Thương quá, lớp học Hy vọng

ANTĐ - Lớp học với đủ lứa tuổi khác nhau, được đến từ mọi miền quê. Có em hôm nay còn đến lớp, ngày mai đã mãi mãi ra đi. Giáo viên không chỉ là các thầy cô giáo đến từ các trường tiểu học mà còn là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, họa sĩ, ca sĩ, tiến sĩ, giáo sư… tất cả đều tình nguyện. Lớp học được đặt ngay trong khuôn viên… bệnh viện.

Mang con chữ đến tận giường bệnh

Ngày 16-11-2011, lớp học Hy vọng chính thức được khai giảng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, đến nay đã gần 5 tháng. Những cháu bé với chiếc đầu trọc lốc, khuôn mặt xanh rớt vì những đợt tiêm truyền hóa chất, bàn tay cầm bút vẫn còn nguyên kim truyền và băng gạc. Tuy nhiên nỗi đau bệnh tật vẫn không ngăn được bước chân các em đến lớp, niềm vui gặp bạn bè và thầy cô, tiếng cười vang lên trước những câu chuyện hài hước. Lớp học cũng bắt đầu khá muộn, thường từ 9h30-10h, khi các em đã hoàn tất việc tiêm truyền, xét nghiệm vào đầu giờ sáng. Ngoài ra còn có những em phải vác cả dây truyền đến lớp, vừa học vừa truyền thuốc, truyền nước. Hình ảnh đó đã không còn xa lạ. 

Được biết, trước khi khai giảng, bệnh viện có phát phiếu thăm dò thì có đến 92,68% bệnh nhi muốn tham gia lớp học Hy vọng trong thời gian nằm viện. Điều đó cho thấy các em thực sự rất muốn đến lớp, muốn đi học. Theo GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc bệnh viện: “Tại Bệnh viện Nhi TƯ cũng như ở tất cả các bệnh viện trong cả nước, rất nhiều trẻ em trong độ tuổi đi học không được cắp sách đến trường vì phải nằm viện dài ngày hoặc điều trị bệnh hiểm nghèo. Đã từ lâu Ban lãnh đạo bệnh viện khát khao tổ chức được lớp học ngay tại Bệnh viện cho các bệnh nhi đang nằm điều trị. Nhìn các cháu trở đi trở lại bệnh viện, phải nằm viện nhiều ngày làm gián đoạn việc học ở trường, bị lưu ban không lên được lớp do nghỉ lâu không theo kịp, rồi những cháu chưa có may mắn được đi học ngày nào vì bệnh nặng, chúng tôi thật sự xót xa”. Chỉ cần một lần vào Viện Nhi, chúng ta đều có cảm giác nghẹn thở trước hình ảnh những cháu bé còn rất bé, gầy yếu, xanh xao nhưng đã sớm phải chống chọi với bệnh tật, mà rất nhiều trong số đó là những bệnh nan y, không có hy vọng cứu chữa. 

Bắt nguồn từ mong muốn mang con chữ đến tận giường bệnh cho các em, bệnh viện và các nhà hảo tâm đã xây dựng ngay tại bệnh viện một lớp học như thế. Lớp học mang tên Hy vọng với ước mong tiếp thêm hy vọng, nghị lực cho các em nhỏ sớm thiệt thòi. 

Lớp học mở ra đã thu hút sự chú ý và quan tâm của rất nhiều người. Riêng chúng tôi thì thấy vô cùng xúc động về nghĩa cử của những người thầy thuốc. Họ đã không chỉ ngày đêm vật lộn để giành giật sự sống cho các cháu mà còn nghĩ đến việc đem con chữ đến tận giường bệnh cho các em, nối dài thêm hy vọng cho những đứa trẻ và cả cho cha mẹ chúng. Đây có thể nói là loại hình lớp học đầu tiên trên cả nước mà ở đó các em sẽ được thoát ra khỏi không gian đặc mùi thuốc của phòng bệnh để đến với những bài học về kỹ năng sống, kỹ năng chiến thắng bệnh tật, để mỗi ngày có thêm một niềm vui mới.

