Vẫn lấy phiếu tín nhiệm theo 3 mức

ANTĐ - Sau gần 40 ngày làm việc, chiều 28-11, kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIII đã bế mạc. Trong ngày 28-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nhiều nghị quyết rất quan trọng, đặc biệt là Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm và giám sát chuyên đề.

Vẫn lấy phiếu tín nhiệm theo 3 mức ảnh 1

Khẩn trương trả lời 3.729 kiến nghị của cử tri 

Chiều 28-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn với tỷ lệ 81,49% đại biểu tán thành. Trên mỗi lá phiếu, vẫn chia ra 3 mức độ tín nhiệm như hiện nay, gồm: “tín nhiệm cao”,  “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”..

Điều 15 của Nghị quyết nêu rõ: “Người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐBQH, đại biểu HĐND đánh giá “không tín nhiệm” thì có thể xin từ chức; trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm”. Các chức danh được Quốc hội, HĐND lấy phiếu tín nhiệm vẫn giữ nguyên như hiện nay. 

Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn đã được Quốc hội thông qua với 91,55% đại biểu tán thành. Đánh giá cao các cam kết, lời hứa của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, Nghị quyết cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức có liên quan khẩn trương nghiên cứu, giải quyết, trả lời 3.729 kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội tại kỳ họp này.

Cuối 2015 phải hoàn thành tái cơ cấu kinh tế

Nghị quyết tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 92,35% đại biểu tán thành. 

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả tái cơ cấu, từ nay đến hết năm 2015, Nghị quyết của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tập trung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, phấn đấu đến cuối năm 2015 cơ bản hoàn thành tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh và bền vững, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Ngoài ra, Nghị quyết cũng giao Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm nợ xấu để đến cuối năm 2015 còn dưới 3% trong tổng dư nợ. Đặc biệt, phải xác định rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Nhà nước trong việc chậm thực hiện hoặc thực hiện không đúng các đề án tái cơ cấu đã phê duyệt... 

Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa

Nghị quyết về đổi mới chương trình sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông đã được Quốc hội thông qua với 79,88% đại biểu tán thành. Theo đó, từ năm học 2018-2019, sẽ  dạy học bằng SGK mới ở cả 3 cấp. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho biết, xu hướng chung trên thế giới là có một chương trình và nhiều bộ SGK. Từ thực tiễn này, Việt Nam sẽ thống nhất một chương trình nhiều bộ SGK để thực hiện chung trên cả nước. 

Việc xã hội hoá biên soạn SGK là bước đi đúng nhưng cần thận trọng, hạn chế tối đa những tiêu cực có thể xảy ra. Để đảm bảo quyền lợi của học sinh, đảm bảo chủ động và đúng lộ trình, việc lựa chọn SGK ở các cơ sở giáo dục phải đảm bảo thống nhất giữa nhà trường và phụ huynh.

Cũng tại phiên làm việc sáng 28-11, Quốc hội đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật. Việc phê chuẩn 2 Công ước này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong hiện thực hóa việc đảm bảo quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp Việt Nam, đồng thời có ý nghĩa quan trọng khi Việt Nam đã trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016.