Xưng là người nhà của người có chức vụ, xâm hại lợi ích người khác, phạm tội theo tội danh nào?

ANTĐ - Ngày 25-1, Bộ Giao thông Vận tải vừa có Công văn gửi các cơ quan tham mưu giúp việc Bộ trưởng, các đơn vị trực thuộc Bộ và các Sở Giao thông Vận tải về hiện tượng lợi dụng trong công tác, xưng là người nhà của Bộ trưởng Đinh La Thăng để liên hệ công tác. Nội dung công văn ghi rõ: 

Thời gian gần đây, Bộ Giao thông Vận tải nhận được thông tin phản ánh về hiện tượng có một số người đến (hoặc gọi điện thoại) tới các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và Sở Giao thông Vận tải để liên hệ công tác, làm việc và xưng danh là người thân, quen của đồng chí Bộ trưởng Đinh La Thăng. Việc làm này ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của đồng chí Bộ trưởng cũng như công việc chung của Bộ; đồng thời gây phiền hà đối với các cơ quan, đơn vị.

Để tránh tình trạng lợi dụng uy tín nhằm mưu lợi cá nhân, đồng thời làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, cũng như giữ gìn kỷ cương trong thực thi công vụ, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các cơ quan, đơn vị không tiếp, làm việc và giải quyết bất kỳ yêu cầu nào của các đối tượng trên. Đồng thời cần báo ngay cho Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải và cơ quan Công an để kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.

Như vậy tình trang giả danh các quan chức chính quyền, các nhân viên công vụ đã trở nên phổ biến và phức tạp, đặt các cơ quan pháp luật và tố tụng trước những nhiệm vụ mới cũng gay go và phức tạp. Trong năm 2014, Công an Hà Nội đã phát hiện một vụ giả danh Văn phòng Chính phủ cùng hàng loạt văn bản giả mạo chữ ký của Thủ tướng cùng các con dấu các cơ quan chính phủ để lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng. Công an Hà Nội cũng phá án thành công một vụ án giả danh Thứ trưởng Bộ Y tế nhận xin việc cho nhiều người vào làm việc tại các bệnh viện công nổi tiếng, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng. Nhóm tội phạm này còn trắng trợn thuê một ông xe ôm đóng vai... Thứ trưởng Bộ Y tế để gặp gỡ các nạn nhân.

Hàng loạt các vụ giả danh người có chức vụ, quyền hạn để cưỡng đoạt tài sản, giả danh công chức lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới dạng xin việc, chạy án, lo xuất khẩu lao động... trên internet,  giả danh các cơ quan tố tụng, giả danh các doanh nghiệp công ích...

Dĩ nhiên có rất nhiều nguyên nhân xã hội để tình trạng tội phạm giả danh phát triển, tuy nhiên trong bài này, chúng tôi chỉ muốn đặt vấn đề pháp lý của cuộc chiến chống loại tội phạm này. Đó là với các tội phạm giả danh người có chức vụ quyền hạn các căn cứ định tội danh, các chế tài xử lý như thế nào?

Xưng là người nhà của người có chức vụ, xâm hại lợi ích người khác, phạm tội theo tội danh nào? ảnh 1Ảnh: Minh họa

Có dấu hiệu cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Có thể phân loại các  tội phạm giả danh theo các vai mà đối tượng đóng để nhằm nhiều mục đích khác nhau. Nguy hiểm nhất là nhóm giả danh các quan chức, công chức Nhà nước. Nhóm này thường chọn các con mồi lớn là các doanh nghiệp đang cần việc làm, các doanh nghiệp đang vướng mắc những vấn đề liên quan đến pháp luật, thuế, vi phạm hành chính...

Các tội phạm loại này thường thuê các loại xe có biển xanh hoặc các loại xe biển trắng nhưng sang trọng để tiếp cận các nạn nhân. Chúng chuẩn bị rất kỹ kịch bản, giấy tờ văn bản giả mạo chữ ký, con dấu của các cơ quan có chức năng. Ngoài các văn bản, chúng thường chuẩn bị những số điện thoại giả là quan chức có chức vụ cao sẵn sàng nghe điện thoại để nối điện thoại hù dọa các nạn nhân. Hành vi của các đối tượng này là tạo hình ảnh để nạn nhân tưởng mình là những người có quyền chức, có khả năng lo lót công việc, sau đó các đối tượng  đưa ra các lý do để đòi tiền, đòi quà, đòi chi phí bôi trơn, đòi chiêu đãi, đòi ở khách sạn sang trọng mà không làm việc với các cơ quan chức năng địa phương. Đó chính là hành vi làm cho nạn nhân tưởng giả là thật mà đưa tiền cho đối tượng. Hành vi này đã cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nên cần bị truy tố theo tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bùi Quang Thu (Trần Hưng Đạo, TP Bắc Giang)

Nếu chỉ giả danh mà chưa chiếm đoạt tài sảncũng phải bị truy tố

Trong trường hợp đối tượng giả danh Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, để gây sức ép, để tạo thanh thế với cơ quan đến làm việc nhằm mục đích đạt được điều mà đối tượng mong muốn. Hành vi này, đối tượng chưa chiếm đoạt tài sản ngay tức khắc. Song đây là hành vi hết sức nguy hiểm, nó không chỉ là hành vi làm ảnh hưởng đến danh dự của người khác, mà còn có thể gây ra hậu quả lớn nếu như các cơ quan đơn vị chủ quan thực hiện yêu cầu của đối tượng. Tôi cho rằng, đối tượng giả danh dù chưa thực hiện được mục đích vẫn có thể bị truy tố hình sự về tội giả mạo chức vụ, cấp bậc.

