Không cần dùng “tiền tươi”

ANTĐ - Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành trọn một ngày để thảo luận về báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế với 3 trụ cột: đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015). Nhiều đại biểu cho rằng, đây sẽ là vấn đề rất “nóng” với một loạt câu hỏi về tình hình thực hiện tái cơ cấu, kết quả đạt được, những yếu kém cần khắc phục và trách nhiệm của bộ, ngành, cá nhân liên quan. 

Đánh giá về báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong một phiên họp mới đây, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải nói thẳng tình hình thực hiện tái cơ cấu, nếu kết quả đạt được tích cực thì có tác động gì? Tồn tại, yếu kém nằm ở những khâu nào? Quốc hội cũng phải đề ra được chủ trương, giải pháp, tập trung tái cơ cấu nền kinh tế từ nay đến năm 2015. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Cần phải tập trung làm rõ, chứ cứ “dịu dàng êm ái” đánh giá theo kiểu “tăng cường, nỗ lực, đẩy mạnh” thì vô tác dụng.

Trong phiên họp góp ý cho báo cáo giám sát đó, một số đại biểu nhận định, “điểm nghẽn” hiện nay là chưa xác định rõ vai trò, thẩm quyền của người đại diện vốn của Nhà nước trong các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước. Hiện nay vẫn chưa làm rõ được mối quan hệ giữa doanh nghiệp với bộ chủ quản và những bộ có liên quan. Ở đây phải quy trách nhiệm đến cá nhân, nhưng nếu trong cơ chế tay ba như hiện nay, thì cũng chỉ kiểm điểm, phê bình, nặng quá mới đưa ra xét xử.

Đặc biệt, một vấn đề khiến dư luận đang bức xúc là kiến nghị xem xét và dành một phần chi ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp Nhà nước. Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình sử dụng tiền thuế của dân cho mục đích này, trong khi ngân sách Nhà nước đang rất khó khăn. Mặc dù có ý kiến đánh giá cao hoạt động của công ty mua bán nợ xấu như khoanh nợ lại để tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn, phát triển sản xuất, song cũng có ý kiến cho rằng, thực chất là đang “nhốt nợ” vào đây, vì trong tổng số nợ 56.000 tỷ đồng chỉ mới bán được 1.600 tỷ đồng. 

Thay vì trực tiếp bỏ “tiền tươi thóc thật” để xóa nợ xấu, một số chuyên gia cho rằng, cần nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách để công ty mua bán nợ xấu trở thành nguồn lực góp phần xử lý nhanh nợ, giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng thương mại và doanh nghiệp. Nếu không, đầu vào (mua nợ) thông suốt, nhưng đầu ra (xử lý nợ) gần như bế tắc.