Việc làm này khiến chúng tôi nghĩ đến những bữa cơm từ thiện, những cái Tết ấm áp mà chính Bộ trưởng Bộ Y tế, Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô và nhiều cơ quan, đoàn thể khác đã đến trao từng bát cơm, từng cái bánh chưng, từng gói quà với mong muốn các em sẽ có thêm niềm vui, tiếng cười, niềm tin vào một ngày mai tươi sáng hơn. Các em đáng được nhận nhiều hơn nữa sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng, xã hội.


Những số phận nghiệt ngã

 Tại lớp học Hy vọng, các em đa số là những bệnh nhi bị bệnh ung thư, suy thận, tiểu đường, phải nằm điều trị tại bệnh viện lâu ngày. Và điều đáng nói là đa số gia đình các em đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ở các vùng sâu, vùng xa. Mặc dù hàng ngày chứng kiến cảnh các em đau đớn vì bị chọc tủy, truyền hóa chất và nhiều em đã không thể qua khỏi nhưng những người mẹ khắc khổ vẫn gạt đi nước mắt, cõng con xuống lớp học để các em có thêm niềm vui. Phần trăm thành công có thể chỉ là 50/50 hoặc ít hơn, nhưng tất cả những người bố, người mẹ tại đây đều quyết tâm đến cùng, “còn nước còn tát” dù có phải bán nhà cửa, bán tất cả, miễn là cứu được con. Và với những người cha người mẹ ấy, khi cho con mình tham gia lớp học Hy vọng  thì họ cũng như được nối dài thêm hy vọng rằng con họ sẽ sống và được sống để còn được tiếp tục đến trường.

Em Nguyễn Thanh Huyền, học lớp 5, trường tiểu học Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội đã nằm tại đây hơn 1 năm. Kể về bệnh tình của Huyền, mẹ em khóc nấc lên: “Cháu bị u lym-pho giảm bạch cầu. Hơn một năm trước, cháu kêu đau bụng, buồn nôn và phải đi cấp cứu ở bệnh viện ngay trong đêm. Cháu mổ sinh tiết xét nghiệm u ác, đánh thuốc 3 đợt (truyền hóa chất), cháu mới mổ cắt hẳn u, giờ đang đợi kết quả của bác sỹ”. Mọi chi phí, sinh hoạt của hai mẹ con đều trông cậy vào việc vay mượn họ hàng, làng xóm và 4 sào ruộng. Bản thân chị cũng bị bệnh tim nhưng từ ngày phát hiện con bị ung thư, cả nhà phải dồn hết vào chữa trị cho cháu. Để tiết kiệm, chị ở tập trung với giá 15.000 đồng/người để hàng ngày đi chợ, mua thức ăn về bồi bổ cho con.  Mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng Huyền rất chăm chỉ và ham học. 4 năm qua em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Giờ phải nằm viện Huyền rất nhớ trường, nhớ lớp. Vì vậy khi có lớp học Hy vọng, em rất vui và hạnh phúc, ngày nào cũng đòi đi học. Em là cô bé hay cười và học tiếng Anh giỏi nhất lớp. “Con bé hay cười lắm, nó bảo thầy giáo dạy: Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ, bằng một rổ penicilin, nên con phải cười thật nhiều để nhanh khỏi bệnh. Vì vậy ước mong lớn nhất của tôi là con khỏi bệnh, dù có phải đi ăn xin, ăn mày hay làm gì chăng nữa tôi đều chấp nhận, ngoài ra không mong gì hơn”, chị tâm sự.

Đó cũng là ước mong lớn nhất của hầu hết người cha, người mẹ có con điều trị tại đây. Cũng mắc căn bệnh ung thư máu, Nguyễn Thành Nam, 8 tuổi, quê Lục Ngạn, Bắc Giang đã nằm ở đây 5 tháng. Từ 25kg xuống còn 15kg, tóc rụng trọc đầu, chân tay khô đét. Bác sĩ nói bố mẹ phải chuẩn bị tâm lý xấu nhất nên lúc nào hai vợ chồng chị cũng túc trực bên con 24/24h. Chị vì lo lắng và buồn khổ mà cũng sụt 10kg, chỉ còn 35kg, cả nhà ai cũng héo mòn vì lo cho sức khỏe của Nam. Những ngày khỏe mạnh, bố lại cõng Nam xuống lớp học để em có thêm nghị lực chống chọi với bệnh tật. Kể về con, chị Nga, mẹ Nam lại ứa nước mắt: Nhiều đêm tôi cứ ra ngoài ban công hướng nhìn lên trời cầu Trời khấn Phật cho Nam khỏi bệnh chứ nếu nó không qua được thì tôi cũng không thiết sống nữa. Con cứ mỗi ngày một gầy yếu hơn mà tôi không biết phải làm sao. Sao ông Trời không bắt tôi chịu bệnh mà lại là nó, thằng bé mới 8 tuổi”. Tết vừa qua chị cũng không dám đưa Nam về quê ăn Tết vì sợ…

