“Cò” vé hoành hành, nhà tàu khóa 54.000 chỗ

ANTĐ - Dù Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã áp dụng bán vé điện tử nhưng “cò mồi” vẫn lợi dụng kẽ hở để “ôm” vé. Hơn 54.000 vé đặt chỗ có dấu hiệu khả nghi đã bị khóa. 

Năm nay nghỉ lễ 30-4 và 1-5 dài ngày nên nhu cầu đi lại tăng cao đột biến, vé tàu xe vì vậy cũng trở nên khan hiếm. Dù Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã áp dụng bán vé điện tử nhưng “cò mồi” vẫn hoạt động, lợi dụng kẽ hở để “ôm” vé. Hơn 54.000 vé đặt chỗ có dấu hiệu khả nghi đã bị khóa.                                                                 

Nhà tàu báo hết, “cò” bảo  còn

Những ngày này, nhà tàu luôn phải dùng cụm từ “hết vé”… để trả lời hành khách có nhu cầu mua vé đi lại trong dịp cao điểm nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Truy cập website bán vé tàu trực tuyến (www.dsvn.vn) vào chiều 23-4, tìm hành trình Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Thanh Hóa đi ngày 27-4, vé giường nằm thì tất cả các toa đều hết vé. Thậm chí, ngay cả vé ngồi mềm điều hòa cũng hết. Có mặt ở ga Hà Nội chiều 23-4, hỏi mua vé giường nằm Hà Nội - Thanh Hóa đi ngày 27-4, câu trả lời là đã hết vé; vé Hà Nội - Vinh, giường nằm ngày 27-4 cũng tương tự. 

Đáng nói, mặc dù từ hệ thống bán vé điện tử đến nhà ga đều khẳng định hết vé nhưng tại khu vực ga Hà Nội, cò mồi vẫn hoạt động, chèo kéo hành khách mua vé tàu. Khi hỏi vé tàu Hà Nội - Vinh, đi tối 27-4, giường nằm, một “cò” khẳng định sẽ có vé. Thấy hành khách nghi ngờ về thông tin trên vé tàu, “cò” khẳng định: “Chị yên tâm, vé đầy đủ thông tin, số chứng minh nhân dân và đảm bảo lên tàu đúng số toa, số giường”. “Cò” cho biết, với vé Hà Nội - Vinh, giường nằm đi tối 27-4 chênh so với giá gốc 150.000 đồng/vé. Thông thường, vé “cò” chào mời hành khách thường cao hơn từ 120.000-200.000 đồng/vé so với giá gốc, tùy chặng.

 “Cò” vé hoành hành, nhà tàu khóa 54.000 chỗ ảnh 1

Xếp hàng mua vé tài tại Ga Hà Nội (Ảnh chụp lúc 19h tối 24-4). Ảnh: Ngọc Tuấn

Chiều 23-4, phóng viên đã điện thoại đến 1 đại lý bán vé tàu ngay sát ga Hà Nội, hỏi mua vé Hà Nội - Vinh thì được trả lời, ngày 26-4 còn vé giường nằm, tàu chạy lúc 23h40. Giá vé là 450.000 đồng/vé. Đi ngày 27-4 chỉ còn vé ngồi mềm, giá 290.000 đồng/vé, tàu chạy lúc 23h. Trong khi đó, giá vé của ngành đường sắt bán ra đối với  tàu SE3 (tàu nhanh nhất chạy Hà Nội - Sài Gòn), ghế ngồi mềm điều hòa là 225.000 đồng/vé, vé giường nằm tầng 1, điều hòa là 374.000 đồng/vé. Theo lý giải của đại lý này, mức chênh lệch là… “phí dịch vụ”. 

Còn kẽ hở cho “cò” hoạt động

Dù chưa biết mặt mũi tấm vé “cò” chào mời như thế nào nhưng ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc VNR khẳng định, đó là hành vi lừa đảo. “Sẽ không có vé hợp lệ cho hành khách, đó chỉ là những tấm vé tẩy xóa hoặc vé giả”, ông Đoàn Duy Hoạch cảnh báo. Tại ga Sài Gòn đã phát hiện hiện tượng cò vé tẩy xóa, sửa đổi thông tin cá nhân trên vé. Về hiện tượng các đại lý vẫn còn vé bán lẻ cho khách với giá cao hơn giá niêm yết, lãnh đạo VNR cho hay, nếu các đại lý báo vẫn còn vé  thì chỉ là thu nhặt lẻ tẻ ở các nơi. Hơn nữa, ngành đường sắt đã bỏ hệ thống đại lý bán vé, hiện chỉ duy trì các đại lý bán vé điện tử đã được VNR ủy quyền. “Mỗi số CMND chỉ được đặt tối đa 5 vé. Khi đã hoàn tất, quá 48h mà không xuất vé thì hệ thống sẽ tự động nhả vé về kho. Vì vậy, rất khó để cò “ôm” vé trên mạng rồi bán cho người khác”, ông Đoàn Duy Hoạch nói.

 “Cò” vé hoành hành, nhà tàu khóa 54.000 chỗ ảnh 2

Việc bán vé tàu qua mạng vẫn có kẽ hở cho cò lợi dụng “ôm” vé

Theo quy định hiện hành, hành khách có quyền đặt và giữ chỗ trong vòng 48h mới phải thanh toán tiền. Lợi dụng kẽ hở này, “cò” mồi đã “ôm” vé giữ chỗ và khi tìm được hành khách, cò sẽ hủy vé rồi ngay lập tức lại đăng ký mua. Ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Giải pháp dịch vụ vận tải hành khách (Công ty Giải pháp công nghệ FPT - đối tác xây dựng và vận hành hệ thống bán vé tàu điện tử cho VNR) thừa nhận, có nhiều trường hợp như vậy đã xảy ra. Kể từ khi đưa vào vận hành hệ thống bán vé điện tử đến nay (1-1-2015), hệ thống đã khóa khoảng 54.000 chỗ ngồi nghi do cò “ôm” vé.

Tuy nhiên, từ tháng 3 đến nay, Công ty đã xây dựng tính năng phân tích thông tin khách hàng trên hệ thống. Qua số liệu phân tích, nếu nghi ngờ sự không minh bạch giữa người trả vé và người mua vé kế tiếp, hệ thống sẽ kéo dài thời gian người mua kế tiếp được phép giữ chỗ nhằm ngăn chặn khả năng đối tượng đầu cơ cố tình dùng thủ thuật mua vé. Hiện nay, hệ thống không cho phép hành khách đã đặt vé trong trạng thái chờ sửa đổi thông tin cá nhân. Nếu muốn sửa, bắt buộc phải hủy giao dịch, trả vé và thực hiện giao dịch mới từ đầu. Song, giải pháp này cũng chỉ nhằm kéo dài, tạo thêm rào cản đối với các “cò”, còn chưa ngăn được triệt để. 

Để ngăn chặn tình trạng “cò” xí chỗ, hệ thống bán vé của các hãng hàng không đang áp dụng chế độ “khách hàng chờ”. Khi có khách hủy đặt chỗ, những đơn hàng chờ lập tức được chèn vào. Hệ thống bán vé tàu điện tử cũng có chế độ “đăng ký hàng đợi”; quét, phát hiện vé được trả lại 24h trong ngày. Nhưng, chế độ này cũng không ngăn được những cò “ôm” vé.