10 năm tới, Hà Nội sẽ có doanh nghiệp công nghiệp quy mô đa quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước mắt, Hà Nội xác định ưu tiên tập trung phát triển các ngành có sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố như: công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, thiết bị điện - điện tử, công nghệ sinh học, dược phẩm...
Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội)

Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội)

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng vừa ký ban hành Kế hoạch số 204-KH/TU của Thành ủy về “Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”.

Theo đó, Hà Nội đặt ra mục tiêu trong 10 năm tới sẽ trở thành thành phố có ngành công nghiệp theo hướng hiện đại; phát triển các ngành sản xuất công nghiệp có chọn lọc, đột phát vào những ngành, sản phẩm sử dụng công nghiệp hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, hàm lượng chất xám cao.

Về mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, Kế hoạch của Thành ủy Hà Nội đề ra như sau: Tỷ trọng giá trị công nghiệp chiếm trên 70% giá trị lĩnh vực công nghiệp - xây dựng; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong công nghiệp đạt trên 90%;

Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 80%; Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng đạt bình quân trên 9-10%/năm;

Đặc biệt, Hà Nội phấn đấu xây dựng một số cụm liên kết ngành công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế...

Về các nhiệm vụ, giải pháp, thành phố Hà Nội sẽ rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lại ngành công nghiệp của thành phố đảm bảo đồng bộ, phù hợp với quy hoạch chung.

Từ nay đến 2030 và tầm nhìn đến 2045, Hà Nội sẽ tập trung triển khai thành lập, xây dựng mới và hoàn thiện đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố để phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, tập trung phát triển các khu công nghệ cao, khu, cụm công nghiệp mới theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020 và có xét tới năm 2030 đã được phê duyệt.

Một vấn đề đáng chú ý khác liên quan đến phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, kế hoạch của Thành ủy Hà Nội nêu rõ, trước mắt, sẽ xác định ưu tiên các ngành có sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố như: công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, thiết bị điện- điện tử, công nghệ sinh học, dược phẩm, mỹ phẩm cao cấp, chế biến nông – lâm – thủy sản, sản xuất và sử dụng vật liệu mới...

Giai đoạn đến năm 2030, tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp: công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới; công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.