Vị trí cao đáng hổ thẹn

ANTĐ - Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đứng thứ hai trong danh sách nhận được nhiều khiếu nại nhất liên quan đến tham nhũng, đặc biệt trong lĩnh vực Giao thông và Cấp nước, tiếp theo là Nông nghiệp và Năng lượng. Việt Nam đứng thứ hai trong danh sách khách hàng của WB ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương có khiếu nại về tính liêm chính, chỉ sau Indonesia.

Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đang là nơi có tỷ lệ dự án bị khiếu nại gian lận, tham nhũng cao thứ hai toàn cầu, chỉ sau châu Phi. Cũng theo WB, các quốc gia đang phát triển thất thoát khoảng 20 - 40 tỷ USD mỗi năm do hối lộ, đút lót, tham ô và tham nhũng. Và Việt Nam đang là một điểm nóng. Cũng có thể những con số trên chưa phản ánh hoàn toàn sự thật nhưng cũng không phải là chúng ta “sạch”, không hề có tham nhũng trong lĩnh vực này. Thực tế tiêu cực, gian lận, tham nhũng trong các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển (ODA) cũng là một thực trạng đáng lo ngại đối với các cơ quan quản lý của Việt Nam cũng như các nhà tài trợ. Đó là điều cần suy ngẫm.

Trong 30 năm qua, Việt Nam đã được cam kết tài trợ 80 tỷ USD cho các dự án ODA. Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các dự án ODA dễ phát sinh gian lận là một bộ phận lãnh đạo địa phương nhận thức chưa đúng, coi tất cả các khoản vay ODA như viện trợ không hoàn lại nên đặt mục tiêu được phê duyệt ODA là ưu tiên cao nhất, chưa chú trọng đúng mức tới yêu cầu phải sử dụng hiệu quả nguồn vốn này. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã từng chia sẻ thẳng thắn với báo giới rằng: “Tôi dám chắc có một tỷ lệ không nhỏ trong các cán bộ, viên chức Nhà nước và nhân dân, đặc biệt là lãnh đạo của các địa phương hiểu một cách rất sơ đẳng rằng ODA là cho không. Họ cho rằng càng vay càng tốt, bất chấp khả năng trả được hay không, chỉ cần vay được và cứ thế dùng, Nhà nước sẽ bao cấp. Đây là một nhận thức vô cùng nguy hiểm! Thực tế, vay là phải trả. Hôm nay chúng ta vay, mai con cháu phải trả, không ai cho không ai!”.

Rõ ràng phải thay đổi tâm lý coi ODA là nguồn viện trợ không hoàn lại, hoặc chí ít thì đời mình chưa phải lo trả nợ, dẫn tới trình trạng “lobby” ODA để thực hiện các dự án không thực sự cần thiết hoặc buông lỏng công tác giám sát, triển khai. Trong khi các dự án ODA thường là những công trình lớn, phức tạp về kỹ thuật và thực hiện trong thời gian dài với nhiều bên liên quan nên nguy cơ xảy ra tham nhũng, gian lận rất cao. 

Để “tụt hạng” khỏi danh sách liên quan đến tham nhũng, gian lận trong sử dụng ODA, không cần gì khác ngoài việc thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn vốn này. Cũng như khuyến khích sự tham gia giám sát của xã hội, của các cơ quan báo chí, truyền thông đối với dự án đầu tư công nói chung và sử dụng nguồn vốn ODA nói riêng bảo vệ uy tín của Việt Nam đối với các nhà tài trợ.