Gặp lại “anh hùng châu Á” nhiễm HIV

ANTĐ - Tiếp xúc với chị Phạm Thị Huệ, người phụ nữ được tạp chí Time của Mỹ bầu chọn là “Anh hùng châu Á”, ai cũng sẽ bị cuốn hút bởi sự lạc quan của chị. Sự lạc quan đó không chỉ giúp chị vượt qua căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, mà còn tiếp sức cho rất nhiều hoàn cảnh khác.

Gặp lại “anh hùng châu Á” nhiễm HIV ảnh 1Chị Huệ luôn nở nụ cười tươi

Nụ cười chiến thắng

Tôi gặp chị nhiều lần, khi thì trong hội thảo, khi thì là những cuộc nói chuyện với sinh viên, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ. Gần đây nhất, tôi gặp chị trong buổi giới thiệu sách của nữ nhà văn tật nguyền Trần Trà My. Chị Huệ gây chú ý bởi nụ cười, được diễn giả Nguyễn Sơn Lâm - người cũng từng vượt lên số phận để trở thành biểu tượng của tinh thần lạc quan nói đó là nụ cười mang ngọn gió mát lành, tiếp thêm sức sống cho biết bao hoàn cảnh, số phận thiệt thòi khác.

Vâng, nói thế không ngoa, bởi người lần đầu biết chị, không ai nghĩ chị mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, bởi chị đã chiến thắng nỗi buồn, nỗi đau để đứng lên, nở nụ cười lúc nào cũng tươi như bông hoa giữa cuộc đời. Giờ, trên gương mặt chị, chỉ có nụ cười của tự tin, sẻ chia đồng cảm. Vì sao chị có thể lạc quan được đến thế, trong khi rất nhiều người mắc bệnh đã giấu nhẹm vì xấu hổ? Huệ lý giải: “Tôi đã học cách sống chung với bệnh tật, coi nó là một phần cuộc sống rồi, có như vậy thì mới đủ lạc quan, để sống khỏe, còn phải giúp nhiều người mắc căn bệnh này, chia sẻ và chăm sóc họ nữa”.

Cứ như những gì chị nói, và biết bao nhiêu sự đúc rút kinh nghiệm thực tế, thì nụ cười đúng là bằng mười thang thuốc bổ. Sự lạc quan chắc bằng cả… trăm thang! Suốt 14 năm sống chung với HIV/AIDS thì đến nay sức khỏe của chị Huệ vẫn bình thường. Công việc hàng ngày cũng mang lại cho tôi niềm vui và đó cũng chính là những liều thuốc rất quý giá (thuốc tinh thần, không mất tiền mua)”, Huệ tự hào cho biết.

Vâng, ngược dòng quá khứ, từ khi biết mình nhiễm HIV đến khi tự tin đi nói chuyện, chia sẻ thông tin, dám đứng lên nói mình “có H”, tiếp sức cho nhiều hoàn cảnh khác, với chị là cuộc “vượt thoát” ngoạn mục. Năm đó, Huệ lấy chồng với biết bao hy vọng về mái ấm hạnh phúc, chị không biết chồng mình từng mắc nghiện. Rồi chị có con, chính những ngày vui sướng đến bệnh viện sinh con là ngày chị nhận được tin sét đánh. Bác sĩ nói chị đã nhiễm HIV. Một tuần nằm trong bệnh viện là một tuần sống trong tuyệt vọng, đau đớn, nhiều người không dám đến gần. Dù đã vượt qua cảm giác đó, chị vẫn thấy rùng mình. 

Những năm đầu khi mới phát hiện bản thân bị nhiễm HIV và phải đối mặt với sự kỳ thị, phân biệt đối xử rất nặng nề của cộng đồng chị đã rơi vào trạng thái tuyệt vọng và có hai lần định kết liễu cuộc đời mình để trốn thoát sự kỳ thị đó. Nhưng vì thương đứa con trai bé bỏng, nó được kết luận không nhiễm HIV, chị lại không đành. Rất may mắn ngay sau đó chị được một số người thân trong gia đình, một số cán bộ Hội phụ nữ Hải Phòng và cán bộ y tế đã giúp vượt qua. Chính vì vậy chị rất thấm thía câu nói: “Người yêu người bao nhiêu cũng thiếu, người ghét người chút xíu cũng dư…”.

Nói gì thì nói, với nhiều người khi đó căn bệnh vẫn là cái gì thật khủng khiếp. Cứ vài tháng gia đình Huệ phải chuyển nhà một lần vì chủ nhà biết nên… đuổi khéo. Trong nỗi phiền muộn, Huệ tự hỏi vì sao người “có H” lại bị kỳ thị đến như vậy? Chẳng lẽ cứ sống bế tắc mãi sao? Huệ nghĩ phải làm một cái gì đó để giảm bớt sự kỳ thị này, để cuộc sống của mình có ý nghĩa. Vậy là chị đã tham gia những tổ chức phòng chống HIV tại Hải Phòng, gặp gỡ với nhiều chị em cùng cảnh ngộ, công khai chuyện mình nhiễm HIV. Những người cùng cảnh ôm chị, họ khóc bên nhau, rồi khi tạm khô dòng nước mắt, họ biết mình cần phải cười, phải vươn lên. 

