Hết cảnh “con đẻ, con nuôi”

ANTĐ - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận xét, quy mô của doanh nghiệp Việt Nam đã thu hẹp. Không quốc gia nào phát triển được nếu chỉ ỷ lại và dựa hoàn toàn vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, cải cách thể chế cần tập trung vào những thách thức mà khu vực kinh tế tư nhân đang phải đối mặt. 

Theo báo cáo của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam về phát triển khu vực kinh tế tư nhân, trong hai năm 2011-2012, quy mô vốn của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng từ 270 tỷ đồng lên 307 tỷ đồng, chứng tỏ họ đang ăn nên làm ra, trong khi đó, vốn của doanh nghiệp ngoài Nhà nước, giảm từ 25 tỷ đồng xuống 24 tỷ đồng. Số lao động trung bình trong doanh nghiệp giảm từ 47 người xuống 32 người, tức là co hẹp quy mô thành doanh nghiệp nhỏ và có xu thế không thể “lớn lên” thành doanh nghiệp vừa.

Hệ lụy của quy mô nhỏ là, trong 100 cuộc chắp nối doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài để giúp doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi sản xuất, chỉ có một giao dịch thành công, nguyên nhân vì quy mô doanh nghiệp quá nhỏ. Những hạn chế, yếu kém của doanh nghiệp Việt Nam là do các chính sách chỉ tập trung hỗ trợ việc đăng ký kinh doanh, khởi nghiệp chứ chưa giúp họ có điều kiện làm ăn. Nhiều khu công nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng phải “chạy đua”, cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn đủ các thủ tục đất đai, điện, nước, tiếp cận vốn.

Đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế khuyến nghị, mặc dù đã có dấu hiệu hồi phục cầu tiêu dùng và đầu tư, nhưng khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa được “chăm sóc” chu đáo để phát triển mạnh, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, một thế mạnh lớn của khu vực này. Chính vì vậy, một bản kế hoạch hành động trong 3 năm 2015-2017 để phát triển kinh tế tư nhân đã được Chính phủ công bố.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được ban hành, thành lập quỹ hỗ trợ cùng với những chính sách trợ giúp cơ sở vật chất cho một số ngành có thể tiếp nhận sự chuyển giao kỹ thuật, công nghệ của doanh nghiệp nước ngoài tới khu vực kinh tế tư nhân. Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Việt Nam sẽ giảm tỷ trọng vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp cổ phần hóa để doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng, minh bạch trong kinh tế thị trường với kinh tế tư nhân. Đây có thể coi là luồng gió tươi mới, tiếp sức khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Hy vọng sẽ hết cảnh “con đẻ, con nuôi”.