Siết vượt tuyến, giảm quá tải

ANTĐ - Hai năm nay, sau khi ngành y tế thực hiện chủ trương hạn chế tối đa, siết chặt việc bệnh nhân chuyển viện vượt tuyến, bước đầu đã đem lại hiệu quả. Một số bệnh viện tuyến Trung ương, nhất là ở Hà Nội và TP.HCM cho rằng, quy định này đã phần nào hạn chế được tình trạng quá tải người bệnh ở tuyến trên, góp phần giảm áp lực lên dịch vụ khám chữa bệnh, vốn đã hết sức căng thẳng. Tuy vậy, quy định trên khi áp dụng vào thực tế điều trị đã làm cho nhiều trường hợp, nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn đốn vì phải thanh toán viện phí quá cao do trái tuyến. 

Phải thừa nhận một thực tế, rất nhiều người mắc “bệnh” sính bác sĩ thành phố, bệnh viện hiện đại nên từ các tỉnh xa, lân cận, thậm chí cả huyện ngoại thành cũng vượt tuyến vào khám chữa bệnh ở những bệnh viện lớn trong trung tâm các thành phố.

Song cũng không thể phủ nhận rằng, ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... bệnh viện tuyến quận, huyện thua xa tuyến thành phố hoặc trung ương. Đó là chưa kể những cơ sở y tế, bệnh viện ở những vùng sâu, vùng xa. Không hiếm trường hợp bệnh nặng, trầm trọng, người dân phải “cắn răng” chuyển viện, chấp nhận đóng viện phí cao so với thu nhập vì sức khỏe và tính mệnh của người nhà. Nếu không có giấy chuyển viện, tự ý vượt tuyến thì dù có đóng bảo hiểm y tế cũng không được hưởng 100% bảo hiểm mà chỉ được hưởng 30%.

Ý kiến phản hồi từ người dân rất cần được ngành y tế lắng nghe, thấu hiểu và xem xét. Dân cho rằng, nếu không cho chuyển viện mà chất lượng các bệnh viện tuyến dưới không được cải thiện, thì không công bằng. Ngay cả một số bác sĩ công tác ở các bệnh viện tuyến huyện cũng thừa nhận, việc siết chuyển viện vượt tuyến thực tế chỉ giải quyết phần “ngọn” của sự quá tải. Đã có người nhà bị bệnh, ai cũng muốn được điều trị tốt nhất. Thực tế, điều kiện tốt nhất không thể có ở tuyến dưới, bởi mọi ưu tiên đều đầu tư cho bệnh viện tuyến trên. 

Rõ ràng, muốn siết chặt chuyển viện, vượt tuyến để giảm quá tải bệnh viện, ngành y tế phải luân chuyển bác sĩ giỏi từ tuyến Trung ương về địa phương, phải đầu tư trang thiết bị hiện đại. Nâng cao chất lượng đào tạo bác sĩ.