Trùm đòi nợ thuê khét tiếng giúp nhiều người sa ngã thức tỉnh bởi tiếng đọc kinh sám hối hàng đêm trong trại giam

ANTĐ - Thấm tháp nỗi đớn đau và dằn vặt sám hối từ những ngày sa ngã phải vào trại giam, suốt nhiều năm nay hễ cứ nhắc đến quá khứ trong lòng ông Nguyễn Tuấn, ở Nhơn Sơn (Ninh Sơn, Ninh Thuận) lại trỗi dậy một niềm xót xa. Từng là một tên côn đồ chuyên đi đòi nợ thuê khét tiếng, nhưng giờ đây ông đã hoàn lương trở thành một tấm gương sáng của khu dân cư. Ngày ngày ông vẫn miệt mài đi vận động những đối tượng cộm cán trên địa bàn từ giã tội ác.

Những năm tháng lầm lỗi

Năm 2014 này, Nguyễn Tuấn bước sang tuổi 60. Ở cái tuổi lục tuần của ông nhiều người đã tính chuyện nghỉ ngơi nhưng với ông lại là lúc mọi chuyện mới như bắt đầu, bắt đầu làm những việc cho lòng thanh thản sau những năm tháng lỗi lầm để rồi phải trả cái giá đắt. Những năm 1980 của thế kỷ trước khi vừa bước sang tuổi 20, Nguyễn Tuấn rời Ninh Thuận về Bình Dương lang bạt sinh sống và nhanh chóng trở thành một tên giang hồ. Tuy nhiên, địa bàn hoạt động hẹp, lúc này lại có nhiều băng nhóm nên ông đành theo đám bạn về biên giới Tây Ninh, Bình Dương để buôn hàng lậu. 

Từ những ngày buôn hàng lậu ở biên giới này, Nguyễn Tuấn quen với Tư “đen”. Tư “đen” là một đại ca chuyên đâm thuê chém mướn và bảo kê cho các hoạt động phạm pháp lúc bấy giờ. Nhớ lại những ngày tháng đó, ông Tuấn kể: “Chưa được đi ra xã hội bao nhiêu, lúc đó thấy hình ảnh oai phong của những người trong giang hồ cũng thích lắm. Thế là mềm lòng và theo Tư “đen” vào Sài Gòn”. Băng nhóm của Tư “đen” là một trong những băng nhóm mạnh nhất của Sài Gòn khi ấy. Sau khi nhập hội của Tư “đen”, mỗi tháng Nguyễn Tuấn đều đều gửi tiền về cho người vợ của mình ở quê. Gã dự định sẽ làm thêm một thời gian nữa, sau khi dành dụm được chút đỉnh sẽ gác kiếm về quê. Nhưng bất hạnh thay, người vợ sau bao năm chờ đợi mà chồng vẫn biệt tích nơi giang hồ, lại thêm việc sau một thời gian dài kết hôn mà vẫn không có con nên đã quyết định chia tay gã. Đó cũng là cái mốc chính thức đánh dấu con đường sa ngã của gã. Nguyễn Tuấn tâm sự: “Lúc đó tôi buồn chán chỉ còn biết tối ngày say xỉn thôi. Thấy cuộc sống như chẳng còn gì  ý nghĩa nữa. Ban đầu định vào chùa đi tu. Nhưng mà tâm can còn nhiều xáo trộn nên không chùa nào nhận cả. Tôi quyết xung phong xin Tư “đen” cho ra giang hồ để làm các nhiệm vụ cho gã”. Ban đầu hắn tham gia đòi nợ các vụ lẻ tẻ nhưng sau đó đến các vụ quy mô lớn hơn. Không chỉ đòi ở Sài Gòn mà rong ruổi xuống khắp các tỉnh miền Tây. Có những vụ gã huy động đàn em đến để uy hiếp đòi nợ, không khác gì việc cưỡng đoạt tài sản vậy. 

Năm 1985, Nguyễn Tuấn một mình dẫn theo 6 đàn em đi đòi nợ một nhà hàng lớn ở Tiền Giang nhưng đã đụng phải sự chống trả quyết liệt. Cuộc thanh toán nhau đẫm máu đã diễn ra. Nguyễn Tuấn bị tuyên án 6 năm tù giam tại nhà giam Cái Tàu. Năm 1990, ra tù, Nguyễn Tuấn trụ lại miền Tây được 4 tháng rồi cũng quay lại Sài Gòn. Lần này gã quyết tâm tự ra mở băng nhóm riêng sau khi đã kết nối được nhiều phần tử bất hảo từ những ngày trong trại giam. Đích thân Tuấn tự nhận các mối đòi nợ thuê và dẫn đàn em đi đòi, hầu như cuộc đòi nợ thuê nào cũng phải đổ máu. Sau 3 năm vùng vẫy, thực hiện trót lọt hàng chục phi vụ béo bở, Nguyễn Tuấn nhanh chóng nổi lên và tạo được thanh thế trong giới giang hồ. Nhưng đó cũng là lúc gã rơi vào tầm ngắm của cơ quan điều tra. Năm 1995, Nguyễn Tuấn bị truy nã vì tội cưỡng đoạt tài sản có quy mô, tổ chức. Dù khôn ngoan và thay đổi giấy tờ giả nhưng hắn vẫn bị sa lưới và lần này là một bản án 7 năm tù giam. 