Tháng 10-2003, nhóm Hoa phượng đỏ ra đời với sáu thành viên đầu tiên do chị Huệ thành lập. Hàng ngày nhóm giúp tư vấn, hỗ trợ động viên tinh thần cho người nhiễm HIV; tham gia các hoạt động tuyên truyền, tập huấn về HIV cho cộng đồng… Hiện nay chị Huệ đang làm Trưởng phòng truyền thông của Trung tâm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phòng chống HIV/AIDS tại Hải Phòng, và quản lý dự án: “Hỗ trợ ông bà chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại Hải Phòng” do tổ chức KOICA (Hàn Quốc tài trợ), ngoài những công việc truyền thông phòng chống HIV/AIDS chị Huệ còn tham gia chia sẻ kinh nghiệm, bí kíp giữ gìn sức khỏe, công việc này đã cứu sống được khá nhiều người.

Mang trái tim mình vào công việc

Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả của Huệ. Chị cá tính và dám làm. Năm 2009 một lần nữa, Phạm Thị Huệ lại dũng cảm tham gia đóng bộ phim “Siêu thoát” của đạo diễn Vĩnh Khương để làm từ thiện, đó là xây dựng “Quỹ chăm sóc trẻ nhiễm HIV”. “Siêu thoát” nói về cuộc đời một cô gái điếm tên Thu với số phận hẩm hiu, đớn đau tột cùng, bế tắc tột cùng và trong những lần hành nghề, cô bị nhiễm HIV. Cô có số phận hẩm hiu, đớn đau, bế tắc tột cùng. 

Ai đã từng xem phim sẽ thật xúc động với nhân vật Thu. Qua bao nhiêu va đập, cô còn lại gì? Và cô có gì khác với Huệ ngoài đời? Huệ ở ngoài đời bị lây nhiễm từ chồng, còn Thu thì lây nhiễm từ việc hành nghề. Nhưng cả hai chung số phận đớn đau tột cùng, và đều cố gắng hướng lên phía trước. Trong phim Siêu thoát, nhân vật Thu, cô gái “bán hoa” được đặt cạnh một người đàn ông giàu có cũng bất hạnh không kém. Đạo diễn muốn chuyển thông điệp: bất hạnh không chừa một ai. Bất hạnh không đến từ hoàn cảnh, mà chính từ sự vô cảm của con người gây ra. Chọn Huệ vào vai chính, đạo diễn muốn nói rằng: Con người dù ở hoàn cảnh bi thương nhất, tận cùng khổ đau cũng có thể vươn lên, thành người có ích.

Hơn một tháng quay phim dường như không nghỉ, với nhiều địa điểm khác nhau, Huệ đã chứng tỏ nghị lực của mình, là người “trụ” được lâu nhất trong đoàn làm phim. Huệ tâm sự: “Năm 2009 đạo diễn Vĩnh Khương có gọi điện mời tôi tham gia đóng vai chính trong bộ phim “Siêu thoát” nhưng tôi không đồng ý. Nhưng đạo diễn Khương là một người bền bỉ và nhiệt tình, anh ấy đã thuyết phục tôi tham gia bộ phim này vì mục đích ý nghĩa nhân văn. Thông qua kịch bản phim đạo diễn muốn chuyển tải những thông điệp sống tới cộng đồng nên tôi đã đồng ý tham gia. Tuy nhiên lúc đó tôi rất lo lắng vì tôi chưa tham gia đóng phim bao giờ, được sự động viên và chỉ bảo của đạo diễn Vĩnh Khương thì sau hơn một tháng tôi đã tự tin và hoàn thành vai diễn và được đạo diễn đánh giá tốt”.

Tâm sự với tôi, chị Huệ cho biết đang viết hồi ký về cuộc đời mình với hy vọng để lại cho các bạn trẻ những bài học kinh nghiệm, những trải nghiệm của bản thân. Tuy nhiên chị lại đang phân vân không biết có nên đưa câu chuyện của mình ra rộng rãi cộng đồng hay không? Chị sợ nhiều người lại hiểu sai về mục đích, kể cả những người thân có thể họ cũng sẽ không hiểu được điều tôi muốn làm, trong câu chuyện về đời tôi có liên quan đến những người thân.

Bây giờ, tự tin nở nụ cười với cuộc đời, chị thấy tự hào vì mình đã đứng lên và bước qua những sóng gió của cuộc đời để bây giờ có một cuộc sống tràn đầy sự yêu thương của gia đình và cộng đồng. Mỗi công việc chị làm đều muốn mang lại điều gì đó tốt đẹp nhất cho bản thân và cộng đồng. Chị thổ lộ: “Tôi biết có nhiều người vẫn chưa hài lòng lắm về những gì đang làm nhưng bản thân tôi đã rất cố gắng vì sức lực và trí tuệ của tôi chỉ có hạn, tôi chỉ biết mang trái tim mình vào công việc và cố gắng để bản thân mình không phải là gánh nặng cho gia đình và cộng đồng. Như thế đã là điều hạnh phúc nhất đối với tôi”.

Nữ nhà văn Trần Trà My khi gặp Phạm Thị Huệ đã xúc động nói: Tôi vẫn nghĩ người nhiễm HIV thì gầy gò, tiều tụy. Nhưng gặp chị lại thấy tỏa ra niềm vui. Ẩn sâu trong đôi mắt chị là một thân phận người phụ nữ đã trải qua bao thăng trầm, bao thị phi, đắng cay buồn tủi. 30 phút trò chuyện với chị, câu chuyện có lúc khiến tôi như chết lặng. Chị đã khiến nước mắt tôi rơi, và cảm phục.