Không được may mắn như Nam, mặc dù đã đăng ký tham gia lớp học Hy vọng nhưng bé Nghiêm Văn Đạt, 9 tuổi đã vĩnh viễn ra đi. Em đã có thâm niên nằm lại khoa Huyết học lâm sàng A9 từ lâu nhưng trong lần nhập viện này, bệnh tình của em nặng hơn trước rất nhiều. Ngoài bị suy tủy nặng dẫn đến nhiễm trùng huyết, Đạt còn bị biến chứng viêm gan A, C nặng. Hôm đó sau khi ăn được mấy thìa cháo thì em bị suy hô hấp. Bác sĩ tiến hành cấp cứu hơn một giờ nhưng không được. Cơ thể em đã quá yếu, tiểu  cầu xuống thấp đến mức nguy hiểm, mạch yếu, tụt huyết áp, khó thở. Qua chẩn đoán, bác sĩ kết luận Đạt đã bị sốt huyết não dẫn đến sự ra đi đột ngột này. Cái chết của em khiến cả lớp học ngẩn ngơ. Em đã mong được một lần đến lớp từ lâu, ngày nào các bạn cùng phòng đi học về Đạt cũng hỏi hôm nay học môn gì, ai dạy, có vui không. Bố mẹ bảo hôm nào khỏe lên thì cho Đạt đi học với các bạn. Thế mà không kịp.

Lớp học của tình người

Hơn 5 tháng đã qua đi kể từ ngày lớp học bắt đầu những buổi học đầu tiên nhưng đã nhận  được sự quan tâm, chú ý của nhiều người. Tất cả những giáo viên ở đây đều tự nguyện dạy cho các em. Ca sĩ Thái Thùy Linh dạy nhạc, Hoa hậu Jennifer Phạm dạy vẽ. Hoa hậu Dương Thùy Linh dạy kỹ năng sống. Cùng những giáo viên tại trường tiểu học Nam Thành Công, các bạn sinh viên tại nhiều trường đại học trên địa bàn Hà Nội cũng đến giảng dạy cho các em. 

Một người thầy đặc biệt khác là họa sĩ Hoàng Văn Quảng, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, hiện đang công tác tại Viện Nhi, dù đang mang trong mình căn bệnh ung thư nhưng cũng hết lòng đến với các em. Những buổi học vẽ của thầy luôn khiến các em rất vui và thêm nghị lực, niềm tin vào một ngày mai. Ngoài ra còn biết bao thầy cô đã không quản ngại vất vả tự nguyện tìm đến đăng ký để mang tất cả kiến thức, bài học về cuộc sống của mình đến với các em. Cho đi để nhận lại, tôi nghĩ với bất cứ ai đó cũng là niềm hạnh phúc, niềm hạnh phúc được sẻ chia, được giúp đỡ.

Cuộc sống của các em dù rất mong manh, có thể hôm nay còn đến lớp mà ngày mai đã vĩnh viễn ra đi. Nhưng niềm khát khao học tập, sự lạc quan và nghị lực dường như luôn cháy bỏng. Rời lớp học, hình ảnh những cái đầu trọc lốc, nước da xanh xao, trên bàn tay còn kim truyền cứ ám ảnh chúng tôi. Đáng lẽ vào lứa tuổi này, các em phải được đến trường và khỏe mạnh, phơi phới, vui tươi như bao bạn bè cùng trang lứa. Nhưng số phận nghiệt ngã đã đẩy các em sớm phải đương đầu với bệnh tật, nỗi đau quá lớn cả về thể xác và tinh thần. Mong rằng một thời gian ngắn nữa, các em sẽ lại được trở về nhà, về trường cũ, lớp cũ và niềm vui của trẻ thơ. Lớp học Hy vọng cùng các thầy cô, bạn bè sẽ mãi là khoảng thời gian đáng nhớ nhất để các em thêm động lực bước tiếp trên con đường đời.