Quay đầu là bờ

Vào tù lần thứ 2 sức khỏe yếu hẳn, bỗng gã thấy mình không còn trai trẻ như xưa và bắt đầu run sợ khi nghĩ đến những ngày tháng tiếp theo, khi mình đã về già. Nguyễn Tuấn chia sẻ: “Lần thụ án đằng đẵng này tôi mới thấm thía và nghiệm ra rằng, dù có làm gì, có ranh mãnh đến đâu cũng không qua được lưới pháp luật. Sự day dứt đó đã thôi thúc tôi quyết tâm làm một việc có ích khi ra trại. Bao đêm nằm mà không tài nào ngủ được. Có những người bạn tù đã chết vì không chịu được cảnh cô độc và dằn vặt, lại có người bị di lí về phòng giam đặc biệt để chờ ngày tử hình. Những điều đó cứ quẩn quanh trong ý nghĩ khiến cho tôi nhen nhóm khát vọng trở về cuộc sống bình thường. Có những đêm sau buổi sinh hoạt văn nghệ tập trung với các anh em trong trại do các cán bộ tổ chức, nghe những bài hát về nỗi chia lìa mà lòng tôi cứ quặn thắt không yên”. 

Một trong những người đã tiếp thêm cho khát vọng hoàn lương của Nguyễn Tuấn lại chính là một người bạn đặc biệt cùng buồng giam của gã, người này sau khi cùng ra trại cũng đã giúp được rất nhiều người lầm lỡ khi vào ở trong một ngôi chùa. Ông Tuấn kể rằng: “Người bạn đặc biệt trong trại giam của tôi ngày ấy phải vào trại vì phạm tội trong một hoàn cảnh éo le, cuộc sống đưa đẩy. Cậu ấy lại là người rất tâm niệm với đạo Phật. Thế nên đêm nào cậu ấy cũng đọc kinh sám hối, đọc  những câu triết lí nhà Phật cho hàng chục người trong buồng giam cùng nghe. Ban đầu, chúng tôi cảm thấy rất khó chịu, bực bội nhưng rồi nghe riết thấy thấu hiểu nên mọi người tập trung cải tạo tốt hơn thì phải. Tôi cũng thế, nghe những lời phân tích của người bạn ấy, tôi nhớ nhất câu “quay đầu là bờ”. Đêm nào cũng nhắc nhở mình câu đó trước khi đi ngủ cả. Thêm vào đó, sự tận tình khuyên giải, bảo ban của các cán bộ trong trại giam trong thời gian đó đã giúp tôi tỉnh khỏi giấc mộng giang hồ. Hết thời hạn thi hành án tôi và anh ấy cùng ra trại nhưng do hai đứa học hai nghề khác nhau, tôi học nghề chạm trổ, anh ta học nghề đan lát nên mỗi người một ngả”. 

Vui sướng vì khuyên nhủ được người khác

 Sau ngày ra trại, ông Tuấn với tay nghề khá vững cộng với sự cần cù của mình nên được nhận vào xưởng mỹ nghệ lớn của Sài Gòn. Để xóa đi nỗi cô đơn và buồn tủi, ông lao vào làm việc suốt ngày đêm cho quên đi mọi muộn phiền. Tới khi chợt tỉnh ra thì đã bước qua cái tuổi 50, duyên tình coi như cũng nhỡ nhàng. Hàng ngày những giây phút rảnh rỗi hay quá mệt vì công việc ông lại ra sông Sài Gòn hóng gió vừa cho thoải mái vừa như trút bỏ bớt đi những nỗi niềm.

Chính trong những lần ra sông Sài Gòn giải lao đó ông chướng mắt vì nhìn thấy những cảnh bất bình, ông Tuấn đã bắt hàng chục tên cướp lộng hành ở khu vực này. Lần đầu tiên là vào năm 2009, khi đó trông thấy 2 tên cướp táo tợn giật đồ của một bà cụ ông đã đuổi theo đến cùng để giằng lại. Mấy ngày sau những tên cướp này đến tìm ông Tuấn trả thù nhưng sau trận giằng co thì hai bên làm hòa. Ông Tuấn đã kể cuộc đời mình và dần dần khuyên chúng từ giã những việc làm xấu. Đáng nhớ nhất là năm 2011, chỉ trong vòng 1 tuần mà Nguyễn Tuấn đã truy đuổi theo 6 tên cướp khi chúng thực hiện giật giỏ xách. Những tên tội phạm này đều được ông tận tình khuyên nhủ và vạch ra cho họ những con đường đi tốt đẹp trước mặt. Ông Tuấn bộc bạch: “Mình từng có thời gian như thế nên rất hiểu các đối tượng xấu này. Thật ra phần lớn bản chất của bọn họ chưa hẳn đã là xấu như thế mà có khi do hoàn cảnh thúc ép hoặc bạn bè lôi kéo theo. Thế nên tôi lùa bắt nhưng lại không ác cảm với họ mà chỉ khuyên nhủ họ quay về cuộc sống lương thiện”.

Năm 2012, Nguyễn Tuấn quyết định quay về Ninh Sơn (Ninh Thuận) để mở một quán nhỏ sống cuộc sống bình dị còn lại của mình. Ông tâm sự: Ở đất nghèo tiếp giáp với Lâm Đồng này, nhẹ dạ là sa ngã làm lâm tặc ngay. Có lúc ở đây có đến gần 40 người dân bị lôi kéo làm lâm tặc tàn phá rừng. Thế nên tôi muốn quay về chính nơi thân thương của mình, dùng những sự trả giá đau thương của chính bản thân mình mong cảm hóa những người không tốt quay về với cuộc sống bình thường. Giờ đây, khắp các khu dân cư ở Ninh Sơn hễ cứ nghe đâu có các đối tượng gây rối là Nguyễn Tuấn lại đến can thiệp và khuyên ngăn ngay. Nhiều đối tượng hiểu được tấm chân tình của ông nên cũng rất quý mến.