Kỳ họp thứ 2, HĐND TP khóa XIV:

Tập trung giải quyết bức xúc

(ANTĐ) - Hôm nay, 13-7, kỳ họp thứ 2, HĐND TP khóa XIV khai mạc nhằm xem xét tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm. Trước thềm kỳ họp, cử tri Hà Nội đã gửi tới các ĐB HĐND TP nhiều kiến nghị bức thiết.
 

Tình trạng biệt thự bỏ hoang chậm bị xử lý khiến người dân bức xúc

Ghi nhận những thành tựu của thành phố thời gian qua, cử tri Thủ đô còn băn khoăn và lo lắng về đời sống khó khăn của người lao động, đặc biệt là người nghèo. Cùng với đó, việc thực hiện các dự án đầu tư còn chậm; công tác quản lý đất đai, quản lý xây dựng và trật tự đô thị, giao thông còn hạn chế. Việc xử lý các dự án treo chưa kiên quyết. Hạ tầng nông thôn còn thấp kém. Vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường vẫn là những vấn đề bức xúc chưa được xử lý kịp thời, triệt để. Cải cách hành chính đã có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của một bộ phận cán bộ chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng ách tắc, chậm trễ trong giải quyết công việc. Cử tri đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vấn đề trên.

Cử tri đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan có liên quan thành lập đoàn kiểm tra các sàn giao dịch bất động sản. TP cần quyết liệt hơn nữa trong thanh tra, kiểm tra việc cấp “sổ đỏ”, xử lý nghiêm các sai phạm để nhân dân tin tưởng vào chính quyền các cấp. Cử tri cũng cho rằng, cần nghiên cứu xem xét kỹ khi cấp phép điểm dừng đỗ xe ô tô trên các tuyến đường cho phù hợp, vì nhiều nơi quá hẹp nhưng vẫn cấp phép điểm đỗ dưới lòng đường, ảnh hưởng không nhỏ tới giao thông đô thị.

Về các vấn đề xã hội, cử tri muốn thành phố quan tâm nghiên cứu việc giảm thiểu thủ tục mua thẻ bảo hiểm y tế. Cụ thể là khi mua thẻ bảo hiểm y tế không cần phải có hộ khẩu thường trú tại nơi mua. Đồng thời, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục thực hiện chi trả bảo hiểm y tế để đảm bảo hướng tới phục vụ nhân dân được tốt nhất.
Cử tri huyện Đông Anh tiếp tục kiến nghị về tiến độ triển khai thực hiện dự án đường 5 kéo dài quá chậm. Huyện đã GPMB, bàn giao cho dự án đạt 95% diện tích phải thu hồi. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng đường 5 kéo dài và hệ thống đường gom hai bên quá chậm, dẫn đến đất bỏ hoang hoá, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống dân sinh. Trong khi đó, cử tri các quận nội thành như Thanh Xuân, Hai Bà Trưng kiến nghị TP đầu tư nâng cấp cải tạo các tuyến phố Nguyễn Ngọc Nại, Hoàng Đạo Thành, Lê Trọng Tấn kéo dài; đường Quan Nhân, đường Nguyễn Văn Trỗi, đường 8/3, đường Quỳnh Mai, đường Quỳnh Lôi...

Than phiền về dự án đường 32 làm quá lâu chưa xong, gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân và thường xuyên gây ùn tắc giao thông trên địa bàn, cử tri huyện Hoài Đức đề nghị thành phố chỉ đạo sớm hoàn thành dự án. Cử tri phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) lại phản ánh công trình cải tạo công viên Thống Nhất (công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội) hiện vẫn còn dang dở, một số hạng mục đã xuống cấp, trò chơi thì nghèo nàn, mua vé dịch vụ lại cao, đề nghị UBND TP quan tâm chỉ đạo. Cử tri cũng tha thiết đề nghị TP đốc thúc các dự án cải tạo chung cư cũ nguy hiểm như nhà E6, E7 Quỳnh Mai, đảm bảo an toàn cho người dân.

Chất vấn tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội: Trách nhiệm vẫn “vòng vo”

ĐB Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội cho rằng, chất vấn phải đi thẳng vào vấn đề và rõ địa chỉ trách nhiệm.

 

- Với tư cách một ĐB HĐND TP, ông dự định nội dung chất vấn gì tại kỳ họp lần này?

- Qua tiếp xúc cử tri vừa rồi, tôi thấy nổi lên một số vấn đề và sẽ đưa ra chất vấn tại kỳ họp lần này. Cụ thể là việc bán nhà theo Nghị định 61/CP và chất lượng các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trước hết, cần khẳng định, các công trình này đều nhận được sự quan tâm đặc biệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP nhưng có một số công trình đã xuống cấp sau khi vận hành được một thời gian ngắn như công viên Hòa Bình, công viên Thống Nhất, Bảo tàng Hà Nội...

- Có thể thấy đây là vấn đề không mới và chính ông cũng đã từng chất vấn?

- Tại kỳ họp này, chúng tôi muốn làm rõ trách nhiệm thuộc về ai. Tới đây, các vấn đề về chất lượng sẽ được xử lý, khắc phục như thế nào? Cũng phải nhắc lại là ở đợt giám sát trước, các sở, ngành cũng đã hứa nhưng rồi đâu lại vào đấy.

- Còn về nội dung bán nhà theo Nghị định 61/CP?

- Việc này cũng nói rất nhiều lần rồi nhưng trách nhiệm vẫn vòng quanh. Cứ nói sẽ làm quyết liệt, nhưng rồi quận, huyện đổ lỗi cho sở, ngành gây khó dễ. Sở, ngành lại bảo tại quận, huyện chậm trễ, “treo” hồ sơ của dân. Tôi sẽ hỏi thành phố có nắm được bao nhiêu hồ sơ bị “om” không? Phải có địa chỉ rõ ràng mới xác định được lỗi thuộc ai để mà sửa chữa.

- Giả sử trả lời của các cơ quan liên quan chưa làm ông hài lòng?

- Việc này chưa diễn ra nên khó nói. Tuy nhiên, tôi luôn dự phòng một số câu hỏi để tái chất vấn trong trường hợp vấn đề mình nêu ra chưa được trả lời rốt ráo.

- Các sở, ngành cũng đã hứa nhưng vì sao những bức xúc đã có từ rất lâu vẫn tồn tại dai dẳng?

- Phải rất thẳng thắn với nhau để tìm ra những điểm nghẽn và tất nhiên kèm theo đó là cả những giải pháp căn cơ. Lời hứa phải có thời hạn thực hiện cụ thể, cử tri và người dân không muốn nghe mãi những lời hứa như thế.