Đòn trừng phạt lỗi thời

ANTĐ - Trừng phạt và cấm vận kinh tế không những không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine mà còn chẳng thể làm nước Nga lùi bước trước “đòn” có từ thời Chiến tranh Lạnh. 

Đòn trừng phạt lỗi thời  ảnh 1Nga thực hiện đa dạng hóa nền kinh tế, tránh phụ thuộc vào giá dầu mỏ để chống khủng hoảng

Phát biểu với hãng tin Interfax ngày 28-1, Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich tuyên bố mọi biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine đều vô nghĩa. Tuyên bố được cho là nhằm đáp trả trước trước khả năng Liên minh châu Âu (EU) đang trù tính các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga để gây sức ép trong vấn đề Ukraine.

Theo các nguồn tin báo chí, lãnh đạo EU đã yêu cầu các ngoại trưởng của liên minh này có thêm “hành động thích đáng” đối với Nga sau khi xảy ra các vụ giao tranh ác liệt giữa lực lượng đòi độc lập và quân đội Chính phủ Ukraine ở miền Đông Ukraine. Trong ngày    29-1, các ngoại trưởng EU đã nhóm họp tại Brussels (Bỉ) song không thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế mới mà chỉ đề nghị Ủy ban châu Âu (EC, cơ quan chấp hành của EU) soạn thảo các biện pháp tiếp theo để lãnh đạo liên minh đưa ra quyết định về vấn đề này tại cuộc họp thượng đỉnh EU vào ngày 12-2 tới.

Hiện chưa biết đòn trừng phạt mới của EU với Nga sẽ ra sao và có được thực thi hay không nhưng có thể thấy, nó khó có thể khiến nước Nga thay đổi lập trường hay chùn bước trong vấn đề Ukraine. Kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga cũng như bùng nổ chiến sự tại miền Đông Ukraine, phương Tây đã áp đặt nhiều biện pháp cấm vận với Nga, chủ yếu nhằm vào lĩnh vực dầu khí - mũi nhọn của nền kinh tế Nga, ngân hàng, công nghiệp quốc phòng…

Đúng là thời gian qua, nền kinh tế Nga gặp khó khăn trầm trọng như tăng trưởng kinh tế chỉ khoảng 0,5-0,6% năm 2014, đồng ruble mất giá kỷ lục 41% so với đồng USD và Euro trong năm 2014… song chủ yếu là do giá dầu thô xuống giá quá mạnh chứ đòn trừng phạt của phương Tây chỉ có tác dụng phần nào đó. Việc giá dầu thô thế giới đột ngột sụt giảm từ mức trên 100 USD/thùng xuống 50-60 USD/thùng đã khiến ngân sách Nga thất thu nghiêm trọng, đi liền với nó là rất nhiều hệ lụy với nền kinh tế.

Không phải ai khác mà chính nhiều nhà lãnh đạo EU đã tỏ ra quan ngại về sự phản tác dụng của các biện pháp trừng phạt của họ với nước Nga. Tổng thống Áo Heinz Fischer cho rằng, sẽ là sai lầm khi gia tăng các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga nhằm đạt các mục tiêu chính trị bởi kinh tế Nga có tiềm năng ổn định và việc gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga sẽ không giải quyết được cuộc xung đột Ukraine. Trong khi đó, ngoài Anh, Ba Lan, Hà Lan và 3 nước Baltic ủng hộ duy trì trừng phạt Nga, thì Áo, Hungary, Italia,  CH Cyprus, Luxembourg, Slovakia, Pháp và CH Czech và mới đây là Hy Lạp lại tán thành việc dỡ bỏ trừng phạt để mở đường cho đối thoại với nước này để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trong kế hoạch chống khủng hoảng trị giá 1.172 tỷ ruble (1 USD = 68,1 ruble) cho năm 2015 trong bối cảnh kinh tế khó khăn và phương Tây lăm le tăng cường thêm các biện pháp trừng phạt, Nga đã đưa ra rất nhiều giải pháp nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, hạn chế phụ thuộc vào giá dầu mỏ cũng như tác động của đòn trừng phạt vốn là thứ vũ khí lỗi thời từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.