Miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu điện

(ANTĐ) - Bộ Công Thương cho biết, dự kiến tốc độ tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ điện năm 2010 cao hơn năm 2009 từ 13-15% do kinh tế phục hồi. Và như vậy, miền Bắc sẽ thiếu khoảng 350-1.200MW vào giờ cao điểm.

Năm 2010:

Miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu điện

(ANTĐ) - Bộ Công Thương cho biết, dự kiến tốc độ tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ điện năm 2010 cao hơn năm 2009 từ 13-15% do kinh tế phục hồi. Và như vậy, miền Bắc sẽ thiếu khoảng 350-1.200MW vào giờ cao điểm.

Mực nước sông Hồng xuống thấp nhất trong vòng hàng trăm năm qua
Mực nước sông Hồng xuống thấp nhất trong vòng hàng trăm năm qua

Theo phương án điều hành của Bộ Công Thương, sản lượng điện sản xuất năm 2010 đạt khoảng 96 tỷ kWh, công suất cực đại đạt 15.600 MW, nhu cầu điện tăng khoảng 15% so với năm 2009. Với nhu cầu điện tăng như trên trong khi tiến độ phần lớn các dự án điện đều chậm so với kế hoạch năm thì nguy cơ thiếu điện của miền Bắc khá rõ rệt.

Theo số liệu của đoàn kiểm tra tình hình thực hiện các dự án điện thuộc Quy hoạch điện VI (tháng 11-2009), dự kiến năm 2010 có 14 nhà máy điện lớn đi vào vận hành với tổng công suất lắp đặt là 3.330MW, trong đó, khoảng 1.400MW dự kiến  vận hành ở các tháng 1 đến tháng 6 và khoảng 2.000MW công suất nguồn vào vận hành ở các tháng 7 đến tháng 12, chưa kể các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ (khoảng 350MW).

Với phương án điều hành khi nhu cầu điện tăng 15% thì mùa khô năm 2010, hệ thống điện miền Bắc có khả năng bị thiếu khoảng 350MW vào giờ cao điểm. Nếu các nguồn nhiệt điện mới của miền Bắc: Nhiệt điện Cẩm Phả (dự kiến vận hành tháng 12-2009), nhiệt điện Quảng Ninh (vận hành vào 2-2010) và nhiệt điện Sơn Động (vận hành tháng 3-2010) đảm bảo tiến độ đề ra thì hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu khoảng 1.200MW.

Bên cạnh đó, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, từ tháng 12-2009 đến tháng 2-2010, miền Bắc hầu như không có mưa, tình hình dự trữ nước cho các hồ thủy điện rất căng thẳng.

Năm 2009, tình hình cung ứng điện căng thẳng tại các tỉnh miền Bắc cũng xuất phát từ nguyên nhân các nhà máy điện chậm tiến độ và do ảnh hưởng của hạn hán. Nước ở 3 hồ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà hiện thấp hơn khoảng 2,6 tỷ mét khối nước so với mực nước dâng bình thường. Theo kế hoạch, năm nay sẽ có khoảng 3.300MW công suất nguồn điện bổ sung lần lượt các tháng trong năm.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mặc dù đã cuối năm nhưng nguồn điện mới được đưa vào vận hành mới đạt khoảng 1.200MW. Ngành điện đang nỗ lực để trong tháng 12 này, công suất mới tăng thêm khoảng 600MW nữa, nâng tổng mức công suất bổ sung lên 1.800 MW, bằng 55% kế hoạch năm. Từ đầu tháng 11-2009 tới nay, do thuỷ điện miền Bắc phát thấp vì hạn hán nên các đường dây truyền tải 500kV Bắc - Nam (Đà Nẵng - Hà Tĩnh, Đà Nẵng - Pleiku) luôn vận hành tới mức giới hạn cho phép, hệ thống điện vận hành trong tình trạng hết sức căng thẳng.

Trong tháng 6 và tháng 7, Hà Nội và một số thành phố lớn bị mất điện do phụ tải tăng cao. Tình hình tương tự cũng xảy ra với các tháng mùa khô năm 2010 nếu tiến độ các dự án nhiệt điện tiếp tục chậm so với kế hoạch.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lên kế hoạch cung cấp điện các tháng mùa khô và cả năm 2010, kế hoạch mua điện từ các nguồn ngoài EVN và vận hành lưới điện truyền tải 500kV liên kết Bắc Nam, ứng phó với trường hợp chậm tiến độ nguồn nhiệt điện ở miền Bắc để đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện các tháng mùa khô và cả năm.

Đồng thời, Bộ này cũng giao Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) chuẩn bị sẵn sàng nguồn khí cấp cho các nhà máy điện chạy khí trong mùa khô. Các cơ quan liên quan có trách nhiệm giám sát chặt chẽ tiến độ các nguồn điện mới năm 2010, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện ở miền Bắc.

Đối với thành phố Hà Nội, năm 2010, thành phố sẽ có hàng hoạt các sự kiện lớn trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội nên EVN chỉ đạo các đơn vị lập kế hoạch cấp điện và đảm bảo cung cấp điện an toàn cho thành phố.                         

Vân Hằng