Cuối năm, nhưng điện đòi tăng giá

ANTĐ - Đề xuất tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi năm hết Tết đến đang nhận được những ý kiến trái chiều. Trong khi nhiều người tỏ ra lo lắng, vẫn có ý kiến cho rằng, tăng giá điện vào thời điểm này là hợp lý.

Cuối năm, nhưng điện đòi tăng giá ảnh 1Ngành điện phải lý giải được nguyên nhân tăng giá thì người dân mới ủng hộ

Thị trường hóa giá điện

Bình luận về đề xuất tăng giá điện của EVN dịp cuối năm, chuyên gia kinh tế Phạm Minh Thụy (Viện Kinh tế - Tài chính – Bộ Tài chính) cho biết: “Tăng giá điện lúc này là phù hợp do lạm phát thấp, kinh tế vĩ mô ổn định, giá cả nguyên vật liệu trong nước cũng như trên thế giới không cao”.

Theo vị chuyên gia này, đề xuất tăng giá điện được căn cứ vào giá thành sản xuất điện có biến động. Hiện tại đang là mùa khô, ngành điện phải huy động nhiều từ nguồn nhiệt điện chạy than và dầu, nguồn thủy điện ít. Dù giá dầu đã giảm mạnh và giá than bán cho điện theo thị trường nhưng giá thành sản xuất điện vẫn cao hơn mùa mưa. Ông Phạm Minh Thụy cho rằng, tăng giá điện vì nhiều mục tiêu chứ không chỉ vì chuyện doanh nghiệp lỗ hay lãi. “Ngành điện cũng cần phải khuyến khích đầu tư mới nhằm đảo bảo nguồn cung, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước” - chuyên gia này phân tích.

Theo ông Trần Đình Long – Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện lực Việt Nam, đề xuất tăng giá điện của EVN dựa trên 2 căn cứ. Một là đưa giá điện trong nước tiến dần tới mức trung bình của khu vực. Hai là cân bằng thu chi ngân sách trên cơ sở Tập đoàn có nguồn tài chính dự trữ để tái đầu tư. Giá điện hiện nay còn thấp nên chưa thu hút được đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. Về lâu dài, tình trạng này sẽ gây áp lực lên nguồn cung. 

Trên thực tế, từ tháng 8-2013, giá điện trong nước được giữ ổn định. Giá bán lẻ điện bình quân hiện tại là 1.508,8 đồng/kWh. 16 tháng qua, EVN đã 2 lần đề xuất tăng giá điện nhưng chưa được chấp thuận. Lần này, Tập đoàn đề nghị được tăng giá trong bối cảnh giá than và giá dầu giảm, thủy điện trong năm 2014 cũng khá thuận lợi. Về con số cụ thể, nhiều nguồn tin cho rằng, mức giá đề xuất tăng đợt này vẫn nằm trong khung giá quy định. Theo khung giá này, mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013-2015 (chưa bao gồm thuế VAT) là 1.437 đồng/kWh - 1.835 đồng/kWh. Bộ Công Thương đã yêu cầu các bên liên quan nghiên cứu phương án điều chỉnh giá điện để Bộ xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. 

Phải công khai, minh bạch

Ông Vương Ngọc Tuấn - Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đánh giá: “Giá xăng dầu và nguyên vật liệu đang giảm sâu mà giá điện lại đề xuất tăng. Đây rõ ràng là mối quan tâm rất lớn của người dân và doanh nghiệp dịp cuối năm”. Đứng trên góc độ người tiêu dùng, bất kỳ thông tin tăng giá nào cũng đều “nhạy cảm” và không được chào đón, đặc biệt là vào dịp cuối năm, khi mọi chi tiêu đều dồn vào túi tiền có hạn của người dân. “Vì vậy, ngành điện phải lý giải được nguyên nhân tăng giá, khoản gia tăng bao nhiêu, sẽ được sử dụng như thế nào thì người dân mới ủng hộ” - ông Vương Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Tán thành với phương án tăng giá điện song ông Phạm Minh Thụy cũng cho rằng, EVN phải giảm tỷ lệ tổn thất điện năng xuống nữa, tiết giảm chi phí sản xuất một cách hợp lý. Ngoài ra, cần xem xét phương án cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành điện. Ông Phạm Minh Thụy lưu ý: “Mức điều chỉnh giá cần phải dựa trên kết quả kiểm toán minh bạch thời kỳ trước tăng giá và được liên Bộ Tài chính - Công Thương xem xét khách quan”. Trả lời câu hỏi liệu việc tăng giá điện thời điểm này có khiến người dân tiếp tục thắt chặt chi tiêu, chuyên gia kinh tế này cho biết, cuối năm 2014, dù giá xăng dầu và nhiều mặt hàng giảm nhưng sức mua vẫn không được đẩy lên. Do đó, việc tăng giá điện sẽ không ảnh hưởng đến sức mua. 

Theo ông Trần Đình Long, các bộ ngành liên quan sẽ xem xét tác động vĩ mô và cân đối mức tăng giá. Tuy nhiên, “tăng giá thời điểm cận Tết nhìn chung sẽ gây tâm lý không tích cực đối với người dân” - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện lực nói.