Cần đổi mới phương pháp dạy Lịch sử

ANTĐ - Sách giáo khoa bộ môn Lịch sử hiện nay nội dung ôm đồm, trình bày dàn trải, toàn là các sự kiện lịch sử, học sinh khi học cảm thấy nặng nề, khô cứng, nhàm chán. Những điều không cần thiết thì thừa, trong khi thiếu quá nhiều kiến thức cơ bản, cụ thể, sinh động.

Nhớ lại vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi chúng tôi sang trao đổi giao lưu với một trường THPT Nam Ninh (Quảng Tây - Trung Quốc). Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đâu phải của họ, ấy vậy mà họ trắng trợn dám viết vào sách giáo khoa là Hoàng Sa, Trường Sa là đất của Trung Quốc để dạy học trò, để lừa bịp thế hệ trẻ, nhằm mục đích đen tối lâu dài. Trong khi hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng trên Biển Đông của Việt Nam, như GS. Nguyễn Quang Ngọc, Viện Việt Nam và Khoa học phát triển nhận xét: “Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa là trang sử bi hùng được viết bằng máu xương của các thế hệ người Việt Nam. Tư liệu về quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của chúng ta ở Trường Sa và Hoàng Sa là hết sức phong phú, chuẩn xác, ở cả trong nước và ngoài nước. Thế mà có một thời gian dài vấn đề hiển nhiên và trọng đại này lại bị coi là “nhạy cảm”, để rồi lịch sử của một đất nước lại không có một dòng nào về chủ quyền biển đảo”. SGK trong nhà trường phổ thông cũng không đề cập đến, đó là một khiếm khuyết.

GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Lịch sử Việt Nam cho biết, Hội Sử học đã có văn bản kiến nghị với Ban Tuyên giáo, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT), phải nhanh chóng đưa nội dung chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào dạy cho học sinh. Giáo sư nói tiếp “Nếu lớp trẻ lớn lên, không hiểu biết hoặc hiểu biết rất lơ mơ về vấn đề này thì rất nguy hiểm”. GS. Phan Huy Lê cho rằng, không thể chờ đến năm 2015, khi chúng ta đổi mới chương trình SGK thì mới đưa nội dung về chủ quyền trên Biển Đông của nước ta vào giảng dạy, mà việc này cần làm ngay trong năm học tới.

Bên cạnh đó, các thầy cô giáo dạy bộ môn Lịch sử, người trực tiếp hướng dẫn, dạy học sinh trên lớp cần tìm tòi, đột phá, cải tiến phương pháp giảng dạy bộ môn Lịch sử có hiệu quả. Theo ý kiến của ông Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Lê Tiến Thành (Bộ GD-ĐT): “Cần dạy sử cho học sinh bằng những câu chuyện lịch sử sống động, hấp dẫn, bằng những hình ảnh trực quan. Cách ra đề kiểm tra cũng phải mở để học sinh được bộc lộ sự hiểu biết, tình cảm của mình. Chẳng hạn đề kiểm tra lớp 4 có thể cho học sinh kể về một ông vua, một vị tướng mà em thích nhất, thay vì bắt học sinh kể về những sự kiện, những con số khô khan như hiện nay”. Các trường học nên có kế hoạch chu đáo, lâu dài, tận dụng hệ thống các nhà bảo tàng sẵn có, đưa học sinh đến xem và học thực sự. Cơ sở vật chất, hiện vật trưng bày khoa học trong Bảo tàng là giáo cụ trực quan sinh động giúp học sinh tiếp cận, “nhìn”  thấy bối cảnh lịch sử nước nhà qua từng thời kỳ.  Hay như ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam có một sáng kiến đề nghị Bộ GD-ĐT đầu tư xây dựng một trang mạng riêng nhằm mục đích hỗ trợ dạy, học lịch sử. Ở đó cung cấp tư liệu, hình ảnh, bản đồ… để người dạy và học tham khảo một cách chủ động mà không bị khuôn ép vào SGK.

Bộ môn Lịch sử cần phải đặt đúng vị thế và chức năng của nó trong hệ thống giáo dục phổ thông. Vì đây là bộ môn khoa học cơ bản thuận lợi nhất để giáo dục cho học sinh vốn hiểu biết về lịch sử văn hóa dân tộc và nhân loại, để có niềm tin vào truyền thống hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, từ đó có trách nhiệm bảo vệ đất nước, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.