100% nước uống vỉa hè nhiễm khuẩn độc

ANTĐ - Nhiều người sẽ bất ngờ khi biết rằng 90% mẫu nước uống bày bán tại vỉa hè Hà Nội (được kiểm tra ngẫu nhiên) bị phát hiện nhiễm khuẩn E.coli, 100% mẫu nhiễm vi khuẩn gây nhiễm độc, nhiễm bẩn thực phẩm và hơn 33% số lượng mẫu có chứa hàm lượng kim loại nặng vượt mức cho phép như chì, thủy ngân, cadimi…

Kết quả kiểm tra cho thấy trong trà đá vỉa hè Hà Nội chứa nhiều nguy cơ gây hại

Bẩn như nhân trần, trà chanh

Đầu tháng 7 vừa qua, Trung tâm Kiểm nghiệm và Hợp chuẩn – Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam đã lấy mẫu độc lập và ngẫu nhiên một số loại nước uống đường phố thông thường bao gồm trà đá, trà Bát bảo, nước mía, nước nhân trần, nước vối cũng như các mẫu nguyên liệu khô tiền pha chế (như nhân trần khô), tại nhiều tuyến phố của Hà Nội như Đê La Thành, Cát Linh, Hoàng Cầu, Lãn Ông… Kết quả cho thấy, có đến 90% số lượng mẫu nhiễm khuẩn E.coli – loại vi khuẩn nguy hiểm được tìm thấy trong phân, có thể gây ngộ độc cấp tính ở người, làm tăng nguy cơ mắc bệnh đường ruột, điển hình là tiêu chảy; 100% số lượng mẫu nhiễm B.cereus – loại vi khuẩn gây nhiễm độc, nhiễm khuẩn thực phẩm, được xem là căn nguyên gây ngộ độc thực phẩm ở các nước phát triển và đang phát triển. Trong khi có đến 45% số lượng mẫu được kiểm tra đã vượt quá giới hạn về nấm mốc, nấm men. Và số lượng mẫu chứa hàm lượng kim loại nặng vượt ngưỡng cho phép chiếm 33%.

Theo PGS. TS Hồ Bá Do – Phó Viện trưởng Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam, nước uống vỉa hè thiếu an toàn nhưng vẫn được ưa chuộng do nhiều người cho rằng, ngộ độc thực phẩm thường chỉ bắt nguồn từ thức ăn. Nhưng thực ra, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe từ nước giải khát vỉa hè là rất lớn. Do quá trình hình thành và phát bệnh không diễn ra ngay lập tức nên người sử dụng luôn có tâm lý chủ quan. PGS. TS Hồ Bá Do cho biết, trong các mẫu nước trà xanh, mẫu nhân trần khô và nước nhân trần được kiểm tra ngẫu nhiên, hàm lượng chì đều gấp nhiều lần giới hạn cho phép. Hàm lượng thủy ngân trong loại nước này cũng vượt tiêu chuẩn của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống. Đặc biệt cơ quan chức năng còn phát hiện, trong các tháng mùa xuân và mùa thu, do thiếu ánh sáng mặt trời nên nhiều nơi đã phun hóa chất để cây nguyên liệu tiền pha chế nhanh héo, khô. Sau đó trong quá trình buôn bán, người kinh doanh lại “ướp” thêm một lượng hóa chất chống mốc để bảo quản. 

Độc vì đâu?

Vì sao nước giải khát vỉa hè lại bẩn và chứa nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe đến vậy? Để tìm câu trả lời, phóng viên Báo ANTĐ đã đi sâu tìm hiểu về nguyên liệu, cách thức pha chế các loại nước này. Nguyên nhân đầu tiên là việc trên thị trường đang sử dụng nhiều loại bột, dầu hương liệu không rõ nguồn gốc. Một phụ nữ từng được thuê bán hàng tại quán trà chanh khu vực cầu vượt Ngã Tư Sở cho biết, các loại phụ gia có thể mua tại nhiều chợ, cửa hàng tạp hóa, với giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng/kg. Với đầy đủ màu, mùi và vị của các loại trái cây, rau củ quả như (cam, xoài, nho, nha đam, rau má…), người bán chỉ cần pha vài gram cho mỗi cốc là có thể đánh lừa vị giác người sử dụng. Đơn cử như trà chanh – loại nước uống đang được ưa chuộng thì các lát chanh được bỏ vào cốc chỉ có tác dụng… trang trí. Tại nhiều quán giải khát, thứ bột hương liệu có xuất xứ từ Trung Quốc được dùng phổ biến bởi sự tiện dụng và siêu rẻ. Khi áp dụng công thức pha chế này, người bán cũng không phải mất công lựa chọn loại chanh không có vị đắng và có thể kết hợp với đường hóa học để nhanh chóng làm ra một cốc nước uống chỉ sau vài giây.

Trong khi, việc bảo quản và sử dụng máy móc, công cụ pha chế nước uống vỉa hè thường không đảm bảo vệ sinh. Giống như loại máy vẫn dùng để ép nước mía siêu sạch, nhìn bề ngoài có vẻ sáng bóng và che đậy cẩn thận, nhưng từ lúc sử dụng đến khi hỏng không hề được cọ rửa. Đó là chưa kể đến việc người bán vừa cầm tiền, vừa cầm trực tiếp vào cây mía, đá hoặc sử dụng đá được làm từ nguồn nước bẩn chưa qua xử lý. Đó là lý do tại sao, đại diện Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đánh giá: khó đếm hết lượng vi khuẩn trong nước mía vỉa hè.