Nhiều phụ huynh vẫn chờ vaccine dịch vụ

ANTĐ - Trước tình trạng nhiều phụ huynh đưa con đi tiêm muộn so với lịch tiêm vì chờ vaccine dịch vụ, ngày 9-3, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế ra khuyến cáo các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh ho gà lúc trẻ được 2 tháng tuổi, tiêm vaccine sởi khi trẻ đủ 9 tháng tuổi để phòng bệnh đạt hiệu quả cao nhất. 

Nhiều phụ huynh vẫn chờ vaccine dịch vụ ảnh 1Chủ động đưa trẻ đi tiêm vaccine đúng lịch để phòng bệnh

Tiêm đúng lịch mới hiệu quả

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện có một số bà mẹ chưa đưa con đi tiêm phòng bệnh ho gà vì còn chờ vaccine Hexa-infarix (“vaccine 6 trong 1” gồm Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Bại liệt, Viêm gan B, Hemophilus influenza tuýp B)  và vaccine Pentaxim (“vaccine 5 trong 1” gồm  Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Bại liệt , Hemophilus influenza tuýp B) với hình thức tiêm vaccine dịch vụ. Tuy nhiên, theo thông báo của các nhà sản xuất, khả năng cung cấp các vaccine dịch vụ trong năm 2015 là rất hạn chế với khoảng 30.000 liều vaccine Hexa-infarix (bằng 1/10 số cung cấp trong năm 2014) và khoảng 250.000 liều vaccine Pentaxim. 

Ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lúc trẻ được 2 tháng tuổi là thời điểm kháng thể phòng bệnh ho gà mẹ truyền cho con bắt đầu hết và tiêm phòng cho trẻ vào thời điểm này là tốt nhất để trẻ có miễn dịch. Do vậy, các bà mẹ hãy đưa con em mình đi tiêm chủng đủ 3 mũi vaccine Quinvaxem (vaccine 5 trong 1) thuộc chương trình Tiêm chủng mở rộng đúng lịch vào lúc trẻ được 2 tháng tuổi, chứ không nên chờ vaccine dịch vụ.

Tương tự, với vaccine phòng bệnh sởi, PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính có khả năng lây truyền rất mạnh, đặc biệt ở lứa tuổi nhỏ. Lịch tiêm vaccine sởi đơn trong chương trình tiêm chủng mở rộng là 2 liều, liều thứ nhất cần bắt đầu sớm ngay khi trẻ đủ 9 tháng tuổi, liều thứ 2 khi trẻ được 18 tháng tuổi. Nếu tiêm vaccine muộn, trẻ sẽ có nguy cơ rất cao bị mắc bệnh sởi trước khi được tiêm chủng.

Còn thiếu vaccine dịch vụ kéo dài

Liên quan đến tình hình khan hiếm, thiếu vaccine dịch vụ đang xảy ra trên cả nước, ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cho biết, mới đây Cục này nhận được thông tin từ nhà sản xuất các vaccine phối hợp phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và bệnh do Hib có thay đổi về cơ sở sản xuất nên số lượng và thời gian vaccine nhập khẩu về Việt Nam có thay đổi so với kế hoạch. 

Vaccine là một loại sinh phẩm, không thể để lâu, không chế biến lại được. Vì vậy, chỉ khi các cơ sở tiêm vaccine dịch vụ đặt hàng, các doanh nghiệp dược mới đi đặt hàng và dĩ nhiên lúc đó, các hãng sản xuất mới bắt tay vào sản xuất. Như vậy độ lùi thời gian giữa lúc nhu cầu rộ lên và vaccine về đến cơ sở tiêm dịch vụ thông thường phải khoảng 3 tháng. Do đó sẽ xảy ra hiện tượng khan hiếm cục bộ vaccine” - ông Nguyễn Tất Đạt phân tích.

Cục Quản lý dược khuyến cáo, người dân không nên quá lo ngại về tình trạng thiếu vaccine dịch vụ bởi các vaccine có khả năng phòng bệnh tương tự như các vaccine dịch vụ này vẫn đang được tiêm miễn phí cho trẻ trên toàn quốc trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Tất cả vaccine trong chương trình đều được giám sát nghiêm ngặt về chất lượng, đảm bảo an toàn theo đúng tiêu chuẩn và được bố trí đủ để phục vụ nhân dân.