai Nguyễn Anh Mậu nhập ngũ và trở thành chiến sỹ Quân y Đoàn 559 (thuộc một đơn vị vận tải Trường Sơn). Hành trang mang theo là tình yêu của chị - Hoàng Thị Síu, người con gái cùng quê, cùng với một quyết tâm chiến đấu vì đất nước, vì nỗi khát khao hạnh phúc, đoàn tụ. Lá thư đầu tiên viết cho chị Síu vào hồi 20 giờ, ngày 13-4-1965, anh viết: “Chỉ biết đi, đi bộ đội, thế thôi, còn chẳng biết là đi đâu, đóng quân ở nơi nào...”. Ở vào thời điểm ấy, bước chân đi là bước chân vào cái ranh giới mỏng manh giữa sự sống và cái chết nhưng họ vẫn không hề đắn đo, tính toán. Lời anh nói với người yêu như là mệnh lệnh của non sông đất nước.

Những bước chân anh trải khắp các nẻo đường và đến đâu anh cũng viết thư cho chị. Mỗi bức thư được anh gửi từ các địa chỉ khác nhau dọc khắp các chiến trường. Anh kể cho chị nghe về cuộc sống chiến trường cam go, cực khổ nhưng ấm tình đồng chí, đồng đội. Bày tỏ nỗi nhớ nhung da diết anh dành cho chị, cho quê hương và khát khao ngày đoàn tụ dưới một mái nhà có hơi ấm và bàn tay yêu thương của chị. 

Ngày 9-5-1965, từ miền đất Quảng Bình lá thư mở đầu bằng một tiếng gọi thân thương : “Síu em yêu quý! Qua bảy đêm không ngủ, vượt đủ mọi khó khăn anh đã tới nơi đây. Nơi đây họ sẽ giao quân để tất cả các đoàn xe quay về Hà Nội, anh thanh thản viết thư cho em”. Trong mưa bom, bão đạn, trong cái tàn khốc của khói lửa chiến tranh, người con trai ấy vẫn “thanh thản” gửi về chị những cánh thư đong đầy yêu thương và những nỗi chờ mong, khắc khoải. Tình yêu của họ vẫn cứ ươm mầm, nảy nở. Không lơ là nhiệm vụ, không quên sứ mệnh thiêng liêng cao cả của mình và cũng không quên nhớ về chị. Những lúc có thời gian, anh Mậu vẫn đều đặn viết thư cho chị Síu. Mỗi dòng thư là nỗi lòng mong nhớ người yêu đến cháy bỏng: “Síu ơi, anh tính bấm đốt ngón tay hàng ngày mong đợi tin em. Anh mong cho chiến tranh mau chóng kết thúc để chúng ta được sống gần nhau... ”.

Bao nhiêu lần tiễn cánh thư đi là bấy nhiêu lần anh hồi hộp ngóng chờ trong đợi trông, phấp phỏng để mỗi lần nghe người ta báo tin có thư của chị, hạnh phúc như vỡ òa trong tim anh. 

Sợ chị Síu ở nhà buồn, anh Mậu không quên dặn: “Em vẫn phải đi chơi đây đó, xem phim ảnh và những gì giải trí cho tâm hồn thoải mái. Đừng trầm ngâm, đăm chiêu và buồn phiền. Nếu không thanh thản, sinh ốm đau thì lại khổ vì em phải sống một mình trong lúc xa anh”. Những lời dặn dò chân tình, mộc mạc mà trọn vẹn yêu thương. Không cùng trên một chiến tuyến, không ở cạnh nhau nhưng anh vẫn không ngừng lo lắng cho người yêu. Như thế mới biết tình yêu anh dành cho chị lớn lao và sâu sắc biết chừng nào. 

Nơi hậu phương, chị Síu vẫn chờ anh bằng tình yêu son sắt, thủy chung của một người con gái. Những lá thư của anh được chị nâng niu đón nhận và đáp trả bằng tất cả tấm lòng. Cứ thế, tình yêu ấy lớn dần theo những năm tháng của một thời hoa lửa, vượt qua cái chết, vượt qua mưa bom bão đạn bằng yêu thương, bằng niềm tin và cả trách nhiệm với non sông đất nước.

