Đường phố Hà Nội: Đặt tên danh nhân phải xứng tầm

ANTĐ - Tên phố đặt ra không xứng tầm với vị thế danh nhân, ngược lại nhiều tên đường, phố kiêu hãnh mang tên danh nhân nhưng hỏi người dân thì không ai biết nhân vật này là ai... Xung quanh việc đặt tên đường, phố, công trình công cộng tại Hà Nội nảy sinh rất nhiều phức tạp.

Đặt tên hợp lý sẽ làm tăng ý nghĩa giáo dục, lịch sử văn hóa

Ai được đặt tên?

Theo con số mà GS. TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia đưa ra, Hà Nội có xấp xỉ 760 đường, phố đã được đặt tên - là nơi có đường, phố được đặt tên nhiều nhất cả nước. Trong đó các đường, phố được lấy tên theo các danh nhân chiếm số lượng lớn. Đường phố mang tên các danh nhân là đặc trưng văn hóa của Việt Nam, mỗi người dân sống tại con đường, con phố mang tên một danh nhân có công trạng với đất nước cũng hết sức vinh dự, tự hào.

Tuy nhiên, theo T.S Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Văn hóa Di sản Thăng Long, việc đặt tên đường, phố mang tên danh nhân ở Hà Nội hiện “quá nhiều” và “tràn lan”. Thống kê 14 quận, huyện ở Hà Nội, thì có 402 đường, phố được đặt tên theo danh nhân trong khi đặt theo vị trí địa danh chỉ có 296 cái tên. T.S Lưu Minh Trị bày tỏ, không ít nhân vật lịch sử: nhà chính trị, nhà văn, nhà thơ… được đặt tên đường, phố, nhưng chưa chắc đã phải là “danh nhân”. PGS. TS Đỗ Thị Hảo, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội chia sẻ câu chuyện tìm “lai lịch” tên phố - “Có một con phố tên là Nguyễn Đình Hoàn (phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy). Vì nghe khá lạ nên tôi tìm hiểu về nhân vật này, nhưng không tìm được tài liệu nào. Khi chúng tôi trực tiếp hỏi những người cao tuổi ở đây thì được biết cụ Nguyễn Đình Hoàn đỗ tiến sỹ, là người địa phương. Tôi tự hỏi, nếu đỗ tiến sỹ mà được đặt tên đường phố thì không biết bao nhiêu đường, phố rơi vào tình trạng như vậy? Thừa vẫn thừa, nhưng bỏ sót thì cũng không ít. Nhiều nhân vật lịch sử tiêu biểu không thấy bóng dáng trong bất kỳ tên phố ở nào của Hà Nội như công chúa An Tư (đời Trần) hay công chúa Huyền Trân trước đây vốn đã có tên phố thuộc quận Hai Bà Trưng, sau lại bị thay bằng phố Bùi Thị Xuân. Phố mang tên danh nhân, nếu đặt chưa hợp lý sẽ làm giảm đi ý nghĩa tuyên truyền giáo dục, lịch sử văn hóa”. 

Quy hoạch theo “cụm danh nhân” 

Hà Nội cũng đã có những tên đường, phố được đặt theo theo “cụm danh nhân” có liên hệ lịch sử rất đặc sắc. Khu trung tâm quanh Hồ Gươm là nơi tập hợp tên các vị vua Đinh, Lý, Lê…, chếch xuống phía Đông Nam có các danh tướng đời Trần như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải…, phía Bắc đường Trường Chinh có cụm đường, phố dành cho các danh nhân ngành y như Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Hồ Đắc Di…, phía Bắc hồ Tây có cụm tên danh nhân là các nghệ sỹ như Xuân Diệu, Tô Ngọc Vân, Đặng Thai Mai… Nghị định 91/2005/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 207/2006/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội đã quy định tiêu chí: “Danh nhân phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận”. Tuy nhiên, khi Hà Nội mở rộng, để đáp ứng nhu cầu đặt tên đường, phố, rồi cả các khu đô thị, các “làng” trong phố… mới phát sinh khiến việc đặt tên trở nên phức tạp. Bên cạnh đó không thiếu những cái tên lạ lẫm, thiếu điển hình, lịch sử ít ghi nhận.

Bàn về vấn đề này, T.S Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam cho rằng, việc quy hoạch từng nhóm danh nhân cho tên đường phố là rất cần thiết, không chỉ cho “dễ tìm” mà chứng tỏ tính khoa học của quy hoạch một đô thị hiện đại. Đồng tình với ý kiến này, GS. TSKH Lưu Trần Tiêu nhận định, quy hoạch phải đi trước một bước, khi quy hoạch một con đường đã phải tính toán đến chuyện đặt tên như thế nào. Về vấn đề lựa chọn tên danh nhân cho đường, phố, nhất thiết phải có độ lùi thời gian đủ để nhận thức về danh nhân đó. 

Gần đây, việc chọn một con đường để đặt tên theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã gây không ít tranh cãi. Đến thời điểm này, thành phố Hà Nội vẫn đang lựa chọn phương án hợp lòng dân, xứng đáng với tầm vóc, công lao đóng góp của Đại tướng đối với đất nước. Đây là vấn đề quan trọng, cần được cân nhắc kỹ càng.