Xét xử vụ gây tai nạn làm 2 CSCĐ thiệt mạng:

Tình tiết quan trọng đã bị bỏ qua

ANTĐ - Là một tiếp viên hàng không, Tùng hoàn toàn nhận thức được pháp luật nghiêm cấm người điều khiển xe ô tô uống rượu, bia. Vậy nhưng chẳng biết “vô tình hay hữu ý”, thanh niên này lại tự đưa mình vào tình trạng “nửa tỉnh nửa say”, để rồi gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng…  

Tai nạn kinh hoàng lúc nửa đêm

Nguyễn Huy Tùng tại phiên tòa ngày 29-8

Hơn 1h sáng 4-3, Nguyễn Huy Tùng (SN 1984, trú ở phố Võng Thị, phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội) rời khỏi quán bar Next stop trên đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy. Sau cuộc rượu thứ 3, Tùng thấy trong người đã có phần chếnh choáng, nhưng vẫn cố cầm lái chiếc xe ô tô 4 chỗ BKS: 29A - 095.01 để về nhà.

Đêm khuya, đường vắng, Tùng càng được thể “mát ga” hơn. Đến gần ngã ba dốc La Pho - Thụy Khuê, phát hiện thấy một xe máy đang đi phía trước, Tùng nhấn ga cho xe ô tô vượt lên. Đúng lúc ấy, Tùng cũng lờ mờ nhận ra xe ô tô của mình đang lao vào một xe máy khác lưu thông cùng chiều. Tùng co chân đạp phanh, nhưng bàn chân lại líu ríu đạp thẳng vào chân ga. Vì thế mà chiếc xe ô tô hiệu Yaris đã điên cuồng lao thẳng vào xe máy BKS: 30H2 - 7313 do chiến sỹ Phương Văn Sơn điều khiển, phía sau chở Thượng úy Lê Văn Sinh. Cả 2 anh cùng công tác tại Đại đội 2 - Trung đoàn CSCĐ, CATP Hà Nội.

Cú đâm quá mạnh, khiến chiến sĩ Phương Văn Sơn bị mắc kẹt trên đầu xe ô tô, còn Thượng úy Lê Văn Sinh thì bị hất văng xuống mặt đường. Xe ô tô do Tùng điều khiển không chịu dừng lại ngay mà tiếp tục đâm đổ một bức tường gạch, sau đó đâm sầm vào một cột điện trước trụ sở CAP Thụy Khuê.

Hậu quả vụ tai nạn kinh hoàng khiến Thượng úy Lê Văn Sinh chết ngay tại chỗ, chiến sỹ Phương Văn Sơn cũng tử nạn  sau đó. Kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe gây tai nạn, cơ quan công an xác định trong máu của Nguyễn Huy Tùng chứa 22,9%mg cồn/100ml máu.            

      

Tiền nào “mua” nổi mạng người? 

Với hành vi nêu trên và từ kết quả điều tra, Nguyễn Huy Tùng bị VKSND TP Hà Nội truy tố theo tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Điều 202 - BLHS) với các tình tiết tăng nặng là trong tình trạng sử dụng rượu, bia và gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Tại phiên tòa sơ thẩm hôm qua (29-8), bị cáo tỏ rõ thái độ ăn năn, thành khẩn khi khai nhận lại toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Thế nhưng, phiên tòa lại bất ngờ “nóng lên” trong phần xem xét trách nhiệm bồi thường dân sự. Theo đó, chị Đoàn Thanh Trà (vợ Thượng úy Lê Văn Sinh) đề nghị tòa án tuyên buộc bị cáo phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho 2 con của vợ chồng chị (cháu Nhật Anh, SN 2003 và cháu Nhật Linh, SN 2008) đến năm đủ 18 tuổi tổng cộng là 311 triệu đồng.

Tuy nhiên, phía gia đình bị cáo lại tỏ thái độ không bằng lòng vì cho rằng số tiền đó quá lớn. Đáng buồn hơn, luật sư bào chữa cho bị cáo còn cho rằng mức trợ cấp nuôi các con của Thượng úy Lê Văn Sinh chỉ hơn 100 triệu đồng là hợp lý… Tranh cãi tiếp tục “nổ ra”, song tận mắt chứng kiến bé Nhật Anh và Nhật Linh hồn nhiên nô đùa ngay tại phiên tòa, chẳng mấy người cầm nổi nước mắt. Các bé còn quá nhỏ nên không thể cảm nhận hết nỗi đau đớn mất đi người cha và càng không thể hình dung nổi những khó khăn, vất vả mà cả 3 mẹ con sẽ phải đối mặt sau này. Có người bảo rằng cho dù số tiền bồi thường có gấp nhiều lần mức chị Trà đề nghị đi chăng nữa thì Thượng úy Lê Văn Sinh cũng đâu thể sống lại được!

Theo dõi diễn biến phiên tòa nhiều người còn nhận thấy một tình tiết rất quan trọng của vụ án đã bị bỏ qua. Cụ thể là tất cả các lời khai của bị cáo và của những người làm chứng trong giai đoạn điều tra đều chỉ thể hiện Tùng bị bắt giữ ngay tại chỗ. Tuy vậy tại tòa, Tùng nhắc đi nhắc lại việc bị cáo đã bỏ chạy khỏi hiện trường trước khi bị các chiến sỹ CSCĐ bắt giữ... Rõ ràng đây là tình tiết rất quan trọng, mang tính định khung, nhưng đã không được các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, làm rõ. Kết thúc phiên xét xử, Nguyễn Huy Tùng bị tuyên phạt 4 năm tù giam theo tội danh VKS truy tố. Ngoài ra, bị cáo còn phải cấp dưỡng cho 2 con của Thượng úy Lê Văn Sinh mỗi tháng 1,5 triệu đồng.