Không trút gánh nặng lên vai nhà nước

(ANTĐ) - Bình đẳng giới, bảo vệ nhóm người lao động dễ bị tổn thương và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân nhằm thúc đẩy tuyển dụng… là một trong những vấn đề được quan tâm đặc biệt tại buổi làm việc của ngành LĐ-TB &XH về  Đề án phát triển thị trường lao động Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

Phát triển thị trường lao động:

Không trút gánh nặng lên vai nhà nước

(ANTĐ) - Bình đẳng giới, bảo vệ nhóm người lao động dễ bị tổn thương và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân nhằm thúc đẩy tuyển dụng… là một trong những vấn đề được quan tâm đặc biệt tại buổi làm việc của ngành LĐ-TB &XH về  Đề án phát triển thị trường lao động Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

Lao động nữ còn chịu nhiều thiệt thòi và dễ bị tổn thương
Lao động nữ còn chịu nhiều thiệt thòi và dễ bị tổn thương

Bà Lin Lim Lean, chuyên gia của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO và là cố vấn cấp cao của đề án cho rằng: “ Một trong những thách thức lớn nhất không phải là thất nghiệp mà là xấp xỉ 24% người LĐ Việt Nam thuộc nhóm yếu thế (người tàn tật, người nghèo, người nhiễm HIV… ) và 75% LĐ làm việc trong khu vực không chính thức, họ thiếu năng lực ứng phó với những biến động về việc làm. Vấn đề này chỉ có thể được giải quyết căn bản bằng cách phát triển khu vực lao động chính thức theo hướng tích cực và bảo vệ tốt người lao động. Cùng với đó thì công tác thanh tra lao động phải được thực hiện nghiêm ngặt và thường xuyên”.

Người phụ nữ thường là người phải chăm lo, dành nhiều thời gian cho gia đình và cũng là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi hơn nam giới trong tuyển dụng, việc làm. Những mục tiêu phát triển lâu dài của thị trường lao động Việt Nam sẽ không thể đạt được kết quả thực sự nếu không có sự cải thiện mạnh mẽ về bình đẳng giới bởi lực lượng lao động chiếm 50% dân số này sẽ có khả năng làm việc sáng tạo và hiệu quả hơn rất nhiều nếu họ được đối xử bình đẳng, được trang bị kĩ năng và công cụ như nam giới.

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2009 có 30% trong tổng số LĐ thất nghiệp tại Việt Nam là thất nghiệp dài hạn (1 năm trở lên), việc này gây nên không ít hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế.  Luật Bảo hiểm thất nghiệp do đó cần được sửa đổi theo hướng thúc đẩy, khuyến khích người lao động quay trở lại thị trường lao động càng sớm càng tốt chứ không chỉ tập trung vào việc hỗ trợ thất nghiệp. Người LĐ nên được  hỗ trợ học nghề, học việc cũng như tiếp cận với nhiều thông tin tuyển dụng để nhanh chóng thoát khỏi tình trạng thất nghiệp.

Đáng chú ý là tỷ lệ thất nghiệp của LĐ trẻ cao ở mức báo động: Độ tuổi 15-24 chiếm gần 49%, và trong khi nước ta vẫn rất thiếu lao động có trình độ thì có đến 7% tổng số người thất nghiêp có trình độ cao đẳng, đại học. Về vấn đề này, ông Daniel Mont, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế Giới nhận định rằng người  LĐ Việt Nam không chỉ cần được huấn luyện, đào tạo mà phải được huấn luyện, đào tạo đúng, để người LĐ trở nên chủ động, có khả năng thích ứng nhanh và chuyển đổi được giữa các công việc khác nhau.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định: “Không thể đặt nặng trách nhiệm phát triển thị trường LĐ lên vai nhà nước mà quên mất vai trò của doanh nghiệp, mục tiêu của đề án sẽ không thể đạt được nếu chỉ có sự cố gắng, nỗ lực một phía từ Chính phủ. Do đó nhà nước cần tạo điều kiện, môi trường và định hướng cho doanh nghiệp tham gia với tư cách là một chủ thể chủ động tham gia xây dựng và phát triển thị trường này”.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa cho biết: đề án phát triển thị trường lao động Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được Bộ LĐ-TB&XH kết hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế ILO nghiên cứu và phát triển trong hơn 2 năm qua và sẽ được đưa vào áp dụng tháng 4 năm nay.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                     Tùng Yến