Tránh cực đoan, cảm tính

ANTĐ - Vào thời điểm này, khi Trung Quốc tiếp tục có những hành động leo thang căng thẳng và nguy hiểm trên Biển Đông, dư luận lo ngại nếu quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc có trục trặc sẽ ảnh hưởng ra sao đến sản xuất trong nước. Các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách đã bàn luận và chuẩn bị một số kịch bản để ứng phó trước mắt và lâu dài. Chủ động chính sách ngoại thương, đầu tư để điều chỉnh cho phù hợp với những biến cố nếu xảy ra sẽ hạn chế tổn thương và rủi ro.

Kinh nghiệm của Philippines cho thấy, khi nước này rục rịch khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án trọng tài của Liên hợp quốc, thì Bắc Kinh đã ra tay trước. Các doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu lên tiếng về tình trạng nhiễm thuốc trừ sâu trong chuối, các loại trái cây nhập từ Philippines, điều mà Trung Quốc thường làm. Kết quả là hàng nghìn container chuối bị thối rữa ở cảng Trung Quốc, nước tiêu thụ hơn 30% lượng chuối của Philippines.

Các loại trái cây khác cũng rơi vào cảnh tương tự, lúc cấm, lúc không, khiến nông dân Philippines khốn đốn quay ra phản đối chính phủ, gây rối loạn trong nước. Vậy nếu Trung Quốc ngừng hoạt động giao thương hay ít nhất là tạm dừng một số chương trình trao đổi song phương như Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này từng lớn tiếng, thì Việt Nam sẽ đối phó như thế nào? Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc, một nửa trong 60% là nguyên vật liệu, linh kiện của các doanh nghiệp đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam, gắn với chuỗi sản xuất, cung ứng trong nước họ. Vì vậy, các chuỗi này không dễ bị phá vỡ kể cả Trung Quốc đơn phương dừng các hoạt động giao thương, đầu tư.

Đây là một cuộc chơi mà hai bên phải dè chừng nhau. Một số chuyên gia nhận định, Trung Quốc không dại gì “tự bắn” vào chân mình khi tìm cách dừng các quan hệ thương mại, kinh tế để kiềm tỏa Việt Nam như hạn chế xuất khẩu các nguyên liệu đầu vào cho các ngành gia công, chế tạo tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều đầu tiên cần nhìn nhận rõ là Trung Quốc “xấu chơi”, nhưng không có nghĩa là phải cắt đứt hoặc thu hẹp nhất đến mức có thể quan hệ thương mại và đầu tư với Trung Quốc. Thực tế cho thấy, dù Trung Quốc cũng chẳng tử tế gì với Nhật Bản, song nước này vẫn phải duy trì quan hệ thương mại, đầu tư với Trung Quốc ở mức nhập siêu 44 tỷ USD. Tương tự, dù Mỹ ngày càng khó chịu với Trung Quốc, nhưng về mặt kinh tế, hai nước vẫn phải gắn với nhau, phụ thuộc lẫn nhau lâu dài. Trung Quốc vẫn là một trong những bạn hàng và thị trường đầu tư quan trọng nhất của Mỹ.

Từ những phân tích trên, một số chuyên gia nhận định, trong xu thế hội nhập kinh tế sâu rộng, mưu đồ dùng “đòn” kinh tế để kiểm tỏa đối phương không dễ thực hiện được. Do vậy, chúng ta cần tránh chạy từ thái cực này sang thái cực kia. Ngay cả khi kinh tế nước ta có mạnh thì cũng phải chấp nhận sự phụ thuộc kinh tế đôi bên cùng có lợi với Trung Quốc. Biết là họ “xấu chơi” nhưng vẫn phải chơi, chỉ có điều phải luôn tỉnh táo và khôn ngoan, tránh cực đoan, cảm tính, thì sẽ tránh được thua thiệt.