1 năm “hậu” Gaddafi, Libya vẫn bất ổn

ANTĐ - Ngày 20-10 đánh dấu tròn một năm nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi bị giết hại và lịch sử đất nước Libya bước sang giai đoạn mới. Tuy nhiên, một bức tranh ảm đạm vẫn đang bao trùm Libya thời kỳ hậu Gaddafi khi tiếng súng vẫn nổ ra thường xuyên tại nhiều thành phố của quốc gia Bắc Phi giàu tài nguyên dầu mỏ này.

Các tay súng trong cuộc giao tranh ở Bani Walid ngày 20-10

Trong ngày 20-10, đã xảy ra giao tranh đẫm máu giữa lực lượng an ninh Libya với các tay súng tại thị trấn Bani Walid - một trong những thành trì cuối cùng của ông Muammar Gaddafi. Người phát ngôn Quốc hội Libya Omar Hamidan xác nhận, Khamis Gaddafi, 29 tuổi, con trai út của nhà lãnh đạo bị lật đổ Muammar Gaddafi đã tử vong do bị thương nặng trong một đợt đấu súng với quân đội chính phủ tại thị trấn này. Cuộc đụng độ giữa lực lượng chính phủ và các nhóm vũ trang ở Bani Walid trong tuần qua đã làm ít nhất 26 người thiệt mạng và hơn 2.000 người bị thương.

Một năm qua, cuộc sống bình thường đã dần trở lại ở Libya. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, một bức tranh ảm đạm vẫn đang bao trùm quốc gia Bắc Phi này thời kỳ hậu Gaddafi. Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp trên cả nước, ông Mohammed Megaryef, Chủ tịch Quốc hội Libya cho biết, chiến dịch giải phóng đất nước vẫn chưa hoàn thành. Những tàn tích của chế độ cũ đã thâm nhập vào các cơ quan nhà nước và âm mưu chống lại chính quyền với sự giúp đỡ của những phần tử ở nước ngoài. Các báo cáo mới đây cho thấy, các vụ bạo lực đã gia tăng trong những tuần gần đây ở cả Thủ đô Tripoli và thành phố lớn thứ hai Benghazi. 

Cùng với đó, tình trạng sở hữu vũ khí tràn lan cũng đang là một thách thức đối với Libya khi quốc gia này “tràn ngập các loại vũ khí, từ đạn dược, súng cối đến ngư lôi và tên lửa đất đối không”. Nhiều nhóm dân quân và cả các cá nhân không muốn giao nộp vũ khí và tình trạng này là một trong những nguyên nhân khiến bạo lực không thể được kiểm soát. Điển hình là vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi hôm 11-9 làm Đại sứ Mỹ thiệt mạng. 

Trong khi đó, lực lượng an ninh non trẻ của Libya được trang bị hết sức thô sơ trước nhiều thách thức mà họ đang phải đối mặt, gây lo ngại cho triển vọng an ninh của nước này. Bên cạnh đó, sự chậm trễ trong việc cải cách tư pháp đã gây cản trở hòa giải dân tộc, các vấn đề xung đột giữa các bộ tộc, các mối hận thù lịch sử giữa người Arập với các cộng đồng thiểu số cũng là các tác nhân làm khoét sâu thêm mâu thuẫn nội bộ Libya và gây nguy cơ bùng phát các vòng xoáy bạo lực mới.