Trần Quang Đức (P Hàng Gai, Q Hoàn Kiếm, TP Hà Nội)


Hành vi giả danh người có chức vụ làm ảnh hưởng đến uy tín của người đó


Giả danh một người cụ thể tức là đã làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người đó. Luật Dân sự quy định, danh dự nhân phẩm cá nhân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Việc giả danh người khác, lợi dụng uy tín của người đó để vụ lợi là hành vi xâm hại đến quyền lợi ích hợp pháp, xâm hại danh dự, uy tín của người bị giả danh.Hiện nay, hành vi giả danh người có chức vụ đang diễn ra rất phổ biến. Cần phải nghiêm trị các đối tượng giả danh này. 

Đinh Lê (Hà Đông, Hà Nội)

Các cơ quan doanh nghiệp cũng cần phải đề phòng 

Đối tượng giả danh người có chức vụ, quyền hạn để thực hiện các hành vi lừa đảo, hoặc gây sức ép với các cơ quan đơn vị để vụ lợi, rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng quan trọng hơn, tất cả các doanh nghiệp, các cá nhân cần hiểu rõ các quy định pháp luật trong các quan hệ làm việc, quan hệ cá nhân và hành xử trong khuốn khổ pháp luật. Không nên có các động cơ dành được phần lợi bằng các thủ đoạn vi phạm pháp luật, thủ đoạn ngoài các quy định pháp luật. Chỉ như vậy mới tránh được các tội phạm giả danh. 

Bạch Thái Hùng (Thủy Nguyên, Hải Phòng)

Bình luận của luật sư 


Đối với tội phạm giả danh, hiện nay theo án lệ thường có hai quan điểm. Một là chế tài hành vi giả danh theo Điều 265 Bộ luật Hình sự: Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc quy định: Người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Nếu tội phạm có chức vụ nhưng giả danh chức vụ khác hoặc cao hơn để nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị truy tố theo Điều 284 Bộ luật Hình sự: Tội giả mạo trong công tác có khung hình phạt đến mười năm tù. Hình thức xử lý này thông thường áp dụng trong trường hợp các tội phạm giả danh đã giả danh nhưng chưa thực hiện được mục đích của việc giả danh là chiếm đoạt tài sản, gây thiệt tại đến tài sản, sức khỏe, sinh mạng người khác. Có thể ví dụ, chiều 11-9, đội CSGT Hàng Xanh, thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP.HCM đang làm nhiệm vụ trên tuyến quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức thì Lộc mặc sắc phục công an, đeo cấp hàm cấp trung úy xưng là cán bộ thuộc Bộ Công an có mặt để kiểm tra công việc của tổ CSGT này. Nghi ngờ vị cán bộ công an giả mạo nên tổ CSGT yêu cầu xuất trình giấy tờ. Xác minh, Lộc giả mạo là trung úy công an, lập tức Lộc bị bắt giữ và xử lý theo Điều 265 Bộ luật Hình sự: Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc.

Tuy nhiên, hầu hết các tội phạm giả danh đã bị xử lý trước pháp luật đều bị truy tố theo tội danh mà các tội phạm giả danh để vi phạm, ví dụ cưỡng đoạt, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thậm chí là cướp tài sản, trộm cắp tài sản. Có thể ví dụ: Ngày 24-9, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Vũ Việt Hùng (SN 1971, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) 18 năm tù giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong thời gian từ năm 2009 đến 2013, Hùng giả danh, lấy tên là N.N.L, công tác tại Bộ Công an để lừa đảo nhiều tỷ đồng của 7 người bị hại. Ngày 26-1, TANDTP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tuyên phạt tù chung thân đối với bị cáo Nguyễn Thị Yến (34 tuổi, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Theo cáo trạng của VKSND TP Hà Nội, Nguyễn Thị Yến là người phụ nữ đang nuôi 2 con nhỏ, không có nghề nghiệp ổn định. Để có tiền tiêu xài, Yến luôn “nổ” mình là cán bộ Hải quan, cán bộ thuế, phó thanh tra cục thuế... có nhiều mối quan hệ rộng rãi trong xã hội và có khả năng xin được việc, mua được hàng thanh lý giá ưu đãi lừa đảo chiếm đoạt của các nạn nhân số tiền 5,5 tỉ đồng.

Kẻ giả danh người có chức vụ, quyền hạn để phạm tội luôn tin rằng chỉ cần dùng các thủ đoạn gian dối là có thể thực hiện hành vi phạm tội một cách dễ dàng. Tuy nhiên, mọi hành vi phạm tội đều bị phát hiện và xử lý triệt để. Khi bị phát hiện, những kẻ này sẽ bị xử lý theo tội danh đã thực hiện. Chẳng hạn, nếu tội phạm giả danh để lừa tiền thì phạm tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139, Bộ luật Hình sự... với những tình tiết tăng nặng là giả danh người có chức vụ quyền hạn. Ngoài ra, những đối tượng còn làm giả giấy tờ để dễ giả danh, ngoài việc bị xử lý về tội phạm đã thực hiện còn bị xử lý về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 267, Bộ luật Hình sự với mức án lên tới 7 năm tù.

Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà nội)