136 cánh thư huyền thoại ảnh 2
Liệt sỹ Nguyễn Anh Mậu (hồi trẻ) và chị Hoàng Thị Síu
(ảnh tư liệu ở Bảo táng Quân khu 4)

Hạnh phúc tày gang 

Hai năm yêu xa trong cái thời loạn lạc của đất nước, cuối cùng tình yêu của anh Nguyễn Anh Mậu và chị Hoàng Thị Síu cũng đơm hoa kết trái bằng một đám cưới nhẹ nhàng, giản dị trong sự chúc phúc của gia đình, bạn bè, đồng đội vào ngày 27-6-1967. Đám cưới thời chiến tranh cũng vội vàng, chóng vánh. Bên nhau mấy ngày ngắn ngủi, anh lại phải lên đường nhận nhiệm vụ mới với những thử thách, gian khổ, khốc liệt hơn. Trong ngày hạnh phúc, anh nói với chị 5 điều về lẽ sống vợ chồng, nguyện suốt đời thủy chung, son sắt, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau để cùng nhau xây đắp tổ ấm và nuôi nấng, dạy dỗ các con nên người. Chỉ có thế thôi, anh chia tay người vợ trẻ của mình lao vào khói lửa.

Dù ý thức rất rõ sự nghiệt ngã của chiến tranh, dù biết mình đang bước trên lằn ranh mỏng manh giữa sự sống và cái chết, dù cả hai đều biết sẽ có thể mất nhau mãi mãi, anh vẫn không ngừng động viên chị qua những bức thư: “Vì nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước nên anh và em cũng phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống để giành lại cuộc đời hạnh phúc cho toàn dân, trong đó có cả của anh, của em...”, và anh hứa: “... ra đi anh sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ trở về vì trách nhiệm chống Mỹ cứu nước cao hơn cả em ạ... Vắng anh, em phải coi anh luôn ở bên em, chúng ta cùng nhau giúp thêm nghị lực để chiến thắng tất cả... Nhớ em nhiều lắm nhưng tạm xếp trong lòng chứ biết làm sao được... Em thì cứ thích anh về bên em một tý. Ai chẳng muốn, ai chẳng thèm khát cuộc sống như thế nhưng vì nhiệm vụ cứu nước cũng đành hy sinh một phần nho nhỏ của chúng mình...”. Rồi anh cũng không quên an ủi, tiếp thêm niềm tin cho chị: “Síu ạ! Vì chiến tranh, chúng mình có thiệt thòi mọi mặt, nhất là về tình cảm em nhỉ. Đó là tất nhiên em ạ. Trong giai đoạn lịch sử vĩ đại này, việc giải phóng miền Nam là thời cơ hiếm có. Rồi mai đây cách mạng thành công, chúng ta còn có một ít vốn để nói chuyện với con cháu chứ”. Giống như bao đồng đội, anh coi chuyện bị thiệt thòi là một việc đương nhiên, thậm chí tất cả những khó khăn gian khổ mà anh chị phải gánh chịu được xem là “vốn liếng” cho sau này, cái vốn liếng mà thế hệ anh và cả thế hệ con cháu sau này đều tự hào.

Chị vẫn một lòng chờ đợi. Còn anh, miệt mài chiến đấu vì lý tưởng, vì quyết tâm chiến thắng và giấc mơ đoàn viên. Nhưng nào ngờ, giấc mơ ấy đã vĩnh viễn nằm lại cùng anh nơi chiến trường đầy máu lửa. 

Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang. Anh Mậu hy sinh 1 năm sau ngày cưới, khi vợ chồng còn chưa kịp bén hơi nhau, bỏ lại chị bơ vơ với nỗi đau của một hạnh phúc dang dở.

Tháng 10-2004, chị Síu (hiện đang sống tại Hà Nội) đã bàn giao toàn bộ 136 bức thư của liệt sỹ Nguyễn Anh Mậu cho Bảo tàng Quân khu 4 với mong muốn tìm được hài cốt của anh. Đọc những bức thư anh viết, cảm nhận trọn vẹn tình yêu vô bờ bến của anh dành cho chị, chúng tôi thầm cầu mong cho hy vọng của chị sớm thành hiện thực để phần nào xoa dịu nỗi đau mà chị đã một mình gánh chịu suốt hơn 40 năm qua, để quãng đời còn lại, linh hồn anh mãi luôn bên cạnh người vợ thân yêu.